Chương 3: Định hướng và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Công ty Cổ phần Sông Đà 12 trong điều kiện hội nhập kinh tế
3.5. Một số kiến nghị đối với nhà nước
Chính phủ cần đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp, nhà nước chỉ nên giữ một vài ngành then chốt, làm như vậy chúng ta mới có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành xây dựng ngành còn được khá nhiều sự ưu tiên từ nhà nước. Có như vậy chúng ta mới nhanh chóng có các công ty tầm cỡ trong khu vực và quốc tế.
Điều thứ hai mà chính phủ cần phải tạo dựng đó là đổi mới tư duy, tạo ra nhận thức mới về nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập đối với các doanh nghiệp trong xây dựng. Trong đó, Chính phủ cần có quyết sách đẩy nhanh việc hình thành đầy đủ, đồng bộ nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Việc ban hành các nghị định, nghị quyết hay các bộ luật liên quan đến xây dựng không được chồng chéo lên nhau vì như thế nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thành các dự án, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và chất lượng công trình. Không những thế nó còn làm cho các nhà đầu tư vào ngành xây dựng mất lòng tin vào các chính sách của nhà nước, không thúc đẩy được ngành này phát triển, điều đó làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành.
Đẩy mạnh việc hình thành thị trường khoa học công nghệ để các công ty có thể dễ dàng tiếp cận hay mua các thiết bị hiện đại trên thế giới và nâng cao trình độ khoa học công nghệ của công ty.
Nhà nước cần định hướng đúng chính sách hỗ trợ trong cơ chế thị trường. Giải pháp mà chính phủ nên đưa ra không phải là ưu tiên, ưu đãi, mà tạo thuận lợi,
môi trường và điều kiện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển. Đó chính là môi trường cạnh tranh tốt nhất của hàng hoá, dịch vụ và của doanh nghiệp.
Nhà nước nên có một chương trình cơ bản với quy mô lớn nhằm đào tạo một thế hệ giám đốc mới, đội ngũ quản lý kinh tế mới có kiến thức, có thực tế, am hiểu kinh tế thế giới, sẵn sàng hội nhập quốc tế. Vấn đề đào tạo nguồn lực cần xuyên suốt từ các cơ quan Chính phủ đến các bộ, đến doanh nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức của người lao động trong điều kiện HNKQT.
Kết luận
Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp là điều tất yếu mà mỗi doanh nghiệp đều phải làm khi tham gia vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên tùy thuộc vào điểm mạnh, điểm yếu, vào khả năng vốn có của mình, vào tính năng của sản phẩm hay dịch vụ mà công ty kinh doanh thì mỗi công ty chọn cho mình cách thức riêng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của hàng hóa mà mình kinh doanh. Với Công ty Cổ phần Sông Đà 12, công ty thực hiện sản xuất kinh doanh trong ngành công nghiệp xây dựng, xây lắp công trình và vật tư thiết bị…một trong những ngành kinh tế có đóng góp không nhỏ đến GDP của Việt Nam thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Vì nếu không tự mình nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp mình thì tự công ty sẽ bị đào thải bởi vì không giữ vững được thị trường của mình, đánh mất khách hàng…và các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ ngày càng bị suy giảm hơn. Nhưng Công ty Cổ phần Sông Đà 12 đã nhìn thấy những khó khăn mà mình có thể gặp phải khi nền kinh tế nước ta tham gia toàn cầu hóa và đã đưa ra những giải pháp mà họ cho là tốt nhất đối với Công ty mình trong điều kiện HNKTQT và thực sự những giải pháp đó đã phần nào mang lại hiệu quả cho Công ty trong các hoạt động SXKD.
Cuối cùng, em xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới GS.TS Đỗ Đức Bình và các cán bộ trong phòng kinh tế kế hoạch của Công ty Cổ phần Sông Đà 12 đã giúp đỡ em hoàn thành bài viết này.