CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA Ở VIỆT NAM
2.3.2 Những vấn đề cần hoàn thiện chính sách thuế xuất nhập khẩu ở nước ta
Trước khi gia nhập WTO, hệ thống chính sách thuế vẫn còn phức tạp, thiếu tính ổn định, làm cho chi phí quản lý thu thuế lớn, ảnh hưởng tới hiệu quả thu thuế, tạo điều kiện
cho việc trốn thuế và bóp méo hệ thống thuế. Đồng thời, nó làm mất định hướng của nhà đầu tư và vi phạm một nguyên tắc chung của thông lệ quốc tế. Nhưng đến nay, nhiều chính sách thuế mới được bổ sung, sửa đổi, ban hành... phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phải thừa nhận rằng, trước đây, những quy định không rõ ràng về phạm vi của các sắc thuế hay trong một sắc thuế có quá nhiều thuế suất, chế độ ưu đãi, miễn giảm khác nhau đã cản trở quá trình hội nhập quốc tế trên các phương diện: khuyến khích XK, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.Việc quy định thiếu rõ ràng này còn lẫn lộn trong chức năng của từng sắc thuế, thể hiện ở phạm vi của đối tượng chịu thuế, các mức thuế suất quá cao vì gặp nhiều loại thuế trong một sắc thuế. Cụ thể: thuế tiêu thụ đặc biệt, ngoài chức năng điều tiết tiêu dùng với một số mặt hàng đặc biệt còn đảm đương cả chức năng của thuế VAT, vì đối tượng chịu thuế VAT không áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bên cạnh đó, thuế tiêu thụ đặc biệt còn được sử dụng cho chức năng bảo hộ sản xuất trong nước, nên có sự phân biệt đối xử giữa một số mặt hàng nhập khẩu và sản xuất trong nước (như ô tô, thuốc lá…) dẫn đến vi phạm nguyên tắc của WTO. Mặt khác, có một số mặt hàng tiêu dùng có tính chất xa xỉ lại không thuộc diện điều chỉnh của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nên trong biểu thuế nhập khẩu đang được áp dụng mức thuế suất cao, tạo sự hiểu lầm của dư luận quốc tế về thuế nhập khẩu không phù hợp thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, trong những cam kết khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết bảo đảm sự minh bạch, công bằng trong mọi cơ chế, chính sách kinh tế. Sự minh bạch theo yêu cầu của WTO cả ở bình diện quốc tế và quốc gia. Vì vậy khắc phục sự thiếu minh bạch trong toàn bộ nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực thuế, là đòi hỏi cấp bách không thể trì hoãn. Biện pháp để khắc phục tất yếu là triệt tiêu những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu minh bạch trong lĩnh vực thuế hiện nay.
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, đến nay, việc cắt giảm thuế, giảm chi phí cho hoạt động xuất, NK đã diễn ra cho phù hợp với những cam kết. Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến nay đã có gần 2.000 dòng thuế (trong biểu thuế nhập khẩu) được cắt giảm (tính từ ngày 11.01.2007), với mức cắt giảm bình quân 44%, so với trước. Về phí, lệ phí hải quan đã được
Bộ Tài chính sửa đổi căn bản (bãi bỏ nhiều loại phí; tính lại mức phí phù hợp với quy định của của WTO), giảm bớt nhiều thủ tục, tạo thuận lợi cho DN, giảm chi phí... Thực hiện nguyên tắc minh bạch hoá, Việt Nam đã chuyển sang sử dụng phương pháp quản lý rủi ro đối với hàng hóa xuất, NK, với việc áp dụng trị giá hải quan dùng làm căn cứ tính thuế. 2 năm qua, bãi bỏ hoàn toàn việc áp đặt bảng giá tối thiểu, chuyển sang chế độ kiểm tra sau thông quan; DN tự tính, tự nộp thuế NK. Chính phủ tiếp tục sửa đổi một số nội dung quan trọng của Nghị định 155/2005. Nghị định bổ sung các quy định về quyền của các nhà NK - được tự chứng minh rằng, tuy họ có mối quan hệ đặc biệt đối với nhà XK (nước ngoài), nhưng không ảnh hưởng tới trị giá giao dịch. Nhà NK được loại trừ ra khỏi trị giá tính thuế một số khoản, nếu đã được tính trong giá mua hàng NK. Các chuyên gia thuế của Bộ Tài chính cho biết, 2 sắc thuế gián thu quan trọng là thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã được sửa đổi, bổ sung, đảm bảo không vi phạm các nguyên tắc và quy định của WTO. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn có những sửa đổi văn bản hướng dẫn dưới luật (trước mắt là Thông tư 32/2007/TT- BTC ngày 9/4/2007 hướng dẫn về thuế GTGT). Những sửa đổi này nhằm bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế và giải quyết một cách khá triệt để những vướng mắc cụ thể mà thực tiễn đặt ra.
Các vấn đề ưu đãi của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến hoạt động XK, trái với quy định của WTO cũng được bãi bỏ và sắp xếp lại cho phù hợp. Các khoản ưu đãi mang tính chất trợ cấp XK đều được bãi bỏ. Nghị định quy định cụ thể việc bảo lưu trong thời hạn 5 năm, đối với các DN chế xuất đang hưởng ưu đãi thuế gắn với điều kiện XK (trừ dệt may); đồng thời chuyển những dự án thuộc diện này sang áp dụng ưu đãi thuế theo tiêu chuẩn ưu đãi về lĩnh vực, địa bàn. Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế cũng đã được Quốc hội thông qua và ban hành. Còn gần đây nhất, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cũng đã được thông qua với những sự điều chỉnh kịp thời như đối với một số mặt hàng quan trọng như: ô tô, rượu, bia, thuốc lá…