I. CÁC XU HƯỚNG TÁC ĐỘNG ĐẾN NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2006 – 2010.
2. Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế
Toàn cầu hoá là một xu thế khách quan, là động lực phát triển của lực lượng sản xuất. Quá trình toàn cầu hóa hiện nay là quá trình vừa hợp tác vừa cạnh tranh nhằm thiết lập một trật tự kinh tế thế giới mới, đảm bảo phân phối lợi ích công bằng hơn, hợp lý hơn. Kết quả thế nào còn phụ thuộc vào tương quan lực lượng giữa các nước, nhóm nước.
Trong quá trình toàn cầu hoá, các nước thành viên WTO phải mở cửa về thị trường, về đầu tư và về dịch vụ và phải tuân thủ các nguyên tắc:
- Không phân biệt đối xử giữa hàng hoá của các nước, các doanh nghiệp trong các nước thành viên về thuế, giá hàng hoá dịch vụ và các biện pháp tiếp cận thị trường theo nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) và nguyên tắc đối xử quốc gia.
- Thực hiện minh bạch, công khai trong cơ chế chính sách để mọi thương nhân, mọi người có quyền và cơ hội tiếp cận thông tin như nhau, tạo ra điều kiện bình đẳng trong hoạt động kinh doanh.
- Thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
- Tuân thủ cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO và sự phán xử của cơ quan tài phán quốc tế do tổ chức này thiết lập.
Ngoài các nguyên tắc này các nước thành viên còn phải tuân thủ hàng chục Hiệp định khác của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Do đó khi hội nhập WTO, ngành Dệt May Việt Nam vốn nhỏ bé về cơ sở vật chất kỹ thuật lại phải nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng, hoá chất, thuốc nhuộm…sẽ đứng trước những thách thức lớn đòi hỏi phải nỗ lực vượt qua.
Hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình vừa hợp tác phát triển vừa đấu tranh gay gắt dưới nhiều hình thức. Nó tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.
Về cơ hội, ngành Dệt May Việt Nam sẽ:
- Có một thị trường rộng lớn để có thể tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá, cũng như tiếp cận dễ dàng hơn với các nguyên phụ liệu chưa có điều kiện sản xuất.
- Thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài, các nguồn viện trợ phát triển của các nước và các đinh chế tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB)…
- Có điều kiện để tiếp nhận công nghệ sản xuất và kinh nghiệm quản lý thông qua các dự án đầu tư
Đồng hành với các cơ hội, nền kinh tế nước ta và các doanh nghiệp cũng phải đối đầu với các thách thức lớn, là sự cạnh tranh quyết liệt trên cả 3 cấp độ do hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, do phải thực hiện chế độ đãi ngộ tối huệ quốc và đối xử quốc gia nên các sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm nước khác không chỉ trên thị trường thế giới mà ngay cả trên thị trường nội địa.
Việc Việt Nam cam kết, đàm phán gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có tầm quan trọng sống còn với sự phát triển của ngành Dệt May Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các cơ chế chính sách của chính phủ nói chung và hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may nói riêng phải phù hợp với các quy định của WTO. Nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành dệt may trước đây không còn phù hợp với những thoả thuận với các nước trong quá trình đàm phán sẽ bị loại bỏ. Sự giảm các mức thuế nhập khẩu vải, quần áo và nguyên phụ liệu dệt may theo cam kết đàm phán hội nhập sẽ mở cửa hơn nữa thị trường dệt may trong nước, đồng thời gia tăng áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp dệt may trong nước, đặt biệt là các doanh nghiệp dệt, do Việt Nam phải thực hiện giảm thuế nhập khẩu còn 0% - 5% để hội nhập hoàn toàn vào AFTA. Cạnh tranh ngày càng gay gắt và không bình đẳng trong bối cảnh Việt Nam chưa gia nhập WTO; hàng dệt may xuất sang Mỹ - thị trường quan trọng nhất - vẫn còn phải chịu rào cản hạn ngạch.
Như vậy, hội nhập kinh tế quốc tế vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Thách thức là sức ép trực tiếp, còn cơ hội tự nó không chuyển thành lực lượng vật chất trên thị trường mà phải thông qua hoạt động của chủ thể. Cơ hội và thách thức cũng luôn vận động, biến đổi không ngừng. Tận dụng được cơ hội sẽ đẩy lùi thách thức và tạo ra cơ hội mới lớn hơn. Ngược lại, không tận dụng được cơ hội thì thách thức sẽ lấn át và làm triệt tiêu cơ hội, Chính vì vậy mà vai trò chủ thể của doanh nghiệp, của nhà nước là quyết định. Doanh nghiệp là người xung trận là lực lượng trực tiếp đi đầu trong
cạnh tranh nhưng nhà nước phải là người mở đường, người chỉ lối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Với nền kinh tế đã được toàn cầu hoá, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng sâu, sự phối hợp giữa các quốc gia có vai trò ngày càng lớn, chức năng của nhà nước trong quan hệ kinh tế đối ngoại ngày càng được tăng cường.