I. CÁC XU HƯỚNG TÁC ĐỘNG ĐẾN NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2006 – 2010.
1. Xu hướng chuyển dịch phát triển ngành Dệt – May
Ngành công nghiệp Dệt May được hình thành và phát triển vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, ban đầu là ở nước Anh. Sự chuyển dịch lần thứ nhất diễn ra từ nước Anh sang các nước Châu Âu khác. Sự chuyển dịch lần thứ hai là Châu Âu sang Nhật Bản vào những năm 1950 trong thời kỳ hậu chiến tranh thế giới lần thứ hai.Từ những năm 1960, khi chi phí sản xuất Nhật Bản tăng cao và thiếu nguồn lao động, công nghiệp Dệt May lại được dịch chuyển lần thứ ba sang các nước công nghiệp mới (NICs) ở Châu Á như Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc. Cho đến những năm 1980, khi các nước Đông Á dần chuyển sang sản xuất các mặt hàng có công nghệ kỹ thuật cao hơn như ô tô, điện lạnh, điện tử…lợi thế so sánh của ngành Dệt May mất đi, song song với đẩy mạnh quá trình đầu tư vốn ra nước ngoài, các nước NICs, và các nước phát triển đã buộc chuyển dịch ngành này sang các nước đang phát triển như ASEAN, Trung Quốc và sang các nước Nam Á. Quá trình dịch chuyển ngành Dệt May cũng được thực hiện giữa các vùng trong nội bộ một quốc gia. Ban đầu công nghiệp Dệt May được tập trung tại các đô thị nhờ các lợi thế về cơ sở hạ tầng, trình độ lao động, thương mại…Song sau đó do mất dần ưu thế về lao động và giá cả nhân công, để tiếp tục giữ lợi thế so sánh, Công nghiệp Dệt May buộc phải dịch chuyển dần về các vùng đô thị kém phát triển hơn và các vùng nông thôn. Như vậy có thể thấy các nước công nghiệp lớn đều dùng lợi thế sử dụng nhiều lao động của ngành Dệt May làm bàn đạp phát triển công nghiệp và
quá trình dịch chuyển của ngành Công nghiệp Dệt May là một tất yếu. Đối với các nước có ngành Dệt phát triển, họ sẽ tập trung vào đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu và sản xuất các mặt hàng mới có hàm lượng công nghệ cao phục vụ nhu cầu phát triển của ngành và các ngành công nghiệp khác. Khi ngành Dệt mất dần lợi thế cạnh tranh, họ sẽ thực hiện việc chuyển giao công nghệ sang các nước khác có lợi thế hơn và có trình độ công nghệ thấp hơn.
Đối với Việt Nam, một nước đang phát triển, xu hướng chuyển dịch ngành dệt may trong giai đoạn hiện nay đang tạo ra nhiều điều kiện hết sức thuận lợi. Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác có cơ hội tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến để đổi mới và phát triển công nghệ hiện có, nâng cao năng lực sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Việc tận dụng được quá trình dịch chuyển của ngành công nghiệp Dệt May là một lợi thế và điều kiện cơ bản để phát triển công nghiệp Dệt May của Việt Nam trong tương lai. Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần thực hiện chính sách, biện pháp “đi tắt đón đầu”, một mặt tiếp nhận nhanh chóng quá trình dịch chuyển ngành từ các nước, mặt khác phải tích cực đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, đầu tư khoa học công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, sản phẩm cao cấp như trong giai đoạn phát triển cao của ngành Dệt May tại các nước phát triển.