10 Đánh giá ngành dệt may sau BTA, Vitas
5.1.4 Vấn đề chiến lược 4: Nâng cao năng suất
Thiếu cán bộ quản lý có chất lượng bậc trung, quy trình sản xuất và quản lý không phù hợp, tốc độ thay thế nhân công nhanh là các nguyên nhân chính dẫn tới năng suất lao động của ngành may mặc Việt Nam thấp. Vẫn các công nhân thêu như thế nhưng nếu làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài với máy móc tương tự có thể đạt năng suất cao hơn tới 20%. Có thể tái cơ cấu quy trình sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất.
Khuyến nghị:
Nâng cấp các viện đào tạo và nghiên cứu về dệt may để các tổ chức này có thể cung cấp dịch vụ đào tạo và tư vấn cho doanh nghiệp may mặc. Vinatex đang quản lý một số viện nghiên cứu và đào tạo như Viện Nghiên cứu dệt may Hà Nội và họ đã thiếu sự chủ động trong một thời gian dài. Vinatex và Vitas cần xem xét việc nâng cấp các viện này bằng cách tái đào tạo cán bộ nghiên cứu và cán bộ đào tạo, phát triển các chương trình trao đổi với các viện nghiên cứu ở nước ngoài và trang bị công nghệ mới. Các viện này có thể cung cấp cho doanh nghiệp may mặc một số dịch vụ bao gồm:
Đào tạo kĩ thuật trong công tác quản lý sản xuất và nhân sự, đào tạo về marketing cho lãnh đạo bậc trung và cấp cao.
Các dịch vụ tư vấn về nâng cao năng suất.
Một phương pháp nữa là Vinatex hoặc Vitas xây dựng liên doanh với các viện nghiên cứu khác gồm cả tư nhân và nước ngoài để cung cấp dịch vụ đào tạo và tư vấn.
Ở cấp doanh nghiệp, việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng như ISO 9000 cũng là phương pháp hiệu quả nhằm nâng cao năng suất. Để nhận được chứng chỉ, doanh nghiệp dệt may phải chuẩn hóa các quy trình và phương pháp làm việc khiến cho năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao. Ngoài ra, những chứng chỉ về quản lý chất lượng sẽ gây được lòng tin đối với khách hàng, giúp cho việc đàm phán và ký kết hợp đồng trở nên dễ dàng hơn. Muốn vậy, Vitas cần xem xét việc soạn thảo và phổ biến rộng rãi các bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp dệt may đã đạt được năng suất cao nhờ việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng.
Doanh nghiệp dệt may cũng nên xem xét để tái cơ cấu tổ chức hiện có. Cơ cấu tốt hơn về bồi hoàn, chức năng, điều phối sẽ giúp cho doanh nghiệp hoạt động được thuận lợi hơn và tiếp thêm động lực cho nhân viên, kết quả là năng suất được tăng lên.