Đặc điểm của tập đoàn TCNH

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ về Giải pháp thúc đẩy hoạt động ngân hàng theo định hướng hình thành tập đoàn tài chính Ngân hàng tại VN (Trang 26 - 28)

Qua quá trình nghiên cứu khảo sát một số tập đoàn TCNH lớn trên thế giới, có thể thấy tập đoàn TCNH thường mang những đặc điểm sau:

- Thứ nhất, các tập đoàn TC-NH đều có lịch sử phát triển từ một ngân hàng (thương mại hoặc đầu tư) hay từ công ty bảo hiểm. Sau khi phát triển đến độ cần thiết các ngân hàng đều vươn ra hoạt động đa năng hướng ra toàn cầu.

- Thứ hai, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của tập đoàn tài chính khá lớn và chiếm tỷ lệ lớn trong GDP. Vốn của các tập đoàn thường được tạo ra thông qua các hình thức như: nhà nước cấp vốn, tích lũy từ lợi nhuận kinh doanh, phát hành cổ phiếu, trái phiếu đầu tư nước ngoài, sáp nhập, mua lại với các

ngân hàng, công ty khác hoặc đi vay… Nhờ ưu thế về vốn, các tập đoàn có thể đầu tư tốt về công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nên khả năng cạnh tranh sẽ cao và hệ quả là cơ chế quản lý cũng hết sức hiện đại và hiệu quả.

- Thứ ba, cơ cấu tổ chức phức tạp: nòng cốt của một tập đoàn tài chính ngân hàng là một công ty cổ phần, dưới nó là ngân hàng con và các công ty cổ phần trung gian, dưới nữa là các công ty con của công ty con. Trong các tập đoàn các công ty vẫn giữ nguyên về mặt pháp lý, việc huy động vốn và các hoạt động kinh tế được duy trì bằng hợp đồng kinh tế, các chủ sở hữu của công ty thành viên vẫn có quyền điều hành công ty của mình và vẫn có tư cách pháp nhân riêng. Về mặt điều hành, do các tập đoàn kinh tế hình thành từ sự phát triển các mối quan hệ kinh tế giữa các chủ thể kinh tế, trong đó quan trọng nhất là sự liên kết về tài chính do đó các tập đoàn kinh tế thường dùng tài chính để kiểm soát các công ty thành viên thông qua công ty mẹ hoặc là công ty tài chính trường hợp không có công ty mẹ. Cơ cấu của tập đoàn tài chính ngân hàng thường bao gồm 2 bộ phận: bộ phận kinh doanh và bộ phận hỗ trợ. Bộ phận kinh doanh được phân tán làm 3 mảng chuyên môn chính: Ngân hàng bán lẻ phục vụ khách hàng cá nhân đại trà, ngân hàng bán buôn bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty lớn, ngân hàng đầu tư kinh doanh trên thị trường tài chính. Bộ phận hỗ trợ gồm có quản lý rủi ro, tài chính kế toán, tác nghiệp và IT. Tham khảo mô hình và cơ cấu tổ chức kinh doanh của Citigroup ta thấy Citigroup Global Consumer Group chuyên trách về hoạt động ngân hàng bán lẻ, Corporate and Investment Banking kinh doanh bán buôn, Globank Wealth Management kinh doanh ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản và Citigroup Alternative Investment kinh doanh quản lý tài sản, chuyên môn hoá trong mua bán nợ, bất động sản và các quỹ đầu tư mạo hiểm... Ngoài ra, ngân hàng này còn có một số công ty con khác như: European American Bank, Salomon Brothers.

- Thứ tư, sản phẩm kinh doanh rất đa dạng: Sản phẩm cung ứng bao gồm tất cả các loại hình sản phẩm tài chính: cấp tín dụng, tư vấn, dịch vụ, bảo hiểm, quản lý tài sản, quản lý tài chính, dịch vụ ngân hàng điện tử (e- banking)... Các sản phẩm phải đa dạng đáp ứng nhu cầu khách hàng và thể hiện sự phân tán rủi ro của ngân hàng.

- Thứ năm, tất cả các bộ phận được quản trị thống nhất và tập trung theo ngành dọc. Đứng đầu tập đoàn thường là Chủ tịch tập đoàn, sau đó đối với với từng mảng hoạt động sẽ có giám đốc phụ trách khối, ví dụ: Giám đốc phụ trách khối rủi ro, Giám đốc phụ trách tài chính, Giám đốc phụ trách khách hàng... Tập đoàn Deutsche Bank AG (DB) là một tập đoàn tài chính hiện đứng thứ 21 thế giới và nổi tiếng với mô hình tổ chức khoa học của người Đức với cơ cấu cụ thể sau: Hội đồng quản trị của Deutsche Bank hiện có 4 thành viên và đều là thành viên điều hành gồm có Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (Spokeman), Thành viên kiêm Giám đốc tài chính (CFO), Giám đốc quản lý rủi ro (CRO), Giám đốc Hành chính (CAO), Giám đốc tác nghiệp (COO). Deutsche Bank có 8 Ủy ban chức năng theo các mảng: quản trị nguồn nhân lực; ALCO (Quản trị tài sản Có và tài sản Nợ); đầu tư; tuân thủ; IT và tác nghiệp; tài chính; rủi ro; Alternative Assets. Mô hình tập đoàn tài chính vừa thể hiện sự đa năng trong cung ứng sản phẩm nhưng cũng rất chuyên sâu về quản lý.

- Thứ sáu, mô thức quản trị nêu trên cho phép các tập đoàn tài chính, dù có cơ cấu phức tạp đến đâu và dù có thay đổi nào (hiện tượng mua bán, chia tách, sáp nhập... các công ty tài chính hiện rất phổ biến), vẫn duy trì hoạt động ổn định và giữ chân được khách hàng.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ về Giải pháp thúc đẩy hoạt động ngân hàng theo định hướng hình thành tập đoàn tài chính Ngân hàng tại VN (Trang 26 - 28)