phát triển về quy mô và công nghệ:
Trong quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, rất nhiều cơ hội và thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm sao để có vốn, khoa học công nghệ, trình độ quản lý ... để tiếp cận và cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại ở thị trường trong nước và trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện chương trình trợ giúp triển doanh nghiệp nhỏ và vừa:
- Về khuyến khích đầu tư: Chính phủ trợ giúp đầu tư thông qua biện pháp về tài chính, tín dụng; khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp và thể nhân góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Về mặt bằng sản xuất: Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có mặt bằng sản xuất, khuyến khích xây dựng các khu, cụm công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng nhiều lợi ích từ chính sách ưu đãi về thuê đất, chuyển nhượng, thế chấp và các quyền khác về sử dụng đất đai.
- Về thị trường: Chính phủ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các thông tin về thị trường, giá cả hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tham gia cung ứng hàng hóa, dịch vụ theo kế hoạch mua sắm bằng nguồn ngân sách Nhà nước; đổi mới công nghệ, trang thiết bị, máy móc, phát triển sản phẩm mới, hiện đại hóa quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
- Về xúc tiến thương mại, thông tin, tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa liên kết, hợp tác với nước ngoài mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa khảo sát, học tập, trao đổi hợp tác, tham gia hội chợ triễn lãm, giới thiệu sản phẩm tìm hiểu thị trường, trợ giúp kinh phí tư vấn đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.