Cải tiến phương thức phát hành trái phiếu Chính phủ: tăng cường phát hành theo phương thức đấu thầu và bảo đảm phát hành trái phiếu, đa dạng hoá các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ để tạo ra đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường vốn, phát hành trái phiếu theo lịch biểu nhằm cung cấp trái phiếu cho thị trường. Bởi vì, các nhà ĐTTN và ĐTNN đều lấy trái phiếu Chính phủ làm thước đo độ an toàn cho hoạt động đầu tư của mình. Vì vậy, một khi có sự tham gia của trái phiếu Chính phủ sẽ tạo ra tính hấp dẫn cho thị trường. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần có những điều chỉnh thích hợp trong việc phát hành trái phiếu của mình. Chính phủ một mặt tạo ra hàng hoá cho thị trường, mặt khác Chính phủ đảm bảo cho thị trường ổn định thông qua việc sử dụng hợp lý nguồn vốn thu được từ thị trường.
Thúc đẩy hơn nữa việc cổ phần hoá các DN nhằm tạo ra lượng hàng hoá cho thị trường: hiện nay, quy mô giao dịch của hai TTGDCK TP.HCM và Hà Nội không đáp ứng nổi nhu cầu đầu tư của thị trường. Các nhà đầu tư chuyển hướng sang thị
trường OTC hoặc các DN cổ phần hoá. Thực tế, sau 7 năm hoạt động thị trường đã
có 193 cổ phiếu niêm yết và đăng ký giao dịch (bao gồm TTGDCK TP.HCM và Hà Nội ), một con số quá nhỏ cho một thị trường tiềm năng như nước ta. Điều đáng nói ở đây là số lượng cổ phiếu niêm yết chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số cổ phiếu của một công ty cổ phần niêm yết trên sàn giao dịch. Muốn DN mặn mà lên sàn, chúng ta phải dẹp bỏ tư tưởng: một khi lên sàn thì “vạch áo cho người xem lưng” kèm theo áp lực cổ tức phải trả khi huy động quá cao (cao hơn lãi suất ngân hàng).
Mở rộng việc chuyển các DN có vốn ĐTNN thành các công ty cổ phần, thực tế cho thấy các DN có vốn nước ngoài hoạt động hiệu quả đều muốn huy động vốn thông qua TTCK. Các DN trong nước cũng như nước ngoài đều có mong muốn tìm được một nguồn vốn ngay tại nước sở tại. Chính vì điều đó, chúng ta cần đưa ra những chính sách cũng như biện pháp thích hợp thúc đẩy, tạo điều kiện để những DN có vốn nước ngoài được niêm yết.