Có một nội dung trong quy định ủy quyền phán quyết tín dụng của SCB chưa hợp lý là mọi khách hàng mới khi đặt quan hệ tín dụng với SCB đều phải do Tổng Giám đốc quyết định. Hồ sơ trước khi được Tổng Giám đốc duyệt đều phải được Phòng tín dụng và Đầu tư trực tiếp của Hội sở tái thẩm định. Theo tôi, về lâu dài quy định này bộc lộ nhiều nhược điểm và sẽ gây ra rủi ro cho hoạt động tín dụng.
Do SCB đang trong quá trình củng cố phát triển nên công tác tiếp thị khách hàng mới rất được chú trọng. Mỗi tuần, Phòng tín dụng và Đầu tư trực tiếp phải thẩm định trên 15 hồ sơ khách hàng mới do các chi nhánh chuyển về (Trong đó: khoảng 05 hồ sơ có số tiền đề nghị vay trên 10 tỷ đồng, 10 hồ sơ có số tiền đề nghị vay từ 10 tỷ đồng trở xuống). Nhân viên của Phòng tín dụng và Đầu tư trực
tiếp chỉ có 5 người. Như vậy, ngoài việc thực hiện một số công tác khác, bình quân mỗi nhân viên phải tái thẩm định ít nhất 03 hồ sơ tín dụng mỗi tuần. Vì thế, công tác tái thẩm định hồ sơ tín dụng của Phòng Tín dụng và Đầu tư trực tiếp chỉ dừng ở mức kiểm tra các điều kiện và nguyên tắc cho vay mà không có đủ thời gian để thực hiện công tác tái thẩm định đúng nghĩa. Trong thời gian qua hầu như Phòng tín dụng và Đầu tư trực tiếp chưa có điều kiện đi thực tế để thẩm định bất cứ hồ sơ tín dụng nào. Chính vì thế hiệu quả công tác tái thẩm định không cao, khả năng xảy ra rủi ro tín dụng rất lớn. Thời gian vừa qua. đa số các dự án đầu tư đều thông qua Phòng Tín dụng và Đầu tư trực tiếp tái thẩm định nhưng do không có nhiều thời gian và không tiếp cận được thực tế dự án nên đã không phát hiện được các hạn chế của dự án. Kết quả là nợ xấu phát sinh và ngày càng tăng.
Theo tôi, để khắc phục tình trạng này SCB cần phân quyền phán quyết tín dụng đối với khách hàng mới cho các chi nhánh như sau:
- Đối với các chi nhánh do Phó Tổng Giám đốc phụ trách: được quyền quyết định tín dụng đối với hồ sơ của các khách hàng mới từ 10 tỷ đồng trở xuống.
- Đối với các chi nhánh không do Phó Tổng Giám đốc phụ trách: được quyền quyết định tín dụng đối với hồ sơ của các khách hàng mới từ 7 tỷ đồng trở xuống.
Khi đó, mỗi tuần Phòng Tín dụng và Đầu tư trực tiếp chỉ thẩm định khoảng 5 hồ sơ của khách hàng mới nên sẽ có đủ thời gian thẩm định kỹ hồ sơ vay, dự đoán được các rủi ro có thể xảy ra đối với dự án cho vay.