Công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu

Một phần của tài liệu đề tài: " NÂNG CAO KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CHO CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA CỦA VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP VÀO WTO " doc (Trang 49 - 50)

Trình độ khoa học công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật có vai trò rất quan trọng, là cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ. Thực tế ở nước ta hiện nay cho thấy, trình độ khoa học, công nghệ của các doanh nghiệp nói chung còn thấp, kể cả các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và quốc doanh. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (2004), hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp có trình độ công nghệ dưới mức trung bình của khu vực và thế giới, máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất lạc hậu so với thế giới từ 20-30 năm. Trình độ trang thiết bị lạc hậu từ 3-4 thế hệ so với các nước trong khu vực. Tốc độ đổi mới công nghệ rất chậm. Rất nhiều sản phẩm có chi phí tiêu hao nguyên vật liệu cao làm cho giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp, phần lớn giá trị máy móc thiết bị sản xuất của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chỉ còn 30% so với giá trị ban đầu và đã lạc hậu hơn 30 năm. Tình trạng này khá nghiêm trọng trong một số ngành như dệt may có đến 45% thiết bị máy móc của các doanh nghiệp cần phải đầu tư nâng cấp và 30%-40% cần thay thế; ngành mũi nhọn công nghiệp là cơ khí thì đã lạc hậu hơn 40 năm so với khu vực và 50 năm so với các nước phát triển. Địa phương đầu tàu kinh tế của cả nước là thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ có 25% doanh nghiệp có công nghệ sản xuất tiên tiến, 32% ở mức trung bình, còn lại là dưới trung bình và lạc hậu, trong đó doanh nghiệp có công nghệ lạc

hậu chiếm 20%8. Theo Báo cáo chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ thì ngoài những công nghệ tiên tiến được đầu tư mới trong một số ngành, lĩnh vực như bưu chính – viễn thông, dầu khí, hàng điện tử tiêu dùng, sản xuất điện, xi măng, nhìn chung trình độ công nghệ của các ngành sản xuất nước ta hiện lạc hậu khoảng 3-4 thế hệ công nghệ so với các nước trong khu vực. Tình trạng trình độ công nghệ lạc hậu làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung trong bối cảnh hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Có thể thấy vấn đề tồn tại này có một phần nguyên nhân từ việc khó tiếp cận vốn. Các DNNVV thường có vốn nhỏ, thiếu vốn, do vậy muốn đầu tư mở rộng SXKD, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị thì cần phải huy động thêm vốn. Ngoài nguyên nhân do thiếu vốn, còn có nguyên nhân khác nữa là do nhiều DNNVV có thị trường đầu ra có quy mô nhỏ, không ổn định, do vậy doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư để đổi mới máy móc, công nghệ.

Một phần của tài liệu đề tài: " NÂNG CAO KHẢ NĂNG CẠNH TRANH CHO CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA CỦA VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP VÀO WTO " doc (Trang 49 - 50)