Đa dạng hoá mẫu mã chủng loại

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh hàng đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam trên thị trường Nhật Bản (Trang 64 - 65)

5. Kết cấu đề tài

3.2.4.1.Đa dạng hoá mẫu mã chủng loại

Tạo nét đẹp thủ công - những kinh nghiệm thành công

Tình trạng phổ biến ở nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ hiện nay là làm hàng chủ yếu theo mẫu mã, kiểu dáng của đơn đặt hàng nước ngoài với nguyên liệu gỗ cũng nhập từ nước ngoài. Do đó giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm gỗ xuất khẩu không cao, chỉ đạt 10-15% trên giá trị sản phẩm gỗ xuất khẩu. Cách bứt phá của một số nhà sản xuất đồ gỗ để tăng giá trị xuất khẩu là đưa vào sản phẩm đồ gỗ những nét chạm trổ tỉ mỉ bằng tay.

Ông Nguyễn Văn Quý - Giám đốc Công ty Gỗ Hố Nai (tỉnh Đồng Nai) - chọn cách đưa nhiều công đoạn chạm trổ bằng tay tỉ mỉ trên sản phẩm gỗ nội thất để nâng giá trị hàng lên. “Với cách làm này, chúng tôi chuyển từ sử dụng nhân công giá rẻ sang nhân công lành nghề, lại bán được giá cao”, ông Quý nói.

Công ty Mạnh Hùng (Quận 1, Tp.HCM) của ông Trần Mạnh Hùng lại chọn những họa tiết ghép bằng gỗ lạng mỏng, tạo nét đặc sắc riêng cho sản phẩm gỗ nội thất. “Họa tiết gỗ làm tỉ mỉ bằng tay chính là ưu thế của dòng sản phẩm gỗ nội thất này và đẩy giá trị xuất khẩu lên rất nhiều”, ông Hùng cho biết.

Điều đáng ngại nhất đối với cơ sở của ông Hùng vẫn là cạnh tranh với Trung Quốc về kiểu dáng, giá cả. Hàng Trung Quốc cũng có dạng hàng gỗ gia dụng đưa vào họa tiết ghép bằng gỗ nhưng mẫu không phong phú bằng.

Trong khi đó, Công ty Việt Collection (Bình Dương) chọn lối đi riêng bằng cách chỉ làm các loại cửa nhà bằng gỗ. “Làm cửa gỗ là ngành hàng rất chuyên biệt, chưa có nhiều người làm và xuất sang thị trường Mỹ. Chúng tôi hướng tới mặt hàng cửa gỗ cao cấp để tạo hướng đi có lợi nhất vào lúc này”, ông Phạm Hưng Andrew - chủ tịch hội đồng quản trị công ty - thổ lộ.

Mặt hàng chuyên biệt

Các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đều đầu tư từ A-Z để hoàn thiện nhiều sản phẩm, vì vậy vốn đầu tư rất lớn mà sản phẩm làm ra không nhiều, giá lại cao, không cạnh tranh nổi với “người khổng lồ” Trung Quốc. “Phải làm sao để có được hiệp hội hoặc liên kết để tổ chức mỗi người một công đoạn sản xuất nhằm giảm vốn đầu tư, làm được nhiều sản phẩm, hạ giá thành. Và điều đặc biệt là phải có sản phẩm độc đáo của riêng mình mới có thể có được hợp đồng”.

Sau vài năm đưa hàng vào Nhật, ông Trần Mạnh Hùng đúc kết được gu hàng của khách Nhật để đưa ra những mẫu bán được: hàng có màu sắc không lòe loẹt, đồng gam màu, gam màu tối, họa tiết đơn giản.

Mặc dù một số nhà sản xuất đồ gỗ Việt Nam đã tìm được những hướng đi riêng vào thị trường Nhật, nhưng vẫn còn có những điểm chưa gặp nhau giữa nhà sản xuất và người mua hàng.

Ông August Wingardh - Trưởng đại diện Tập đoàn Ikea (Thụy Điển) tại Việt Nam - cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa nên hướng đến khả năng cung cấp những mặt hàng chuyên biệt, tạo sự khác biệt so với hàng của công ty khác để tránh cạnh tranh giá, chào được giá tốt. Ông August Wingardh đánh giá đồ gỗ của nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất quá giống nhau về nguyên liệu lẫn kiểu dáng dẫn đến chuyện phải cạnh tranh lẫn nhau.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh hàng đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam trên thị trường Nhật Bản (Trang 64 - 65)