II. ĐẶC ĐIỂM CỦA KIỂM TOÁN DOANH THU TRONG KIỂM TOÁN
5. Nội dung và trình tự kiểm toán doanh thu
5.3. Kết thúc kiểm toán
Để kết thúc kiểm toán, cần đưa ra kết luận kiểm toán và lập báo cáo hoặc biên bản kiểm toán. Theo Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam số 700-
Báo cáo kiểm toán về Báo cáo tài chính thì “kiểm toán viên và Công ty
kiểm toán phải soát xét và đánh giá những kết luận rút ra từ các bằng chứng thu thập được và sử dụng những kết luận này để làm cơ sở cho ý kiến của mình về Báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán”. Như vậy để có thể đưa ra kết luận kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên phải tiến hành hàng loạt những công việc cụ thể như: xem xét các khoản nợ ngoài dự kiến; xem xét các sự kiện xảy ra sau ngày khoá sổ kế toán; xem xét giả thuyết về tính hoạt động liên tục trong tương lai của khách hàng; thu thập thư giải trình của Ban giám đốc Công ty khách hàng; tổng hợp kết quả kiểm toán và lập Báo cáo kiểm toán.
- Xem xét các khoản công nợ ngoài dự kiến: là các khoản công nợ, nghĩa vụ ngoài dự kiến, các khoản bồi thường nhưng đến thời điểm khoá sổ vẫn chưa kết luận được là có thể xảy ra hay không. Trong trường hợp này, kiểm toán viên phải trao đổi với nhà quản lý về khả năng các khoản nợ ngoài dự kiến; xem xét tài liệu, biên bản họp Hội đồng quản trị, họp Ban giám đốc; liên lạc với luật sư, tư vấn pháp luật của khách hàng… Trong trường hợp các khoản công nợ ngoài dự kiến được đánh giá là trọng yếu thì phải trình bày trên Báo cáo tài chính.
- Xem xét các sự kiện xảy ra sau ngày kết thúc niên độ: Theo Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam số 560- Các sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế
toán lập Báo cáo tài chính thì “các sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế
toán lập Báo cáo tài chính là những sự kiện có ảnh hưởng đến Báo cáo tài chính đã phát sinh trong khoảng thời gian từ sau ngày khóa sổ kế toán lập Báo cáo tài chính để kiểm toán đến ngày kí Báo cáo kiểm toán và những sự kiện được phát hiện sau ngày kí Báo cáo kiểm toán. Kiểm toán viên phải xây dựng và thực hiện các thủ tục kiểm toán nhằm thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để xác định tất cả những sự kiện đến ngày ký Báo cáo kiểm toán xét thấy có thể ảnh hưởng đến Báo cáo tài chính, và phải yêu cầu đơn vị điều chỉnh hoặc thuyết minh trong Báo cáo tài chính”.
Các thủ tục kiểm toán thường sử dụng là kiểm tra các nghiệp vụ quanh thời điểm khoá sổ; xem xét biên bản họp Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, hội đồng cổ đông; so sánh Báo cáo tài chính giữa các niên độ… Các sự kiện này có thể cho thấy cần phải thực hiện bút toán điều chỉnh như trường hợp đối tác mua bán của Công ty khách hàng bị phá sản, dẫn đến tăng dự phòng phải thu khó đòi. Nhưng cũng có thể các sự kiện chỉ cần công bố trên thuyết minh Báo cáo tài chính như Công ty khách hàng sắp phát hành cổ phiếu, trái phiếu…
- Xem xét về giả định hoạt động liên tục: theo Chuẩn mực kiểm toán
Việt Nam số 570- Hoạt động liên tục thì một đơn vị được coi là hoạt động
liên tục trong một tương lai gần có thể dự đoán được (ít nhất là một năm kể từ ngày kết thúc niên độ kế toán) khi không có ý định hoặc yêu cầu phải giải thể, ngừng hoạt động hoặc thu hẹp đáng kể qui mô hoạt động, tìm kiếm sự bảo hộ từ các chủ nợ theo pháp luật và các qui định hiện hành. Do vậy để xem xét về giả định hoạt động liên tục, kiểm toán viên cần xem xét các dấu hiệu ảnh hưởng như: khách hàng bị lỗ trong thời gian dài và không có khả năng thanh toán nợ đáo hạn; liên quan đến những vụ kiện có thể có ảnh hưởng trọng yếu; chính sách, luật pháp của Nhà nước tạo bất lợi cho hoạt động của Công ty khách hàng…
- Đánh giá kết quả và lập báo cáo kiểm toán: công việc cuối cùng để kết thúc cuộc kiểm toán là kiểm toán viên soát xét giấy tờ làm việc của nhóm kiểm toán, căn cứ vào các bằng chứng thu thập được và các phát hiện trong quá trình kiểm toán để tiến hành lập và phát hành Báo cáo kiểm toán. Theo Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam số 700- Báo cáo kiểm toán về Báo
cáo tài chính, “Báo cáo kiểm toán là loại báo cáo bằng văn bản do kiểm
toán viên và Công ty kiểm toán lập và công bố để nêu rõ ý kiến chính thức của mình về Báo cáo tài chính của một đơn vị đã được kiểm toán”. Như vậy Báo cáo kiểm toán là sản phẩm cuối cùng của cuộc kiểm toán và có vai trò hết sức quan trọng nhằm bày tỏ ý kiến của kiểm toán viên về Báo cáo
tài chính, đồng thời kiến nghị giúp cho khách hàng có cơ sở đưa ra các quyết định đúng đắn trong điều hành quản lý doanh nghiệp.