Các nhân tố khách quan

Một phần của tài liệu TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN THƯƠNG TÍN SACOMBANK (Trang 25 - 27)

− Sự ổn định và phát triển của nền kinh tế trong nước và thế giới:

Động thái của nền kinh tế chính là cơ sở đầu tiên để người gửi tiền ra quyết định nên gửi tiền vào ngân hàng hay không. Nếu các nhân tố này tạo ra sự ổn định của đồng tiền, tăng thu nhập thì sẽ là tiền đề để tăng quy mô tiền gửi và giảm chi phí cho ngân hàng. Khi đó các doanh nghiệp và cá nhân sẽ đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh nên họ vay tiền nhiều và cũng gửi nhiều. Còn khi lạm phát xảy ra sẽ làm cho lãi suất thực giảm xuống trong khi lãi suất danh nghĩa không đổi làm giảm lợi ích của người gửi tiền nên họ sẽ tích trữ

vàng hoặc ngoại tệ mạnh như dollar với kỳ vọng để đảm bảo giá trị đồng tiền của mình. Do đó, ngân hàng phải có chính sách huy động vốn thích hợp và hấp dẫn như tiền gửi đảm bảo bằng vàng, tiền gửi có tính đến trượt giá, huy động vốn bằng vàng và ngoại tệ thì sẽ có thể huy động được số vốn như mong muốn và giảm được lạm phát.

Sự ổn định nền kinh tế vĩ mô của Nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Chính phủ nên bản thân các ngân hàng không thể điều chỉnh được.

− Chính sách của Nhà nước:

Đây là một trong các yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến công tác huy động vốn của các NHTM. Bởi khi Nhà nước khuyến khích việc mở rộng công tác huy động vốn thì nó có các chính sách khuyến khích, có hướng dẫn cụ thể hơn cho công tác này. Từ đó, các NHTM sẽ có các cơ sở để huy động nguồn vốn này dễ dàng hơn. Ngược lại, khi nhà nước không khuyến khích thì tất yếu công tác này sẽ rất khó có khả năng phát triển.

Hiện nay, Nhà nước ta đã thấy được sự cần thiết của việc huy động vốn và đã ban hành một số chính sách và hướng dẫn thi hành cụ thể cho công tác này. Đồng thời, khuyến khích và mong các ngân hàng làm tốt hơn để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.

− Nhân tố tiết kiệm trong nền kinh tế và thu nhập của dân cư:

Văn kiện đại hội Đảng lần thứ 8 chỉ rõ: “Để tạo vốn cho đầu tư phát triển, giải pháp cơ bản và lâu dài là làm ăn hiệu quả, phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm kể cả tiết kiệm trong chi tiêu của Nhà nước, trong sản xuất kinh doanh và trong tiêu dùng dân cư”.

Thực tế cho thấy nguồn vốn huy động từ dân cư đóng vai trò quan trọng, chiếm tỷ lệ lớn trong huy động vốn. Như vậy, để có nguồn cho ngân hàng huy động vốn thì trước hết đòi hỏi bản thân các tổ chức, cá nhân và Nhà

nước có chính sách tiết kiệm và coi tiết kiệm là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, lượng tiền tiết kiệm có được đưa vào gửi ở NHTM hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố khác chẳng hạn như tâm lý của khách hàng.

Thu nhập ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiết kiệm của dân cư, (thực tế cho thấy, người dân cư có thu nhập càng cao thì lượng tiền dành cho tiết kiệm có thể càng lớn) do đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng huy động vốn của ngân hàng. Nhìn chung, khi đất nước phát triển, cuộc sống tương đối đầy đủ thì thu nhập người dân tăng, khi đó lượng tiền gửi vào ngân hàng dưới các hình thức dài hạn như kỳ phiếu, trái phiếu và cổ phiếu cũng sẽ tăng với số lượng lớn.

− Nhu cầu tín dụng:

Nền kinh tế đòi hỏi nhiều vốn cho đầu tư phát triển, ngoài vốn ngắn hạn còn rất nhiều vốn trung và dài hạn. Song tự bản thân nó không thể đáp ứng đủ lượng vốn cần thiết, NHTM với vai trò là cầu nối giữa người tiết kiệm và người đầu tư đã góp phần cung cấp một nguồn vốn lớn cho phát triển kinh tế. Ở nước ta thị trường chứng khoán chưa phát triển do đó việc đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế thông qua hệ thống NHTM vẫn chiếm vị trí quan trọng và cấp thiết.

− Cơ cấu dân cư và vị trí địa lý:

Ở những địa điểm dân cư đông đúc, các thành phố lớn có nhiều doanh nghiệp hoạt động và kinh tế phát triển thì NHTM có thể huy động được nhanh hơn và nhiều hơn những nơi kém phát triển. Đặc biệt, những trung tâm giao dịch buôn bán sầm uất hoặc có sự phát triển lâu đời, có độ nhảy cảm cao với lãi suất và tiện ích do nghiệp vụ huy động vốn của ngân hàng đem lại thì ở đó việc mở rộng và bổ sung nguồn vốn của NHTM sẽ thuận lợi hơn các vùng sâu vùng xa và những vùng chậm phát triển.

Một phần của tài liệu TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG HUY ĐỘNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN THƯƠNG TÍN SACOMBANK (Trang 25 - 27)