CHƯƠNG 3
ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP TỔ CHỨC LÃNH THỔ SẢN XUẤT ĐIỀU Ở BÌNH THUẬN ĐIỀU Ở BÌNH THUẬN
3.1.Những căn cứ để định hướng
Điều là loại cây trồng được trồng nhiều ở Bình Thuận từ năm 1982. Diện tích trồng điều có xu hướng ngày càng tăng, vào năm 2000 diện tích điều trồng là 15.591 ha nhưng đến năm 2006 diện tích điều là 32.271 ha tăng 16.680 ha. Tuy nhiên những năm gần đây, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp gây mất mùa, giá hạt điều không ổn định, có xu hướng giảm, thêm vào đó là sự hấp dẫn của cây cao su, nên một bộ phận không ít hộ nông dân đã chặt điều trồng cao su, nhất là tại các huyện có diện tích điều lớn như Đức Linh và Tánh Linh. Năm 2007, diện tích điều toàn tỉnh giảm gần 1.300 ha so với năm 2006, năm 2008 diện tích điều tiếp tục giảm gần 2.471 ha so với năm 2007 nhưng đến năm 2009 diện tích điều bắt đầu tăng trở lại, hiện nay diện tích điều trồng của tỉnh là 30.000 ha. Trước đây, nông dân trồng chủ yếu là các giống điều cũ gieo bằng hạt, cho năng suất thấp. Sau đó, ngành nông nghiệp của tỉnh đã tập trung vào công tác cải thiện cơ cấu giống điều, thay thế giống điều cũ trồng bằng hạt bằng các giống điều ghép cho năng suất cao.
Nhìn chung, ngành trồng điều ở Bình Thuận mặc dù được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng chưa được đầu tư nhiều, nhất là vốn và kỹ thuật canh tác. Do đó, sản lượng điều thu hoạch được hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 60% cho các cơ sở chế biến, còn lại phải nhập nguồn nguyên liệu từ các tỉnh khác và từ nước ngoài chủ yếu là Châu Phi để đảm bảo cho việc sản xuất của các nhà máy.
Bên cạnh đó thì giữa các cơ sở chế biến và nơi cung cấp nguyên liệu còn thiếu sự gắn kết với nhau để phục vụ sản xuất dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu ngày càng trầm trọng, sự cạnh tranh mua điều nguyên liệu giữa các nhà máy chế biến, các doanh nghiệp ngày càng gay gắt, đẩy người nông dân đến tình trạng thu hái điều không đạt tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu. Ngoài ra các nhà máy chế biến điều còn phân bố nhỏ lẻ, không tập trung, chưa có sự liên kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu sản xuất điều. Sự liên kết giữa nông dân sản xuất điều với các nhà máy chế biến chưa chặt chẽ, chưa có sự ràng buộc với nhau
Qua thực trạng trên cho thấy việc kết hợp chặt chẽ giữa trồng và chế biến điều là hết sức cần thiết nhằm phát triển sản xuất bền vững ngành điều của tỉnh Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung.
3.1.2.Nhu cầu thị trường về sản phẩm từ điều
Hiện nay, trên thế giới nhu cầu về thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ điều là rất lớn, nhất là nhân điều. Các thị trường tiêu thụ điều lớn có thể kể tới là Bắc Mỹ tiêu thụ khoảng 50% tổng số lượng nhân điều thế giới, tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU) chiếm 29%, các
nước châu Á chủ yếu là Ấn Độ và Trung Quốc chiếm 15%, còn lại là các nước khác. Ấn Độ xuất khẩu được khoảng 100.000 – 125.000 tấn nhân điều mỗi năm. Hoa Kỳ, Hà Lan, Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Anh và Nhật Bản là những khách hàng chính của Ấn Độ. Trong khi đó, khách hàng chính của Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh, Úc, Hồng Kông….Từ năm 2000 cho tới nay, ngành điều Việt Nam không ngừng lớn mạnh và trưởng thành để giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều. Với nhu cầu tiêu thụ điều lớn mạnh như vậy thì việc đầu tư phát triển ngành điều trở thành một trong những ngành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng là việc làm hết sức cần thiết và cần có sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh.
3.1.3.Định hướng chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh
- Quy hoạch các vùng điều trọng điểm của tỉnh tập trung vào 6 huyện là Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình.
- Liên kết sản xuất giữa nông nghiệp và công nghiệp sẽ làm thay đổi tính chất lao động, sử dụng nguồn lao động hợp lý hơn trong từng khâu sản xuất, cơ cấu của từng ngành sẽ được hoàn thiện, trình độ xã hội hóa được nâng cao một cách đáng kể, nguồn vốn đầu tư cho quá trình tái sản xuất ngày càng lớn và hiệu quả kinh tế ngày càng được nâng cao.
- Hoàn thiện mối liên kết giữa khâu trồng và khâu chế biến điều ở Bình Thuận.
- Xây dựng các vùng điều tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng là động lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
- Khai thác có hiệu quả quỹ đất đai và điều kiện tự nhiên để tăng nhanh diện tích trồng điều theo hướng tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, gắn việc sử dụng đất với bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững lâu dài.
- Phủ xanh cơ bản các diện tích đất trống đồi trọc bằng cây điều ở những nơi có khả năng trồng được điều đồng thời tập trung cải tạo, khôi phục diện tích điều hiện có của các huyện và loại bỏ một số vườn điều cho năng suất thấp, sản lượng hạt kém.
- Phát triển các vùng điều gắn với tổ chức tốt việc thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đồng thời cần đầu tư công nghệ chế biến hiện đại cho các cơ sở chế biến hạt điều trong tỉnh.
- Đưa cây điều thực sự trở thành cây cứu cánh của các hộ nông dân nghèo trong công cuộc xóa đói giảm nghèo nói riêng và công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh nhà nói chung.
3.2.Định hướng tổ chức lãnh thổ trồng và chế biến điều
3.2.1.Định hướng tổ chức lãnh thổ trồng và chế biến điều
- Nhiệm vụ trọng tâm ngành nông nghiệp của tỉnh trong 10 năm tới là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, phát triển nền nông nghiệp có tỷ suất hàng hóa cao trên cơ sở đi vào chuyên canh một số cây trồng và vật nuôi có lợi thế của địa phương. Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất nông nghiệp, áp dụng rộng rãi các thành tựu khoa học và công nghệ sinh học trong sản xuất mà trọng tâm là khâu giống, thủy lợi, cơ giới hóa; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nông nghiệp. Trong ngành trồng trọt, đặc biệt cây công nghiệp lâu năm, trong những năm gần đây tỉnh đang có sự quan tâm, đầu tư phát triển các cây công nghiệp đặc biệt là cây điều. Theo Quyết định số 1713/2002/QĐ- CT UBBT ngày 10/07/2001 của Chủ tịch UBND Tỉnh về việc Quy hoạch phát triển cây điều tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2001- 2010, diện tích điều trong toàn tỉnh được quy hoạch 30.500 ha, trong đó trồng mới là 6.800 ha và có khả năng diện tích điều sẽ được mở rộng hơn nữa trong tương lai.
Trên cơ sở xác định hướng và mục tiêu phát triển của ngành trong cơ cấu chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh trong những năm tới, theo tôi thì ngành điều ở Bình Thuận hiện tại và trong vòng 10 – 15 năm tới nên phát triển với diện tích khoảng 40.000 – 50.000 ha mới đảm bảo cung cấp lượng nhân điều khi nhu cầu thị trường trong và ngoài nước ngày càng tăng. Vấn đề ở Bình Thuận là cần tập trung cao đẩy nhanh năng suất, chất lượng điều, xây dựng kịp thời các cơ sở chế biến điều và các sản phẩm khác từ điều.
- Quy hoạch các vùng nguyên liệu điều ổn định và tổ chức lãnh thổ trồng điều tập trung vào các huyện có diện tích lớn như Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc. Bên cạnh việc quy hoạch cần có sự đầu tư quan tâm, chăm sóc và cải tạo các vườn điều, thay thế các giống điều cũ trồng bằng hạt bằng các giống điều ghép có khả năng chịu hạn tốt và cho năng suất cao như ĐDH 135, ĐDH 07, ĐDH 149, ĐDH 2907, PN1, LG1, CH1, KP-11, KP-12, EK-24….
- Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động sản xuất liên tục trong năm thì cần đầu tư phát triển, quy hoạch các vùng nguyên liệu ổn định, đồng thời mỗi nhà máy cần xây dựng kho bảo quản nhằm dự trữ nguồn nguyên liệu để phục vụ cho việc sản xuất được kéo dài liên tục trong năm đảm bảo công suất chế biến của mỗi nhà máy và bảo quản tốt được chất lượng sản phẩm chế biến.
- Việc xây dựng hệ thống các cơ sở chế biến là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng của tỉnh. Để đảm bảo cho quá trình hiện đại hóa và việc sản xuất phát triển ổn định thì cần kết hợp xây dựng một số nhà máy quy mô vừa và nhỏ hiện đại, vừa phải tiếp tục duy trì các cơ sở chế biến thủ công để không gây xáo trộn quá lớn trong sản xuất. Trong kế hoạch 10 hoặc 15 năm tới chúng ta có thể xây dựng một số cơ sở chế biến trên các vùng trọng điểm có diện tích lớn như Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc. Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, khi xây dựng các nhà máy công nghiệp với công suất chế biến lớn thì Nhà nước và các doanh nghiệp cần đầu tư, trang bị máy móc thiết bị hiện đại nhằm tạo nên một hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín từ khâu sơ chế đến khâu tinh chế.
Việc quy hoạch, tổ chức lãnh thổ trồng và chế biến điều hiện nay là việc làm cần thiết và thiết thực. Đứng trước thực tế nền sản xuất xã hội, thì ngành trồng điều không thể tách rời với việc chế biến sản phẩm từ điều và ngược lại, ngành chế biến điều cũng không thể tiến hành riêng lẻ mà hai quá trình này phải có sự ràng buộc hữu cơ với nhau trong mọi công đoạn sản xuất để tạo nên một chu trình sản xuất hoàn chỉnh từ khâu đầu (trồng điều) đến khi chế biến ra sản phẩm cuối cùng (nhân điều và một số sản phẩm khác).
Để việc kết hợp giữa trồng và chế biến điều trong tỉnh được diễn ra thuận lợi thì cần thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa trồng và chế biến điều. Bên cạnh việc quy hoạch các vùng nguyên liệu điều ổn định thì cần xây dựng thêm các nhà máy chế biến điều đặt tại các vùng nguyên liệu nhằm giảm bớt chi phí vận chuyển, cung cấp kịp thời nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.
- Ngoài ra, Nhà nước cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là phát triển hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, mạng lưới điện, nước và các công trình phúc lợi khác, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, trao đổi sản phẩm hàng hóa, đi lại nhanh chóng và kịp thời. Trước mắt cần xây dựng hệ thống đường nối các xã trong huyện, nối các huyện trong tỉnh với các cơ sở chế biến công nghiệp với nhau, tiến tới hoàn chỉnh hệ thống đường bộ đến các xã, thôn vùng sâu, tạo điều kiện cho việc trao đổi hàng hóa, khoa học kỹ thuật. Muốn giảm được chi phí vận chuyển không có cách nào khác là xây dựng hệ thống giao thông đảm bảo lưu thông dễ dàng, các phương tiện vận chuyển nhanh chóng đưa sản phẩm tươi sống nguyên liệu đến cơ sở chế biến kịp thời.
- Về nguồn lao động: cần đào tạo và sử dụng nguồn lao động truyền thống tại địa phương, sử dụng lực lượng lao động trồng điều vào làm các khâu ở các nhà máy chế biến công nghiệp như khâu chế biến bánh kẹo, nước giải khát, rượu, cồn… Thông qua quá trình
lao động đó, nhận thức về lao động công nghiệp và lao động nông nghiệp dần dần sẽ được chuyển hóa và nâng cao, đời sống văn hóa, vật chất của người nông dân được cải thiện, giảm bớt chênh lệch về thu nhập đã tồn tại nhiều năm nay.
Cây điều là loại cây công nghiệp dễ trồng, sinh trưởng phát triển tốt trong nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau trong tỉnh. Cây điều có lợi thế về giá trị kinh tế và thực phẩm của hạt, thân dùng làm gỗ, củi, vốn đầu tư thấp, phù hợp với người nghèo. Do đó, về mặt chủ trương của tỉnh đã xác định cây điều là một trong những loại cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao và có tác dụng phủ xanh đất trống đồi trọc góp phần cải tạo môi trường sinh thái, giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp và lao động phổ thông ở thành thị hiện nay.
3.2.2.Những giải pháp
3.2.2.1.Xây dựng mô hình thực hiện ở Bình Thuận
Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng cơ chế thị trường, áp dụng các hình thức và phương pháp quản lý của kinh tế thị trường để kích thích phát triển sản xuất hàng hóa, khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo của mọi công dân và các tổ chức xã hội, giải phóng sức sản xuất, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, phát huy tính bình đẳng trong môi trường luật pháp và môi trường kinh doanh theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì thế, trước nhu cầu phát triển của mỗi ngành và những thực tế khách quan, chúng ta có thể tự chọn cho mình hướng phát triển có lợi nhất và phù hợp với cơ chế thị trường.
Để hoàn thiện cho việc tổ chức lãnh thổ trồng và chế biến điều ở Bình Thuận đạt hiệu quả cao, có thể chọn và phát triển một số mô hình liên kết sau:
+ Mô hình liên kết thông qua hình thức hợp đồng kinh tế
Trong quá trình sản xuất, các hộ nông dân luôn đối mặt với ba yêu cầu của sản xuất nông nghiệp mà bản thân họ rất khó đáp ứng là vốn, công nghệ và thị trường. Phương thức tổ chức sản xuất nông sản theo hợp đồng cho phép đáp ứng được các yêu cầu trên một cách tốt nhất. Phương thức hợp đồng là liên kết lợi ích và hiệu quả giữa nông dân sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến gắn với thế mạnh của từng vùng, gắn với vùng nguyên liệu và hệ thống kinh doanh thương mại.
Phương thức hợp đồng là một phương thức quản lý sản xuất tốt, tạo được mối liên kết nông công nghiệp trong nền kinh tế. Với mô hình liên kết thông qua phương thức hợp đồng sẽ đem lại nhiều tác dụng to lớn như:
- Khi hợp đồng trực tiếp giữa nông dân và nhà máy chế biến thì một phần lợi nhuận của mua bán trung gian chuyển sang cho nông dân trực tiếp sản xuất, xóa bỏ dần tầng lớp mua bán trung gian. Vùng nguyên liệu được chủ động hơn về nguồn vốn.
- Những rủi ro về sản xuất và tiêu thụ được giảm bớt trong quá trình sản xuất nguyên liệu, chế biến điều người nông dân không phải gánh chịu tất cả.
- Qua hình thức hợp đồng kinh tế, có thể kết nối thông tin hai chiều giữa thị trường tiêu thụ điều với người sản xuất, nhờ đó mà đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng nông sản, tăng khả năng cạnh tranh.
- Hợp đồng kinh tế còn tạo mối gắn kết giữa nhà máy chế biến công nghiệp với vùng nguyên liệu. Mối gắn kết này tạo thế ổn định trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.
Điều kiện cơ bản để phát triển thành công phương thức hợp đồng là phải có chính sách phù hợp của Chính phủ và sự tham gia, ủng hộ, khuyến khích của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương.
+ Mô hình xây dựng tổ hợp tác sản xuất điều ở từng vùng