SẢN XUẤT ĐIỀU Ở BÌNH THUẬN
2.1.Khái quát tỉnh Bình Thuận
Bình Thuận là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ có tọa độ địa lí từ 10033’42’’ đến 11033’18’’ vĩ độ Bắc và từ 107023’41’’ đến 108052’42’’ kinh độ Đông.
Về phía bắc, Bình Thuận giáp tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, phía tây giáp tỉnh Đồng Nai, tây nam giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, phía đông và đông nam giáp biển Đông với đường bờ biển dài 192 km. Ngoài khơi có đảo Phú Quý cách bờ biển 120 km.
Bình Thuận nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 200 km về phía bắc và cách thành phố Nha Trang 250 km về phía nam, có quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam chạy qua, nối Bình Thuận với các tỉnh phía bắc và phía nam đất nước, quốc lộ 28 nối liền thành phố Phan Thiết với các tỉnh nam Tây Nguyên, quốc lộ 55 nối liền Bình Thuận với trung tâm dịch vụ dầu khí và du lịch Vũng Tàu.
Bình Thuận có diện tích tự nhiên 7.828 km2, chiếm 2,38% diện tích cả nước, ngoài ra còn có vùng lãnh hải rộng 52.000 km2.
Với vị trí như trên, Bình Thuận có mối quan hệ và giao lưu kinh tế thuận lợi với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh nam Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Sức hút của các trung tâm phát triển lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Nha Trang tạo điều kiện thuận lợi cho Bình Thuận tiếp thu nhanh khoa học kỹ thuật, mở rộng liên kết và phân bố lại lực lượng sản xuất, hòa nhập vào xu thế phát triển chung của cả nước.
2.2. Những nguồn lực phát triển
2.2.1. Đặc điểm sinh thái và giá trị kinh tế của cây điều
* Đặc tính thực vật học: Cây điều là loại cây thân mộc vùng nhiệt đới, tán lá thường
xanh quanh năm, cây sống lâu năm có thể tới 30 – 40 năm hoặc lâu hơn nữa.
Thân cây: Thân cây lâu năm thường cao từ 6- 8 m, ở nơi đất tốt cây có thể cao tới 10
– 12 m và đường kính thân cây đoạn gốc có thể đạt 40 – 50 cm. Nếu trồng dày quá thì thân cây điều tăng trưởng chiều cao mạnh, cành và nhánh vừa nhỏ vừa ngắn, lá thưa thớt, với hình
dáng cây như vậy sẽ hạn chế lượng hoa nên năng suất thấp. Do vậy, để vườn điều sai hoa, năng suất cao cần trồng với khoảng cách thích hợp ngay từ đầu.
Hệ rễ: Điều là cây vừa có cả rễ cọc vừa có rễ ngang. Ở những vùng đất khô, mạch
nước ngầm thấp, rễ cọc cây điều có thể đâm xuống rất sâu để hút nước. Do đó cây điều có khả năng chịu hạn tốt. Hệ rễ ngang của cây điều phát triển mạnh, có thể lan rộng tới 2 – 3 m ở tầng 50 – 60 cm lớp trên của đất trồng.
Lá và tán lá: Lá điều là loại lá đơn, mọc so le, thường tập trung ở đầu cành. Lá hình
trứng, đuôi lá nhọn, dài 15- 20 cm, rộng 8- 12 cm, khi già có màu xanh thẫm, nhẵn bóng. Cây điều có khả năng phát triển bộ tán lá rất rộng. Trong điều kiện đầy đủ ánh sáng, trồng trên đất phù hợp, tán lá rộng đến 5 m tính từ gốc, chiếm một diện tích lớn ngay từ khi cây mới 6 – 7 tuổi. Chỉ những cây có bộ tán rộng và tương đối rậm rạp, nhiều cành và nhánh mới có thể sai hoa, nhiều trái.
Hoa: Hàng năm cây điều ra hoa vào khoảng thời gian cuối mùa mưa đến đầu mùa khô.
Hoa trổ ở đầu cành thành từng chùm, gồm hoa đực và hoa lưỡng tính. Trong một chùm có tới hàng ngàn hoa, trong đó hoa đực chiếm tới 90%.
Bao hoa có 5 cánh đều nhau, các nhị đực thẳng đứng trong đó chỉ có 1- 2 nhị lớn là hữu thụ còn các nhị khác đều bất thụ. Nhụy cái là bầu đơn 1 ô. Ở hoa đực, nhụy cái thui đi còn ở hoa lưỡng tính thì có nhụy lớn. Vòi nhụy thường cao hơn nhị đực lớn, vì vậy mà sự thụ phấn bị hạn chế.
Hoa điều nở từ sáng sớm, tới trưa thì héo dần. Trong một chùm hoa thường chỉ có 5- 6 hoa nở trong một ngày. Hoa có thể tự thụ phấn hoặc nhờ côn trùng, gió. Vào những giờ nóng trong ngày khả năng tự thụ phấn tương đối cao. Hoa điều rất nhạy cảm với mưa gió, ở thời kỳ hoa nở mà gặp mưa gió lớn thì sự nở hoa và thụ phấn bị ảnh hưởng rất lớn.
Quả: Sau khi được thụ phấn thì noãn nở thành hạt (nhân), bầu thì chuyển thành vỏ hạt.
Nhân và vỏ mới chính là quả thật. Còn cuống và đế hoa thì phát triển thành bộ phận quen gọi là quả, thực ra chỉ là quả giả.
Khoảng 30 ngày sau thụ phấn thì hạt đạt tới kích thước cực đại. Từ tuần thứ 5 trở đi, khi hạt ngừng phát triển độ lớn thì cuống hoa bắt đầu phồng lên nhanh chóng lớn vượt hạt và tạo thành quả điều hoàn chỉnh trong khoảng 60 ngày. Nhìn bề ngoài chúng ta có cảm giác quả giả là quả của cây điều có hạt không nằm bên trong mà lộ ra ngoài nên có tên gọi là đào lộn hột.
Quả điều có hình dạng, kích thước, trọng lượng và màu sắc rất khác nhau tùy theo giống và điều kiện sinh sống. Về hình dạng có thể là hình trụ, hình quả lê, hình nón cụt hoặc hình thoi. Màu sắc thay đổi từ vàng nhạt đến đỏ tươi có những mảng đốm xanh trên bề mặt. Chiều dài quả thay đổi từ 3- 20 cm, chiều rộng từ 3- 12 cm. Trọng lượng từ 30- 150g, cá biệt có khi tới 500g.
Trong điều kiện tự nhiên, mỗi chùm hoa chỉ có 8- 26% số hoa lưỡng tính đậu thành quả tùy cây và điều kiện ngoại cảnh. Trong số quả đã đậu thì số bị rụng non từ 34- 84%, cuối cùng trên cây chỉ còn lại trung bình 30- 40% số quả đã đậu. Tỉ lệ rụng quả phụ thuộc vào đặc điểm giống, thời tiết, dinh dưỡng và sâu bệnh.
Cây điều có đặc điểm là thời gian trổ hoa và đậu quả kéo dài nên trên cùng một cây có thể có cả hoa và các quả ở các giai đoạn phát triển khác nhau, cho nên thời vụ thu hoạch kéo dài.
Hạt: Hạt điều hình quả thận, khi còn tươi có màu xanh, khi khô chuyển thành màu nâu
hơi xám. Hạt có chiều dài trung bình 2,5- 3,5 cm, rộng 2 cm, dày 1- 1,5 cm, trọng lượng 5- 6 gam.
Về cấu tạo, hạt điều gồm vỏ và nhân. Lớp ngoài của vỏ tương đối dày và xốp, có chứa một chất dầu, trong tự nhiên là chất bảo vệ hạt chống lại sự phát hại của côn trùng. Lớp trong cùng của vỏ thì mỏng hơn và rất cứng.
Nhân do 2 lá mầm tạo thành, được bao bọc bởi một lớp vỏ lụa màu nâu hơi đỏ. Nhân là bộ phận ăn được, chứa khoảng 40% lipid và 20% protid, là bộ phận rất giàu chất dinh dưỡng. Trong trọng lượng của hạt điều thì vỏ chiếm 45- 50%, dầu vỏ 18- 23%, vỏ lụa 2- 5%, còn lại nhân chiếm 20- 25%. Một tấn hạt điều trung bình cho 220 kg nhân và 80- 200 kg dầu vỏ tùy theo phương pháp trích ly dầu.
* Điều kiện sinh thái: Cây điều được trồng và có thể sinh trưởng được ở nhiều nơi
trên thế giới nằm trong giới hạn vĩ độ từ 250 Bắc xuống tới 240 Nam. Tuy nhiên, cây điều chỉ ra hoa kết trái bình thường, cho năng suất cao lại giới hạn từ vĩ độ 150 Bắc xuống đến vĩ độ 140 Nam.
Các yếu tố khí hậu quyết định đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây điều:
Chế độ mưa: Lượng mưa của các vùng trồng điều trên thế giới thay đổi từ 500 – 4.000
mm/năm. Song theo nhiều tài liệu tổng hợp của các nước thì vùng có lượng mưa nằm trong giới hạn 1.000 – 2.000 mm/năm là thích hợp nhất cho cây điều. Trong chế độ mưa, cùng với lượng mưa thì sự phân bố lượng mưa theo các tháng trong năm cũng là một chỉ tiêu về khí
hậu quan trọng không kém đối với năng suất cây điều. Mùa điều ra hoa kết trái thường kéo dài hơn 2 tháng, để hoa điều nở và được thụ phấn đầy đủ, thụ tinh thuận lợi thì đòi hỏi thời tiết phải khô ráo. Vì vậy, chế độ khí hậu thích hợp nhất là có một mùa mưa tập trung và một mùa khô kéo dài 5- 6 tháng.
Chế độ nhiệt: Cây điều có khả năng sinh trưởng trong một biên độ nhiệt khá rộng. Chế
độ nhiệt độ thích hợp nhất để cây điều sinh trưởng phát triển tốt, ra nhiều hoa, nhiều trái là nhiệt độ bình quân hàng năm không thấp dưới 200C và trong năm không có tháng nào nhiệt độ bình quân thấp dưới 150C.
Chế độ ánh sáng: Cây điều là cây ưa sáng hoàn toàn. Sự sinh trưởng, phát triển của
nó có liên quan mật thiết đến chế độ ánh sáng, đến độ dài ngày và độ mây che phủ. Nhìn chung, cây điều trồng có hiệu quả kinh tế cao là ở những vùng có bầu trời quang đãng thường xuyên, không có tháng nào lượng mây che phủ bầu trời vượt quá chỉ số 7,2.
Độ ẩm không khí: Tác động chủ yếu của độ ẩm không khí đến năng suất điều là vào
thời kỳ ra hoa kết trái. Độ ẩm tương đối của không khí dao động mức 50% - 75% là thích
hợp nhất.
Giông bão: Giông bão không gây tổn thất nghiêm trọng đến quần thể vườn điều.
Nhưng nó lại là một tác nhân gây hại lớn đối với năng suất, sản lượng của vườn điều nếu xảy ra vào thời kỳ vườn điều đang ra hoa kết trái. Vì vậy, không nên trồng điều nhằm mục đích thu hoạch sản phẩm hạt ở những vùng có mùa giông bão xảy ra với mật độ liên tiếp và cường
độ lớn trùng vào mùa điều ra hoa kết trái.
Điều kiện đất đai: Cây điều có thể mọc được trên nhiều loại đất khác nhau, ít lệ thuộc
vào nguồn gốc đá mẹ phát sinh loại đất đó. Tuy nhiên, để điều đem lại giá trị kinh tế cao thì cần phải chọn loại đất thích hợp và tùy theo đất tốt hay xấu mà có biện pháp canh tác cụ thể khác nhau.
Đất trồng điều có thể đạt năng suất cao đòi hỏi có tầng mặt sâu, thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt. Trồng điều trên các loại đất sét nặng, bí chặt; đất feralit vùng đồi có tầng đá nổi hoặc tầng sỏi kết gần trên mặt; đất cát rời rạc có tầng nước ngầm ở quá sâu hoặc đất nhiễm phèn nặng thì cây có thể vẫn sống nhưng không phát triển được và cho sản lượng hạt rất thấp. Đất có thành phần cơ giới phù hợp, có độ phì khá nhưng ở những nơi trũng, hàng
năm bị ngập úng dài ngày.
* Giá trị kinh tế của cây điều
Quả điều là loại quả rất có giá trị, ngày càng được sử dụng nhiều. Quả điều là một loại thực phẩm tốt, thơm ngọt, dễ tiêu hóa và được dùng làm thực phẩm khá đa dạng như ăn tươi hoặc chế biến nước uống, rượu, mứt, kẹo. Quả điều giàu chất khoáng và vitamin C, B1, B2, PP …, đặc biệt vitamin C nhiều gấp 5 lần trong quả chanh. Nước ép quả điều tươi chứa 10- 10,5% đường và 0,35% axit. Nhược điểm của quả điều là có vị chát do có tanin. Tuy vậy, có thể khử chát ngay từ quả hoặc nước ép bằng nhiều phương pháp.
Hạt điều là phần có giá trị kinh tế cao nhất. Nhân điều chiếm 25%- 30% trọng lượng hạt, trong đó hàm lượng các chất đạm, chất béo, đường, bột khá cao, ngoài ra còn có nhiều loại vitamin, axit amin và các chất khoáng rất cần cho sức khỏe con người. Trong nhân điều, hàm lượng chất đạm chiếm từ 18- 20%, chất béo chiếm 45- 48%, chất đường chiếm 6- 7%. Chất đạm trong nhân điều tương đương với đậu nành và đậu phộng về số lượng nhưng về chất lượng thì khá cao, tương đương với đạm trong sữa, trứng và thịt.
Trong nhân điều, các chất béo chưa bão hòa chiếm tỉ lệ cao, có tác dụng điều hòa và làm giảm lượng Cholesteron trong máu giúp tránh được các bệnh về tim mạch. Các vitamin có trong nhân điều gồm B1, B2, D, E, PP….đặc biệt vitamin B1 giúp cho việc ăn ngon và hoạt động của hệ thần kinh được tốt hơn.
Vỏ hạt điều chứa 18- 23% dầu, là nguyên liệu để chế ra các loại sản phẩm như: sơn phủ kim loại, sơn cách điện, sơn mỹ nghệ, thuốc bảo quản gỗ v.v…Hiện nay, dầu vỏ điều
cũng là một mặt hàng xuất khẩu.
2.2.2. Các nguồn lực tự nhiên
Khí hậu: Bình Thuận nằm trong vùng khí hậu khô hạn, khí hậu nhiệt đới điển hình
nhiều nắng, gió và không có mùa đông lạnh; có 2 mùa mưa, nắng rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 7
đến tháng 9 và mùa nắng từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau.
Nhiệt độ trung bình hằng năm từ 26,50 đến 270 C. Số giờ nắng bình quân hằng năm khoảng 2.903 giờ. Tháng 3 hằng năm có giờ nắng cao là 297 giờ và tháng 8 giờ nắng ít nhất là 160 giờ. Tổng nhiệt độ trung bình năm trên 9.5000C.
Lượng mưa trung bình hằng năm trong tỉnh thấp nhất, khoảng từ 800 – 1.500mm và độ ẩm trung bình từ 79 – 80%. Khí hậu ở Bình Thuận có tính chất phân hóa do yếu tố địa hình đã hình thành một số vùng:
Vùng tây nam tỉnh gồm các huyện Tánh Linh, Đức Linh với lượng mưa nhiều, mùa mưa đến sớm và thường kéo dài trong 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10) và thường mưa nhiều nhất vào tháng 7 và 8; nhưng khô hạn trong mùa khô.
Vùng đông nam và tây của tỉnh bao gồm các huyện Hàm Tân, một phần huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, thị xã Lagi, thành phố Phan Thiết và vùng tây của hai huyện Bắc Bình, Tuy Phong lượng mưa tương đối khá. Vùng tây nam mùa mưa đến chậm, do địa hình dốc, sông ngắn nên hay gây ra lũ quét.
Ven biển phía đông bắc tính từ Mũi Né đến Tuy Phong bao gồm đồng bằng ven biển phía bắc Phan Thiết và hai huyện Bắc Bình, Tuy Phong ít mưa, khô hạn nhiều nhất so với trong tỉnh và cả nước. Mùa mưa đến chậm và chỉ kéo dài trong 3 đến 4 tháng và nhiều năm không có mùa mưa. Vùng này gió mạnh vào mùa khô và hạn hán thường xuyên.
Vùng đảo Phú Quý là nơi có khí hậu mát mẻ, mùa mưa kéo dài khoảng 7 tháng từ tháng 5 đến tháng 11. Gió có tốc độ gấp 2 đến 3 lần so với đất liền.
Bình Thuận có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ cao quanh năm và khá ổn định là điều kiện thuận lợi cho thu hoạch, phơi sấy các sản phẩm trong nông nghiệp. Bên cạnh đó các yếu tố khí hậu ở Bình Thuận cũng đã tạo những thuận lợi rất cơ bản cho sản xuất nông nghiệp nói chung và với cây điều nói riêng, các loại cây trồng nông nghiệp có điều kiện phát triển nhanh và cho năng suất cao.
Đất đai:
Bảng 2.1: Cơ cấu sử dụng đất của Bình Thuận năm 2008
Loại đất Diện tích
Ha %
Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh 781.043 100,00
Đất chưa sử dụng 51.972 6,65
Đất nông nghiệp 677.948 86,80
Đất ở 7.669 0,98
Đất chuyên dùng 23.322 2,99
Đất khác 20.132 2,58
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận năm 2009
Về cơ cấu sử dụng đất của tỉnh, trong tổng số 781.043 ha đất tự nhiên của tỉnh thì diện tích đất đang sử dụng vào mục đích nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất với 677.948 ha chiếm 86,80% và chiếm tỷ trọng thấp nhất là đất ở với 7.669 ha chỉ chiếm 0,98%. Đất có vị trí rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp ở Bình Thuận, có các loại đất chính sau:
- Đất cồn cát và đất cát biển chiếm khoảng 18,2% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, phân bố dọc theo bờ biển các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Lagi và