Xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp

Một phần của tài liệu Luận văn: Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh Tây Ninh pptx (Trang 61 - 65)

Trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn kinh tế hộ nông dân sản xuất với quy mô ngày càng lớn, hoạt động có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Những năm gần đây cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế đã có sự dịch chuyển ngày càng hợp lý.

Bảng 4: Cơ cấu GTSX công nghiệp

TT Thành phần kinh tế Tỷ trọng năm 2001 (%) Tỷ trọng năm 2005 (%) Tỷ trọng năm 2010 (%) 1 Nhà nước 27,5 24,3 19,8 2 Ngoài quốc doanh 24,5 31,9 37,4

3 Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 48,0 43,8 42,8

(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Tây Ninh 2010, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 – 2015)

- Khu vực kinh tế Nhà nước được sắp xếp tổ chức lại, đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện nguyên tắc tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh. Cơ bản đã hoàn thành công tác đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp: trong đó cổ phần hóa 42 doanh nghiệp (DN) và bộ phận doanh nghiệp, chuyển 05 DN Nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, giải thể 02 DN. Với vốn đa sở hữu, các công ty cổ phần thay đổi phương thức quản lý, khai thác tốt hơn nguồn lực tại doanh nghiệp; một số doanh nghiệp đã đầu tư thêm máy móc, đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh đa ngành nghề; sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, nâng cao được sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển khu vực nhà nước chiếm 31%.

- Hợp tác phát triển được mở rộng, môi trường đầu tư được cải thiện ngày càng thông thoáng hơn. Huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn đầu tư từ khu vực dân doanh chiếm 37,4% và khu vực đầu tư nước ngoài 42,8%. Cuối năm 2010, trên địa bàn tỉnh có 222 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 1.040 triệu USD, trong đó 10 dự án lĩnh vực nông - lâm nghiệp – thủy sản với số vốn 75,12 triệu USD.

Tây Ninh đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với 3 tỉnh, thành là thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai và 3 tập đoàn kinh tế

quốc gia là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng công ty hóa chất Việt Nam.

- Kinh tế trang trại đã có bước phát triển mới, xuất hiện ngày càng nhiều trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn. Cả tỉnh hiện có 2.400 trang trại (trang trại năm 2007: 2.056, năm 2009: 2.327); các trang trại đã sử dụng 24.584 ha đất các loại, giải quyết việc làm cho 8.882 lao động ở nông thôn.

- Kinh tế tập thể, mà chủ yếu là hợp tác xã (HTX) đã từng bước khẳng định được mình trong cơ chế thị trường: Củng cố về tổ chức quản lý, vốn quỹ, về trách nhiệm và quan hệ giữa xã viên với HTX; khắc phục những yếu kém, đã làm được các khâu dịch vụ cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp, bước đầu đã phát huy tính tự lực và chủ động liên kết giữa các HTX với nhau, liên kết giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác theo hướng xây dựng mối quan hệ kinh doanh ổn định. Tổng sản phẩm (GDP) khu vực kinh tế tập thể chiếm 3,25%. Cả tỉnh hiện có:

+ 103 HTX (trong đó: 48 HTX nông nghiệp, 04 HTX nuôi trồng thuỷ sản, 03 HTX thương mại dịch vụ, 12 HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 01 HTX môi trường, 01 HTX xây dựng, 16 HTX giao thông vận tải, 18 quỹ tín dụng nhân dân) đã thu hút hơn 28.000 xã viên và hơn 48,58 tỷ đồng vốn điều lệ.

+ 4.256 tổ hợp tác với 66.953 thành viên; hình thức và nội dung hoạt động khá phong phú với nhiều tên gọi khác nhau: tổ liên kết, tổ vay vốn, tổ nhóm làm dịch vụ...thực hiện chức năng giúp kinh tế hộ khắc phục khó khăn hạn chế về vốn, kinh nghiệm sản xuất.

Sự phát triển công nghiệp tỉnh Tây Ninh trong những năm gần đây đã khai thác được các tiềm năng sẳn có của tỉnh như nguồn nguyên liệu nông sản, tài nguyên khoáng sản, tiềm năng lao động… tốc độ tăng trưởng cao. Thực hiện tốt sự liên kết giữa các khâu sản xuất, chế biến và giữa các thành phần kinh tế.

2.2.5. Nguồn nhân lực

Tây Ninh có lợi thế về nguồn nhân lực với lực lượng lao động trẻ và có nhiều tiềm năng. Nguồn lao động trong tỉnh tương đối phong phú do cơ cấu dân số trẻ, lực lượng lao động 75,66% dân số, trong đó lao động nông thôn chiếm 83,74%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề tăng tăng từ 17% năm 2001 lên 45% năm 2010; số sinh viên đại học trên vạn dân đạt 220 sinh viên năm 2010.

Đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh, huyện, xã đến 31/12/2009 là 26.644 người, số người có trình độ sau đại học chiếm tỷ lệ 0,69%; có trình độ đại học và tương đương chiếm tỷ lệ 29%; trong đó: Cán bộ, công chức cấp xã là 1.812 người, số người tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm 79,97%, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 5.751 người, số người tốt nghiệp văn hóa cấp 3 chiếm 38,82%.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực được quan tâm, ban hành và thực hiện chính sách thu hút, đào tạo nhân tài, từ 2006 - 2010 đã chọn cử đưa đi đào tạo 8 tiến sĩ, 345 thạc sĩ (có 6 thạc sĩ đào tạo ở nước ngoài), 6.218 đại học, trung cấp. Công tác giáo dục của các trường chuyên nghiệp trong tỉnh nguồn tuyển sinh đã tăng qua các năm, chất lượng đào tạo được nâng lên đáp ứng một lượng lao động không nhỏ cho phát triển kinh tế của tỉnh.

Cơ sở vật chất tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực của tỉnh được quan tâm đầu tư. Đến năm 2010; mạng lưới trường, lớp, cơ sở giáo dục phổ thông phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng yêu cầu học tập của con em nhân dân trong tỉnh. Tính đến năm học 2009-2010, 100% xã phường, thị trấn có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, 9/9 huyện, thị xã có trường trung học phổ thông; trên địa bàn tỉnh có 117 trường mầm non, 286 trường tiểu học, 107 trường trung học cơ sở, 31 trường trung học phổ thông. Mạng lưới giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn có 01 trường cao đẳng sư phạm, 02 trường trung cấp chuyên nghiệp, 03 trường trung cấp nghề, trên 190 cơ sở dạy nghề.

Cơ cấu lao động theo thành phần kinh tế chuyển dịch khá nhanh và đúng hướng. Cơ cấu lao động đang có sự dịch chuyển từ nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng lực lượng lao động đang làm việc giảm khá nhanh từ 60% năm 2001 xuống còn 53% vào năm 2005 và còn 42% vào năm 2010; trong khi tỷ trọng này của ngành công nghiệp tăng từ 13,5% 18% và 23,4%, khu vực dịch vụ tăng từ 26,5% lên 29% và 35% trong cùng giai đoạn. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động là đúng hướng và tích cực.

Tuy nhiên do vị trí địa lý của tỉnh nằm giáp ranh với các địa phương phát triển công nghiệp mạnh như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… là những thị trường thu hút nguồn lao động rất lớn, mặt khác quá trình chuyển dịch cơ cấu công, nông nghiệp của tỉnh cũng góp phần chuyển một lượng lớn lao động ra khỏi khu vực nông thôn.

Một phần của tài liệu Luận văn: Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh Tây Ninh pptx (Trang 61 - 65)