An toàn cho nhà máy điện hạt nhân

Một phần của tài liệu Điện hạt nhân ở việt nam (Trang 52 - 55)

Một nhà máy điện hạt nhân nên được xây dựng ở đâu là thích hợp? Lẽ dĩ nhiên những vấn đề cần quan tâm là địa chấn của địa điểm và an toàn cho người dân sống xung quanh. Với lợi thế là nhiên liêu sử dụng có khối lượng nhỏ, do đó việc vận chuyển nhiên liệu ít ảnh hưởng đến việc chọn lựa địa điểm xây dựng. Trên lý thuyết nhà máy điện hạt nhân có thể được xây gần với các phụ tải lớn, nhằm giảm thiểu tổn thất trong khâu truyền tải. Nhưng trên thực tế, vì nhà máy điện hạt nhân khi gặp sự cố sẽ gây nguy hại cao nên việc chọn lựa địa điểm được nghiên cứu rất kĩ lưỡng. Các nhà máy điện hạt nhân thường được xây dựng rất gần bờ biển để khi cần, trong trường hợp xấu nhất, có thể lợi dụng nguồn nước biển có sẵn làm nguội các thanh nhiên liệu. Đồng thời cũng đòi hỏi khu vực này có các hoạt động về địa chấn ít nhất, cấu tạo nền móng của vỏ Trái Đất ổn định nhất.

Vấn đề về con người cũng là một điều đáng quan tâm. Do chất phóng xạ có thể gây những tác động xấu lên con người nên các nhà máy điện hạt nhân thường được xây dựng ở nơi cách xa khu dân cư. Nhưng khoảng cách này là bao nhiêu cũng cần được tính toán kĩ, không thể quá xa để giảm chi phí cho việc truyền tải và tổn hao điện năng trong quá trình truyền tải.

Về an toàn khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA: International Atomic Energy Agency) đã từng đưa ra các tiêu chuẩn an toàn (NS-R-3: IAEA SAFETY STANDARDS SERIES) để các quốc gia tham khảo trong việc định hướng xây dựng (chi tiết xin tham khảo phụ lục 2)

VIỆT NAM

Điều kiện địa chấn ở Việt Nam có đảm bảo yêu cầu cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân?

Lãnh thổ và lãnh hải nước ta tồn tại những tồn tại hệ thống đứt gãy hoạt động phức tạp như: Đứt gãy Lai Châu - Điện Biên, đứt gãy Sông Mã, đứt gãy Sơn La, đới đứt gãy Sông Hồng, đới đứt gãy Sông Cả, đứt gãy kinh tuyến 1090-1100…, do vậy động đất cũng thường xuyên xảy ra. Nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu cho thấy, từ đầu thế kỷ 20 đến nay, ở khu vực phía Bắc có 2 trận động đất cấp 8-9, cường độ khoảng 6,7-6,8 độ richter, hàng chục trận động đất cấp 7, cường độ từ 5,1-5,5 độ richter và hàng trăm trận động đất yếu hơn.

Cụ thể: Điện Biên (năm 1935; 6,75 độ richter); Bắc Giang (1961; 5,6 độ); Tuần Giáo (1983; 6,8 độ)…Từ 2007 đến nay, nhiều trận động đất dưới 5,5 độ ricther xảy ra ở Việt Nam: Ngoài khơi Vũng Tàu - Phan Thiết (2007; 5,1 độ); Đô Lương (2008; 3,8 độ); Mường Tè (2008; 4,5 độ).

Các trận động đất nhỏ xảy ra từ sau trận động đất Điện Biên đều không gây thiệt hại về người và của, tuy nhiên cũng cho thấy vỏ Trái đất ở khu vực Việt Nam không hoàn toàn bình ổn, động đất cần được theo dõi và nghiên cứu để có đánh giá ngày một đầy đủ hơn về hoạt động địa chấn ở Việt Nam. [25]

Về nguy cơ sóng thần, từ trước đến nay chưa từng có ghi nhận nào về sóng thần ảnh hưởng đến bờ biển Việt Nam. Tuy nhiên, theo các kết quả nghiên cứu đã được thực hiện tại Viện Vật lý địa cầu, các vùng nguồn động đất ở khu vực biển Đông và lân cận có thể gây nên sóng thần ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam, bao gồm: Riukiu – Đài Loan; đới hút chìm Manila; Biển Sulu; Biển Celebes; vùng Biển Ban Đa; Bắc Biển Đông; Palawan và Biển Đông. [25] Như vậy, nguy cơ sóng thần ở vùng biển Việt Nam là hoàn toàn hiện hữu.

Hiện nay, theo số liệu của Viện vật lý địa cầu, nước ta có khoảng 26 trạm quan trắc [26] và sắp tới Việt Nam sẽ có 30 trạm dự báo động đất và sóng thần phân bố khắp cả nước. Trong đó, có 8 trạm đặt cả máy ghi địa chấn và GPS liên tục [27]

Nếu xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam thì có bảo đảm an toàn cho các khu dân cư?

Theo Thông tư hướng dẫn đánh giá sơ bộ về an toàn hạt nhân đối với địa điểm nhà máy điện hạt nhân trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư của Bộ Khoa học và Công nghệ:

• Khu vực cấm dân cư là khu vực có ranh giới ngoài cách hàng rào nhà máy tối thiểu 1 km. Trường hợp tại vị trí cách hàng rào nhà máy lớn hơn 1 km mà một người có thể phải chịu tổng liều chiếu xạ hiệu dụng tương đương vượt quá 0,25 Sivơ (25 rem) hoặc tổng liều nhiễm xạ iốt đối với tuyến giáp vượt quá 3 Sivơ (300 rem) trong thời gian 2 giờ khi có sự cố xảy ra thì khu vực cấm phải được mở rộng tới vị trí đó.

• Khu vực hạn chế dân cư là khu vực bao quanh khu vực cấm mà một người dân ở ranh giới ngoài của khu vực này chịu tổng liều chiếu xạ hiệu dụng tương đương không vượt quá 0,25 Sivơ (25 rem) hoặc tổng liều nhiễm xạ iốt đối với tuyến giáp không vượt quá 3 Sivơ (300 rem) trong thời gian có đám mây

phóng xạ bay qua. Liều chiếu tập thể đối với khu vực hạn chế dân cư không vượt quá 20.000 người x Sivơ khi có sự cố xảy ra.

Nhìn chung, với đặc điểm dân cư đất nước ta đa phần tập trung ở các vùng đồng bằng (Bắc bộ, Nam Bộ và duyên hải miền Trung), đồng thời nhà nước có thể tiến hành các biện pháp thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… Chúng ta hoàn toàn có thể thiếp lập một khu vực để xây dựng nhà máy mà vẫn đảm bảo an tòan cho các khu vực dân cư xung quanh.

Như vậy, mặc dù thực tế là đất nước ta tồn tại những khu vực tiềm ẩn nguy cơ sóng thần và động đất (đây là một vấn đề mà hầu hết các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới gặp phải chứ không riêng gì ở Việt Nam), chúng ta hoàn toàn có thể nâng cấp các trạm cảnh báo, phối hợp cùng Quốc tế trong việc theo dõi, phát hiện và cảnh báo sóng thần, động đất. Đồng thời, chúng ta có thể và có khả năng tạo lập một vành đai an toàn cho các khu dân cư xung quanh.

Một phần của tài liệu Điện hạt nhân ở việt nam (Trang 52 - 55)