3. Thực trạng tổ chức hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Cát Bà
3.2. Các phân khu chức năng
Cũng như các VQG khác của Việt Nam, VQG Cát Bà cũng được chia làm 03 phân khu chức năng chính để thuận tiện trong việc quản lý TNTN và bảo tồn ĐDSH, các phân khu chức năng tại VQG Cát Bà như sau: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu phục hồi sinh thái; phân khu hành chính - dịch vụ (chi tiết Phụ lục 6).
Phân khu Phục hồi sinh thái có diện tích 11.094 ha là nơi tập trung chủ yếu để xây dựng các tuyến du lịch khám phá thiên nhiên trong VQG. Ở mỗi đầu tuyến được gắn những bảng quy định cho khách du lịch được đi đâu, xem gì và không được làm gì.
Phân khu hành chính - dịch vụ được quy hoạch khá gọn trong thung lũng Trung Trang, có mặt bằng tương đối thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển du lịch sinh thái cũng như các hoạt động giải trí khác. Là khu vực bố trí Trụ sở Ban Quản lý VQG, là trung tâm chỉ đạo các hoạt động bảo tồn, nghiên cứu khoa học, tổ chức dịch vụ du lịch, các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội và tuyên truyền giáo dục bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường trong khu vực. Diện tích phân khu là 93,1 ha, diện tích này đủ lớn để xây dựng các công trình phục vụ các chức năng trên như trụ sở làm việc của ban quản lý, nhà bảo tàng, trung tâm dịch vụ du lịch, vườn thực vật, vườn cây ăn quả, vườn ươm, các công trình công cộng và các điểm vui chơi giải trí khác.
Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt được lựa chọn những nơi ít bị ảnh hưởng bởi các hoạt động du lịch đối với môi trường sống của các loài động, thực vật nhạy cảm với biến đổi môi trường, đặc biệt trong đó các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, để xây dựng một số tuyến thăm quan cho khách tìm hiểu và các hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học. Cụ thể như tuyến VQG – Ao ếch – Việt Hải có chiều dài 13km. Đi từ trung tâm Du lịch theo đường mòn tới ao Ao ếch, du khách sẽ được ngắm nhìn hệ sinh thái đặc rừng ngập nước trên núi đá vôi mà chỉ có duy nhất ở Việt Nam, tiếp tục đi bộ theo đường rừng có nhiều vách đá tai mèo khoảng 4km sẽ đến được làng Việt Hải, tại đây nếu như may mắn du khách sẽ được nhìn thấy loài Sơn Dương hay Vọoc Cát Bà. Với tuyến tham quan này thi số lượng cho mỗi đoàn khách tham quan là rất hạn chế, tối đa là 30 người cho mỗi đoàn (theo các ý kiến của các chuyên gia về bảo tồn ĐDSH).
Ngoài ra, vùng đệm của VQG Cát Bà có diện tích 15.259,8 ha nằm trên địa bàn 06 xã, được chia thành hai khu vực.
+ Vùng đệm 1: gồm toàn bộ diện tích của xã Việt Hải (141,3 ha). Vùng đệm này có đặc điểm là nằm trọn hoàn toàn trong VQG Cát Bà, vì vậy có thể xem như là vùng đệm đặc thù. Mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế cho vùng đệm này là ưu tiên cho phát triển du lịch sinh thái, 100% hộ dân trong xã đều tham gia với nhiều loại hình khác nhau: Dịch vụ ăn uống, giải khát, nhà nghỉ và các dịch vụ khác.
+ Vùng đệm 2: nằm ngoài VQG với tổng diện tích 15.118,5 ha, gồm các xã Phù Long, Hiền Hào, Gia Luận, Xuân Đám, Trân Châu và Thị trấn Cát Bà. Tiềm năng và nguồn lợi từ các hoạt động du lịch đã thu hút đông đảo cộng đồng người dân vùng đệm tham gia, từ đó cộng đồng đã có ý thức bảo vệ tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên, góp
phần rất lớn trong công tác bảo tồn trong thời gian qua và là một trong những cơ sở khoa học quan trọng định hướng phát triển kinh tế, trong đó có ngành du lịch. Người dân các xã này tham gia nhiều loại hình hoạt trong du lịch: Người dân xã Gia Luận có truyền thống trồng cam có hương vị thơm ngon, phục vụ cho người dân trên đảo và khách du lịch; mô hình DLST tại gia đình ông Nguyễn Tiến Chinh xã Xuân Đám, riêng thị trấn Cát Bà người dân tham gia rất nhiều các loại hình dịch vụ du lịch: Xây dựng tuor, nhà nghỉ chất lượng cao, dịch vụ ăn uống và vui chơi giải trí khác. Đó là cơ sở vững chắc để VQG Cát Bà được đầu tư phát triển đem lại nguồn lợi trực tiếp qua các dịch vụ du lịch của thành phố Hải Phòng, thúc đẩy sự giao lưu văn hoá của địa phương, thu hút các dự án trong nước cũng như quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng lõi và vùng đệm, nâng cao vị thế và giá trị của VQG, Khu dự trữ sinh quyển nói riêng và huyện đảo Cát Hải, Thành phố Hải Phòng nói chung.