Điều kiện về chào bán thêm cổ phần ra công chúng

Một phần của tài liệu Pháp luật về chào bán cổ phần ra công chúng ở Việt Nam (Trang 26 - 27)

Công ty đại chúng muốn chào bán thêm cổ phần ra công chúng phải đạt đủ những điều kiện sau:

- Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng. Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất trong hoạt động của công ty cổ phần trong đó có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán ra công chúng. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là có những cuộc họp Đại hội đồng cổ đông đã thông qua những phương án phát hành gây rất nhiều tranh cãi, bởi phương án phát hành cổ phiếu được thông qua thể hiện sự bất bình đẳng trong cách đối xử với những cổ đông nhỏ. Tiêu biểu là quyết định của Đại hội cổ đông của công ty cổ phần xăng dầu Vitaco thông qua phương án chào bán thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ: ưu ái cho Tổng công ty xăng dầu Việt Nam - cổ đông chiếm 51% vốn -

được mua CP mới với giá thấp hơn 2,5 lần so với các cổ đông khác và quyết định của Đại hội cổ đông của công ty cổ phần bê tông Xuân Mai cho phép các cổ đông hiện hữu được mua cổ phần mới với giá bằng nhau nhưng tỷ lệ mua là 1:1 đối với cổ đông sáng lập còn các cổ đông khác là tỷ lệ 2:1[19]. Do tỷ lệ cổ đông lớn và cổ đông sáng lập chiếm trên 51% tỷ lệ cổ phiếu có quyền biểu quyết nên những phương án phát hành vô lý và bất bình đẳng trên vẫn được thông qua.

- Đối với tổ chức phát hành là tổ chức tín dụng, việc chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng phải có văn bản chấp thuận của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Đặc thù của ngành tài chính ngân hàng là rủi ro cao, chính vì vậy mà các tổ chức tín dụng muốn chào bán cổ phần ra công chúng ngoài việc thỏa mãn những điều kiện thông thường như đối với các công ty cổ phần thành lập theo Luật doanh nghiệp còn cần thiết phải có sự chấp thuận của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Tại Việt Nam hiện nay có quá nhiều ngân hàng đang hoạt động và số ngân hàng xin cấp phép thành lập cũng ngày một nhiều thêm. Đã có ý kiến cho rằng “ Lợi nhuận của một số ngân hàng tăng vọt không phải từ nghiệp vụ truyền thống tiền tệ mà từ kinh doanh chứng khoán”[17]. Với sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng hiện nay, việc chào bán thêm cổ phần ra công chúng để tăng vốn của các ngân hàng là không khó nhưng nếu để các ngân hàng tăng vốn ồ ạt mà không đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn thu được, không phù hợp với kế hoạch mở rộng kinh doanh, năng lực quản trị và khả năng quản lý của các ngân hàng thì sẽ rất nguy hiểm không chỉ với những cổ đông của ngân hàng mà với toàn bộ nền kinh tế.

Một phần của tài liệu Pháp luật về chào bán cổ phần ra công chúng ở Việt Nam (Trang 26 - 27)