Hệ tiêu chí chung

Một phần của tài liệu Quy định các tiêu chí cụ thể đối với từng loại đơn vị hành chính ở nước ta để đi đến ổn định, chấm dứt tình trạng chia tách nhiều như thời gian qua (Trang 49 - 53)

III. Những vấn đề về nguyên tắc, tiêu chí và giải pháp cụ thể xác lập đơn vị hành chính huyện

3.2.1.Hệ tiêu chí chung

3.2.1.1. Hệ các tiêu chí về tự nhiên - xã hội

Việc xác lập các đơn vị hành chính cấp huyện cần phải dựa trên các tiêu chuẩn cụ thể:

+ Tính phù hợp với đặc điểm tự nhiên: Trong thực tiễn, giữa các địa phương thường có những ranh giới tự nhiên như sông, suối, núi... và có thể lấy đây là một cơ sở để xác lập phạm vi địa giới của một huyện. Tính phù hợp với đặc điểm tự nhiên còn xuất phát từ đặc điểm của từng vùng miền mà xác lập đơn vị hành chính cấp huyện cho phù hợp. Với địa bàn những vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, việc xác lập đơn vị hành chính cấp huyện phải khác với khu vực đồng bằng, đô thị.

- Diện tích tự nhiên là một tiêu chí cần chú ý. Tiêu chí này phản ánh mức độ khó khăn, thời gian thực thi công vụ và thời gian đi lại của công dân đến các cơ quan quản lý nhà nước. Chẳng hạn, thời gian người dân đến trụ sở chính quyền huyện, xã ở các vùng sâu sẽ nhiều hơn ở đồng bằng... Tuy nhiên, tiêu chí diện tích tự nhiên cần đặt trong tổng thể các yếu tố khác. Với sự phát triển của mạng lưới thông tin truyền thông hiện nay, vấn đề khoảng cách, diện tích tự nhiên không còn đóng vai trò quan trọng như giai đoạn trước đây trong việc xác lập đơn vị hành chính. Diện tich huyện được thành lập mới không được nhỏ hơn trung bình của tỉnh và khu vực.

+ Hệ các tiêu chí về xã hội bao gồm nhiều tiêu chuẩn có liên quan:

- Tiêu chí về lịch sử: Không gian lãnh thổ là một vấn đề có lịch sử lâu dài. Đặc điểm của không gian lãnh thổ đã để lại dấu ấn lên tâm lý, tập quán canh tác, sinh hoạt của dân cư. Chính vì vậy, việc xác lập các đơn vị hành chính mới phải tôn trọng các yếu tố lịch sử, văn hóa của các địa phương. Việc xác lập đơn vị hành chính huyện phải tôn trọng tính lịch sử của địa phương cả trên phương diện lịch sử địa lý lãnh thổ và lịch sử văn hóa. Việc chia tách, thành lập mới đơn vị hành chính cấp huyện không nên thực hiện ở những huyện đã được thành lập lâu đời, có truyền thống lịch sử văn hóa.

- Việc xác lập đơn vị hành chính phải bảo đảm tính kế thừa sự ổn định của các đơn vị hành chính lãnh thổ hiện tại. Điều đó có nghĩa khi xác lập đơn vị hành chính cấp huyện mới cần phải nghiên cứu, sử dụng các yếu tố tích cực hình thành do các hoạt động của cộng đồng dân cư trong lịch sử tạo ra và hiện vẫn đang phát huy tác dụng. Những yếu tố tích cực cần kế thừa khi xác lập các đơn vị hành chính là:

•Tính ổn định và phát triển của sản xuất xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phục vụ sản xuất và đời sống xã hội. Đó là mặt cơ bản của việc ổn định xã hội và phát triển cộng đồng;

•Tinh thần đoàn kết cộng đồng tạo nên sức mạnh bảo vệ lãnh thổ, duy trì an ninh của cộng đồng, nhất là những địa phương ở biên giới.

- Phù hợp với truyền thống văn hóa của dân cư: Mỗi khu vực, mỗi cộng đồng dân cư có những đặc trưng, bản sắc riêng đã được hình thành trong một thời kỳ tương đối dài. Chính vì vậy, việc xác lập đơn vị hành chính không nên tạo ra sự chia cắt về vùng, miền văn hóa hoặc kết hợp giữa nhiều vùng, miền văn hóa có thể dẫn đến những xung đột;

- Phù hợp với yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng: Việc chia, tách, xác lập đơn vị hành chính phải bảo đảm phục vụ tốt hơn cho công tác bảo vệ an ninh, quốc phòng, giữ vững trật tự an toàn xã hội, tránh những xung đột, tranh chấp do việc chia, tách, xác lập đơn vị hành chính mới.

3.2.1.2. Hệ các tiêu chí về tổ chức và quản lý nhà nước

- Xác lập đơn vị hành chính mới phải trên tinh thần cải cách hành chính, hướng đến tính hiệu quả. Việc tăng chi phí, biên chế phải bảo đảm tương ứng với hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn;

- Xác lập đơn vị hành chính nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hoạt động quản lý đối với các đối tượng quản lý;

- Xác lập đơn vị hành chính phải tạo điều kiện cho người dân trong việc tiếp cận với chính quyền cấp huyện;

- Xác lập đơn vị hành chính tạo điều kiện người dân được tiếp cận các dịch vụ công tốt hơn;

- Xác lập đơn vị hành chính phù hợp với năng lực quản lý nhà nước. 3.2.1.3. Hệ tiêu chí về nhân văn

- Xác lập đơn vị hành chính phù hợp với quy mô dân cư. Dân số là tiêu chí quan trọng nhất, vì nhân tố con người đóng vai trò quyết định và quản lý con người là phức tạp nhất, là nội dung hàng đầu của quản lý nhà nước. Dân số càng đông thì khối lượng công việc quản lý nhà nước càng lớn, mức độ phức tạp càng cao. Dân số còn là căn cứ để xác định chế độ chính sách trong

lĩnh vực khác (giáo dục, y tế, văn hoá...). Tuy nhiên, tiêu chí quy mô dân cư không nên được xem là tiêu chí quyết định đến việc phân chia các đơn vị hành chính. Địa bàn có dân cư lớn hoàn toàn có thể quản lý với việc nâng cao năng lực quản lý của các cấp chính quyền.

- Xác lập đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm của dân cư: Dân tộc, văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống lịch sử, sự cố kết cộng đồng, yếu tố tâm lý...;

- Xác lập các đơn vị hành chính phù hợp với nhu cầu, mong đợi của người dân. Địa phương kiến nghị chia, tách, thành lập mới đơn vị hành chính cần có phương án lấy ý kiến của nhân dân và có minh chứng cụ thể về mức độ đồng tình của người dân;

- Xác lập đơn vị hành chính không làm ảnh hưởng đến đến truyền thống đoàn kết, tâm lý cộng đồng, tránh hai xu hướng tạo ra sự chia cắt hoặc kết hợp máy móc, cơ học dễ dẫn đến những tranh chấp, xung đột.

3.2.1.4. Hệ tiêu chí về phát triển

- Tiêu chí về bảo đảm tổng thu nhập của địa phương: Việc chia tách cần phải luận giải cơ sở về tăng trưởng kinh tế - xã hội. Việc chia tách đơn vị hành chính chỉ áp dụng khi việc luận giải này thực sự có cơ sở khoa học, có tính thực tiễn và khả thi;

- Xác lập đơn vị hành chính bảo đảm tính tổng thể của kế hoạch, phát triển kinh tế của địa phương;

- Xác lập đơn vị hành chính phải bảo đảm tạo điều kiện cho việc khai thác lợi thế so sánh của các địa phương;

- Xác lập đơn vị hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các hoạt động kinh tế.

Để tạo cơ sở khoa học cho các quyết định chia, tách, xác lập đơn vị hành chính cấp huyện mới, hệ các tiêu chí cần được thể hiện bằng các trọng số, thang điểm khác nhau. Các tiêu chí về tự nhiên - xã hội có thể chiếm 25% số điểm, tiêu chí về nhân văn 30%, tiêu chí về phát triển 25% và tiêu chí về tổ

chức và quản lý nhà nước là 20%. Mặt khác, khi xem xét việc chia, tách, xác lập đơn vị hành chính, các tiêu chí cần được kết hợp với nhau để có sự đánh giá toàn diện phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế - xã hội, trình độ phát triển của từng vùng, miền.

Một phần của tài liệu Quy định các tiêu chí cụ thể đối với từng loại đơn vị hành chính ở nước ta để đi đến ổn định, chấm dứt tình trạng chia tách nhiều như thời gian qua (Trang 49 - 53)