2.1. ĐỊNH HƯỚNG ĐẦU TƯ
2.1.1. Quan điểm chỉ đạo về điều dưỡng, nuôi dưỡng người có công
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ... dù hoàn cảnh khó khăn vẫn không ngừng vươn lên trong học tập, lao động, ổn định cuộc sống, nhiều người làm kinh tế giỏi.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: "Đất nước được rạng rỡ như hôm nay là nhờ sự hy sinh của các Anh hùng, Liệt sỹ, đồng chí, đồng bào ta trong trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại. Để báo đáp công ơn ấy và kế thừa truyền thống đạo lý "Ăn quả nhớ người trồng cây", Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng là bổn phận và trách nhiệm cao cả. Với thân nhân các liệt sỹ và anh chị em thương binh, đặc biệt là thương binh nặng, tôi hiểu dù cuộc sống vật chất có đầy đủ đến đâu cũng không thể bù đắp những mất mát, hy sinh của các đồng chí. Chỉ có tình yêu thương và đạo nghĩa mới đem lại niềm vui và sức mạnh để mọi người Việt Nam chúng ta vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, vươn lên, tiến về phía trước".
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cùng đồng bào và chiến sỹ cả nước hãy biểu thị mạnh mẽ hơn nữa lòng biết ơn bằng nhiều hành động cụ thể, sao cho lòng biết hơn hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc nhằm tiếp tục tri ân các Anh hùng Liệt sỹ, thương, bệnh binh và gia đình có công với nước. Trong đó, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đối tượng chính sách tiếp cận và được hưởng các dịch vụ xã hội về học tập, dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhằm giúp các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Chủ tịch nước cũng khẳng định quyết tâm của cả nước vượt qua những khó khăn hiện nay để đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển, đây cũng chính là cách đền ơn đáp nghĩa thiết thực nhất đối với các thương binh, liệt sỹ - những người đã sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Người đứng đầu Nhà nước yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đối tượng chính sách tiếp cận và được hưởng các dịch vụ xã hội về học tập, dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe..., giúp các gia đình chính sách khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho Trung tâm điều dưỡng thương binh, các đơn vị có chức năng chăm sóc người có công trên địa bàn cả nước.
2.1.2. Mục tiêu đầu tư vào các trung tâm điều dưỡng người có công thời gian tới
Căn cứ vào số lượng đối tượng điều dưỡng người có công và mạng lưới các cơ sở điều dưỡng tại khu vực thì quy hoạch các Trung tâm điều dưỡng người có công các tỉnh phía Bắc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu, từ nay đến năm 2015 tạm ngừng không đưa thêm danh mục đầu tư cho mục tiêu này.
Theo đánh giá nêu trên, miền Trung nằm trên dải đất địa lý kéo dài, vừa ít cơ sở lại phân bố không đều. Bộ có chủ trương đầu tư cho 2 cơ sở điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Bình và Quảng Ngãi trong kế hoạch 2009-2010. Quảng Ngãi là tỉnh có đông đối tượng (3.697 người, đứng thứ 7 cả nước), điều kiện kinh tế khó khăn. Quảng Bình là địa phương chịu nhiều tàn phá trong chiến tranh, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, từ năm 1987 Bộ đã đưa vào quy hoạch trung tâm điều dưỡng người có công Quảng Bình, tỉnh vẫn giữ đất từ đó đến nay và giao thêm nhiệm vụ cho trung tâm Bảo trợ xã họi làm chức năng điều dưỡng người có công (1 đơn vị 2 địa điểm).
Sau khi tập trung hỗ trợ đầu tư cho 2 trung tâm của Quảng Bình và Quảng Ngãi, có thể cân nhắc để hỗ trợ đầu tư thêm cho 2-3 cơ sở điều dưỡng người có công phía Nam để đảm bảo quy hoạch chung, thời gian dự kiến trong kế hoạch 2009-2011.
2.2. GIẢI PHÁP ĐẦU TƯ VÀO CÁC TRUNG TÂM ĐIỀU DƯỠNG NGƯỜI CÓ CÔNG CÔNG
2.2.1. Tăng cường quản lý nhà nước về công tác điều dưỡng người có công
Bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống chính sách tạo cơ sở để cải tạo và mở rộng các trung tâm điều dưỡng người có công trên khắp cả nước. Tập trung nghiên cứu đổi mới về cơ chế kế hoạch, tài chính, chính sách đầu tư về cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, cán bộ y bác sĩ phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng người có công.
Triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới các trung tâm điều dưỡng người có công: Bộ, Ngành và các địa phương chủ động triển khai thực hiện quyết định của Chính phủ về quy hoạch mạng lưới các trung tâm điều dưỡng người có công giai đoạn 2010-2015. Mạng lưới
trung tâm điều dưỡng người có công phải đáp ứng dược nhu cầu điều dưỡng và nuôi dưỡng người có công theo cơ cấu từng vùng.
2.2.2. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị y tế phục vụ công tác điều dưỡng
Bộ tập trung đầu tư xây dựng hệ thống các trung tâm điều dưỡng người có công chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của đối tượng này hiện nay.
Tiếp tục cải tạo, mở rộng các trung tâm điều dưỡng trên cả nước. Nhà nước có chính sách hỗ trợ trang thiết bị cho các trung tâm, đặc biệt là các trung tâm dạy nghề ở vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn.
Khuyến khích địa phương tự đầu tư cho các trung tâm, phát huy khả năng của từng địa phương.
Hoàn thiện hệ thống quản lý Nhà nước về dạy nghề từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đưa các hoạt động điều dưỡng và nuôi dưỡng người có công đạt yêu cầu.
2.2.3. Đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y bác sĩ
Xây dựng và ban hành các chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng đối với các cán bộ y bác sĩ làm công tác chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng người có công. Hàng năm cần có các khoá học nâng cao nghiệp vụ tay nghề cho các cán bộ y bác sĩ để công tác điều dưỡng và nuôi dưỡng người có công ngày càng có chất lượng cao.
a, Về số lượng
Để đáp ứng nhu cầu về số lượng y bác sĩ, hàng năm cần bổ sung y bác sĩ để đảm bảo tỷ lệ trung bình 1 cán bộ/10 bệnh nhân. Do vậy phải phát triển đội ngũ y bác sĩ bằng nhiều nguồn, có các chính sách thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
b, Về chất lượng
Bồi dưỡng chuẩn hoá, nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sĩ, thực hiện luân phiên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chăm sóc sức khỏe theo chu kỳ.
Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng chăm sóc mới và nâng cao trình độ kỹ thuật cho các cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe để có thể áp dụng được những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc điều dưỡng.
Các Bộ, Ngành, Địa phương, trung tâm điều dưỡng chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng đội ngũ y bác sĩ và kỹ thuật viên để nâng cao kỹ năng, tiếp cận với trang thiết bị hiện đại.
Điều dưỡng và nuôi dưỡng người có công là một trong những việc làm có ý nghĩa trong phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã hy sinh tuổi trẻ, hy sinh người thân, những người đã để lại một phần xương máu và cả những người đã hy sinh những người thân của mình trên khắp các chiến trường trên cả nước. Đất nước có được như ngày nay không thể thiếu họ, vì vậy chúng ta những người của thế hệ được lớn lên trong hoà bình cần phải nhớ ơn tới những người đã khuất và những người vẫn còn sống mà năm xưa đã chiến đấu quên mình để đất nước được như ngày nay.
Đầu tư vào các trung tâm điều dưỡng người có công để tạo cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị cho việc chăm sóc sức khoẻ cho những người có công, góp phần quan trọng trong công tác đền ơn đáp nghĩa mà Đảng và Chính Phủ đã đề ra.
Qua quá trình thực tập tại Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, trên cơ sở nghiên cứu những lý luận đã học ở trường và thực tế, đặc biệt được sự hướng dẫn tận tình của cô giáo Th.S Nguyễn Thị ái Liên và các cô, chú trong Vụ, em đã nắm được những lý luận cơ bản cũng như thực trạng đầu tư cho các trung tâm điều dưỡng người có công ở Việt Nam thời gian qua:
- Thứ nhất, thấy được vai trò của điều dưỡng và nuôi dưỡng người có công từ đó thấy sự cần hiết phải tăng cường đầu tư cho hệ thống các trung tâm điều dưỡng người có công. - Thứ hai, thấy được chính sách của nhà nước cho điều dưỡng và nuôi dưỡng người có công, các khoản chi của nhà nước cho người có công, thực trạng đầu tư của Bộ cho các trung tâm điều dưỡng trên cả nước, từ đó thấy được các yếu tố chính ảnh hưởng tới công tác đầu tư cho các trung tâm điều dưỡng người có công: sự phân bố các trung tâm điều dưỡng; cơ sở vật chất; và độ ngũ y bác sĩ trực tiếp làm công tác chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng người có công trong các trung tâm điều dưỡng... còn nhiều tồn tại và bất cập. - Thứ ba, định hướng đầu tư và một số giải pháp đầu tư nhằm cải tạo, mở rộng các trung tâm điều dưỡng người có công.
Thông qua bản chuyên đề này, em hi vọng có thể đóng góp được một phần nào đó trong công cuộc đầu tư cho hệ thống các trung tâm điều dưỡng người có công. Tuy nhiên, do trình độ còn nhiều hạn chế, kinh nghiệm thực tế không nhiều, bản thân em tự nhận thấy rằng mình còn nhiều sai sót trong việc nhận định về quá trình đầu tư cho công tác điều dưỡng và nuôi dưỡng người có công, em rất mong được sự phê bình, góp ý của thầy cô giáo và các cô, chú trong Vụ kế hoạch - Tài chính để bản chuyên đề này được hoàn thiện hơn.
Một lần nữa, cho phép em được bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với các thày cô Khoa Đầu tư và các cô, chú trong Vụ Kế Hoạch - Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh va Xã hội đã tận tình giúp đỡ em hoàn thành bản chuyên đề này.