Phân loại ý tưởng

Một phần của tài liệu dung-lang-phi-hai-thu-quy-gia-nhat-cua-ban (Trang 36 - 40)

Một ý tưởng kinh doanh, dù là gì, cũng sẽ chỉ nằm ở một trong hai loại hình là sản xuất hay dịch vụ.

Sản xuất là tạo nên sản phẩm - hữu hình hoặc vô hình - đây là quá trình sáng tạo, thiết kế, chế tạo ra một loại sản phẩm nào đó, rồi bán cho người tiêu dùng. Dịch vụ là cung cấp một loại hình dịch vụ nào đó nhằm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.

Vậy ta thấy, dù là sản xuất hay dịch vụ thì cũng phải bán ra xã hội thu tiền về. Đó chính là kinh doanh, một hoạt động kinh tế quan trọng hiện hữu ở mọi nơi trong nền kinh tế. Kinh doanh - mua đi bán lại - là một khâu trung gian trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Về bản chất, nghề kinh doanh cũng chi là làm dịch vụ - một loại dịch vụ đặc biệt mà tôi sẽ đề cập với các bạn ở phần phía dưới.

Quá trình sản xuất sản phẩm cần dùng đến nguyên vật liệu, con người và công nghệ tạo ra hàng loạt sản phẩm. Tức đầu vào vừa là nguyên nhiên vật liệu, vừa là chất xám như dây chuyền công nghệ và trình độ tay nghề. Sản xuất tôi liệt kê ở đây bao gồm cả xây dựng và chế biến món ăn, đồ uống trong nhà hàng.

Xây dựng - thoạt nhìn qua - mọi người dễ xếp ngành này đứng riêng trong một lĩnh vực. Nhưng nếu ta để ý sâu hơn thì sẽ thấy, đây cũng là loại hình bao gồm nguyên vật liệu đầu vào, cộng với chất xám là việc thiết kế, thi công và công sức của người lao động để tạo nên một sản phẩm (nhà) mà thôi. Chế biến món ăn hay pha chế đồ uống cũng vậy…

Xây dựng chỉ có một điểm khác duy nhất, đó là về mặt chính tắc làm xây dựng không được lời lãi ở vật liệu, vì phải làm đúng theo bản vẽ thiết kế. Lãi chỉ đến do tổ chức thi công tốt, năng suất cao mà thôi.

***

Cung cấp dịch vụ thì người bán không sản xuất ra sản phẩm, mà họ „xây dựng‟ lên những gói dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu nào đó của người tiêu dùng để thu lợi nhuận. Đây không phải là bán sản phẩm, mà là bán chất xám, bán tri thức, bán sự thông minh hay khéo léo…

Cung cấp dịch vụ bao gồm hai loại: dịch vụ không có máy móc và dịch vụ có máy móc.

Dịch vụ không có máy móc là các loại hình dịch vụ mà người cung cấp không cần đến máy móc khi vận hành. Đúng hơn là sự xuất hiện của các máy móc trong loại hình này là không nhiều và không mang tính quyết định. Có thể kể ra rất nhiều các loại hình dịch vụ kiểu này như là các nghề: giáo dục đào tạo, nghệ thuật hay chăm sóc sức khỏe.

Đào tạo thì gồm có đạo tạo nghề truyền thống, đào tạo kỹ năng… Nghệ thuật như ca sỹ, diễn viên… Chăm sóc sức khỏe như đông ý, mát-xa, tầm quất, châm cứu, bấm huyệt… Và các nghề khách như vận động hành lang, luật sư, nhà tư vấn, môi giới… Có thể nói đa số trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ là các nghề này.

Về bản chất, đây là những loại hình dịch vụ có hàm lượng chất xám cao. Người cung cấp phải có những khả năng và trình độ tri thức cũng như sự khéo léo nhất định, mới đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng. Nói không bao gồm máy móc là do sự xuất hiện của chúng trong loại hình dịch vụ này tương đối nhỏ, chứ không phải là chúng không cần dùng đến máy móc. Bởi vì không thể dạy học được khi không có phòng học, không thể hát được khi không có micro, không thể châm cứu khi không co kim châm…

Loại hình cung cấp dịch vụ có máy móc thường là các nghề như vận tải, vận chuyển, điều vận, bác sỹ, dạy học, đào tạo các nghề về sửa chữa máy móc. Cụ thể trong xã hội, có thể kể ra như: vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng máy bay, tàu thủy, tàu hỏa; bác sỹ chữa các bệnh bằng phương pháp Tây y, giáo viên, du lịch…

Các loại hình dịch vụ này thì người cung cấp không những cần trình độ tay nghề, mà còn phải cần có máy móc thì mới đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Công ty vận tải chở khách hay hàng hóa cần có ôtô, máy bay, tàu thủy, tàu hỏa…; bệnh viện các bác sỹ chữa bệnh cần có máy móc hiện đại. trường học thì giáo viên dạy học cần có lớp học, bàn ghế; các công ty du lịch cần có khách sạn, danh làm thắng cảnh, các khu vui chơi…

***

Dù phân chia như vậy, nhưng nếu nhìn nhận về mặt bản chất, ta thấy tất cả các nghề bên trên chỉ là cung cấp sản phẩm mà thôi. Vì làm dịch vụ thì cũng cần phải „đóng‟ dịch vụ thành một gói hoàn chỉnh (sản phẩm) thì mới cung cấp được cho người tiêu dùng. Giáo viên dạy học phải có giáo trình đầy đủ, chi tiết cho cả một khóa học. Và khóa học ở đây là một sản phẩm. Đào tạo kỹ năng cũng cần có giáo trình, khóa học của nó cũng là một sản phẩm… Loại hình này cũng là loại hình có tiêu hao đầu vào (như loại hình sản xuất) khi phải sử dụng đến các máy móc, mà máy móc thì cần tiêu tốn nhiên liệu mới hoạt động được.

Điển hình như các buổi “Thuyết trình về kinh tế” của các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới tại Việt Nam. Rõ ràng đây là một loại hình dịch vụ mang tính chất xám rất cao. Về bản chất, đây chỉ là cung cấp dịch vụ. Những gói dịch vụ này cần dùng nhiều đến chất xám khi xây dựng và đóng gói. Tất nhiên, chúng rất hữu ích cho những người yêu cầu dịch vụ, đó là các doanh nhân, người quản lý hay những nhà điều hành kinh tế.

Dẫu biết tri thức, kinh nghiệm của những người thuyết trình là rất quý báu, nhưng nếu không có phòng ốc, các trang thiết bị hỗ trợ, họ không thể trình bày, giảng giải được những tri thức của mình cho mọi người.

***

Kinh doanh - như bên trên tôi đã đề cập - về bản chất cũng chỉ là làm dịch vụ, vì loại hình này không sản xuất ra sản phẩm cho xã hội. Nhưng đây là một loại hình dịch vụ đặc biệt, nó liên quan đến đời sống xã hội, đến sự mạnh hay yếu của nền kinh tế quốc gia, vì vậy nó liên quan đến sự ổn định của đất nước.

Tuy chỉ là hình thức mua đi bán lại, nhưng kinh doanh chính là một trong hai khâu quan trọng nhất của nền kinh tế, đó là sản xuất ra sản phẩm, dịch vu và tiêu thụ chúng - kinh doanh đóng vai trò thứ hai. Có rất nhiều yếu tố có thể can thiệp hoặc làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh, tức là sự sống còn của các doanh nghiệp kinh doanh, hay xa hơn là các doanh nghiệp sản xuất. Đó cũng là liên quan đến đời sống của người lao động, người tiêu dùng.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh đó là: tỷ giá ngoại tệ, chính sách tín dụng, chính sách thuế; vấn nạn lũng đoạn thị trường khi đầu cơ tích trữ, găm hàng chờ tăng giá… Ảnh hưởng đến kinh doanh còn là các chính sách, điều luật của nhà nước đưa vào áp dụng trong cuộc sống. Như việc bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy tham gia giao thông làm cho các cửa hàng bán mũ lưỡi chai gần như phá sản, còn các cửa hàng bán mũ bảo hiểm thì ăn nên làm ra. Hay việc bắt buộc phải lắp gương, mua bảo hiểm khi đi xe máy…

Làm kinh tế thì ai cũng biết là rất khốc liệt. “ Thương trường như chiến trường ”. Đầu tư, dù sản xuất sản phẩm hay cung cấp dich vụ, thì anh cũng phải tiếp thị tốt: xác định được phân khúc thị trường, nắm bắt được tâm lý khách hàng, sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, xác định được các đối thủ cạnh tranh… Bạn đừng cố gắng để doanh nghiệp mình trở nên tốt nhất mà phải cố gắng để trở thành duy nhất. Tức là phải luôn sáng tạo ra những sản phẩm, gói dịch vụ, những chương trình khuyến mại mới. Điều quan trọng nhất trong việc xây dựng một thương hiệu là phải tạo ra được nét riêng biệt.

***

Những ai là đối tượng khách hàng của bạn? Nước ta là một đất nước đang phát triển. Chúng ta vừa mới bước vào được nhóm nước có thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân của người dân đô thị khoảng 1500-2000$/năm (30-40 triệu đồng/năm). Tức thu nhập của mỗi người vào khoảng 2-3 triệu/tháng. Những người có thu nhập thấp hơn, trong khuôn khổ hạn hẹp của cuốn sách này tôi không đề cập đến.

Có thể nói rằng đa số các ý tưởng xuất phát ở đô thị, nơi có các bạn trẻ thông minh và năng động. Họ tạo ra ra các sản phẩm và các dịch vụ hữu ích để cung cấp cho xã hội. Muốn xây dựng được một thương hiệu lớn, họ phải có kiến thức tổng hợp về xã hội, phải có con mắt tinh đời.

Tôi không phải là một nhà kinh tế. Nhưng tôi thấy rằng nếu muốn thành công, bạn phải xác định đúng đối tượng khách hàng của mình. Càng chi tiết, càng cụ thể càng tốt. Phải biết mình đang nhắm đến là ai? Họ thuộc tầng lớp thượng lưu, trung lưu hay bình dân. Xác định đúng được đối tượng khách hàng là hiểu được những tâm lý, thói quen, nguyện vọng, nhu cầu của họ… Khi làm tốt điều đó, sẽ rất dễ dàng cho công tác tiếp thị. Và chỉ khi hiểu được những điều ấy, ta mới có các ý tưởng tốt hay đưa ra được các quyết định đúng trong các bước hành động.

Một phần của tài liệu dung-lang-phi-hai-thu-quy-gia-nhat-cua-ban (Trang 36 - 40)