Chương 3: Phân Tích các Thay Đổi Phúc Lợ
3.8 Thặng dư người tiêu dùng (Consumer Surplus ~ CS)
Thặng dư người tiêu dùng là lợi ích người tiêu dùng thu được thông qua việc trao đổi hàng hoá trên thị trường. Theo nghĩa đơn giản nhất, nó ngang với mức khác biệt giữa độ sẵn sàng chi trả tối đa của người tiêu dùng cho một khối lượng hàng hoá nhất định và tổng chi phí họ bỏ ra cho lượng hàng hoá đó. Nói cách khác, tổng giá trị mà người tiêu dùng gắn cho một lượng hàng hoá nhất định ngang với tổng chi tiêu cộng với thặng dư của người tiêu dùng. Hình W-6 mô tả điều này.
Thặng dư người tiêu dùng nhìn chung xấp xỉ với biến đổi đền bù hay biến đổi tương đương. Tức là thặng dư của người tiêu dùng do giảm giá gây ra ngang với hoặc biến đổi đền bù hoặc biến đổi tương đương với một số hạn chế nhất định. Cụ thể hơn, việc biểu hiện chuẩn xác mối quan hệ giữa thặng dư của người tiêu dùng và biến đổi đền bù, biến đổi tương đương phụ thuộc vào việc cụ thể hoá đường cầu Hicks với độ thoả dụng không đổi. Điều này khiến cho việc ước tính kết quả đo lường này khó khăn hơn đôi chút vì những mối quan hệ cầu được quan sát thường xuyên nhất là đường cầu Marshal với thu nhập chứ không phải là độ thoả dụng là bất biến. Khi giá hàng hoá lên hoặc xuống, độ thoả dụng sẽ giảm hoặc tăng. Kết quả là đường cầu Hicks dịch chuyển vào trong hay ra ngoài trong khi đường cầu Marshal vẫn đứng nguyên. Hình W-7 mô tả tình huống này xảy ra khi một người tiêu dùng một mặt hàng và mức giá của mặt hàng này giảm từ mức P0 xuống mức P1 khiến cho độ thoả dụng tăng từ mức U0 lên U1. Biến đổi giá khiến cho đường cầu Hicks H0 tăng lên thành đường cầu Hicks H1 song vẫn chỉ có một đường cầu Marshal D.
Thặng dư của người tiêu dùng có được khi mức giá giảm từ P0 xuống P1 (hay mất đi khi mức giá tăng từ mức P1 lên mức P0) là vùng bổ sung nằm dưới đường cầu do kết quả của biến đổi giá cả. Song việc vận dụng đường cầu nào trong ba đường cầu (H0, H1 hay D) để tính toán mức thặng dư này tuỳ thuộc vào tình hình.
Biến đổi đền bù của thay đổi giá cả này là vùng A. Nó sẽ là giá trị thích hợp để gán cho thay đổi giá cả của hàng hoá nếu mức giá rớt từ P0 xuống còn P1 hay nếu người tiêu dùng không có quyền ban đầu được hưởng mức giá thấp hơn. Giá trị này là tương đối nhỏ vì việc không có quyền được hưởng mức giá thấp khiến cho người tiêu dùng trở nên nghèo khó hơn với độ thoả dụng thấp hơn. Độ thoả dụng này nhất quán với độ thoả dụng thấp hơn của đường cầu Hicks.
Biến đổi tương đương cho sự thay đổi giá cả này là vùng A+B+C. Đây sẽ là giá trị thích hợp gán cho thay đổi giá nếu mức giá tăng từ P1 lên P0 hay nếu người tiêu dùng có quyền được hưởng mức giá thấp. Khoản giá trị này là tương đối lớn vì quyền được hưởng mức giá thấp hơn của giúp người tiêu dùng trở nên giàu có hơn, có độ thoả dụng cao hơn nhất quán với mức thoả dụng cao hơn của đường cầu Hicks.
Như thảo luận ở trên, đường cầu quan sát hay ước tính phần lớn là đường cầu Marshal, chẳng hạn như đường cầu D. Thặng dư của người tiêu dùng tính toán từ
đường cầu quan sát sẽ có giá trị ngang với vùng A+B. Nhìn chung thì giá trị này sẽ không bao giờ chính xác hoàn toàn với giá trị đúng.
May mắn là thặng dư của người tiêu dùng đo được bằng đường cầu Marshal, D, có khả năng gần với giá trị thích hợp trong từng trường hợp. Willig (1976) chứng minh rằng với điều kiện thông thường, thặng dư của người tiêu dùng mà đường cầu Marshal thể hiện là một con số xấp xỉ tương đối chuẩn của biến đổi đền bù hay biến đổi tương đương. Sai số của nó có khả năng nhỏ hơn so với sai vốn có của ước tính đường cầu.
Về mặt tác nghiệp mà nói, nếu một dự án tạo ra thay đổi giá cả của một mặt hàng, nếu mức giá ban đầu và lượng hàng được biết trước và nếu có thể dự đoán trước mức giá và mức cung hàng sau dự án thì có thể ước lượng một cách xấp xỉ vùng A+B với một độ chính xác nhất định. Cách đo lường này là một phương thức đo lường hợp lý đối với lợi và hại mà dự án đem lại cho cá nhân người tiêu dùng cho dù biến đổi đền bù hay biến đổi tương đương là chính xác hơn về mặt lý thuyết.
Ví dụ: Thay đổi giá Nông sản
Hãy hình dung rằng mỗi năm có một triệu tấn cải xanh được sản xuất và tung ra bán trên thị trường với mức giá $US 2000/tấn. Xét hai chương trình có tác động tương phản nhau lên mức chi phí để trồng cải xanh: một chương trình sẽ hạ thấp mức giá xuống còn $US 1800/tấn và tăng lượng cải xanh bán được lên 200 nghìn tấn trong khi chương trình còn lại sẽ tăng giá lên $US 2200/tấn và giảm lượng bán ra xuống 200 nghìn tấn.
Chúng ta tính toán vùng thay đổi trong thặng dư của người tiêu dùng từ mỗi chương trình với giả định rằng đường cầu là đường tuyến tính:
Trong trường hợp giá giảm, mức thay đổi được tính toán trong thặng dư của người tiêu dùng là $US 200/đơn vị nhân với 1.1triệu đơn vị, tức là $US 220 triệu. Tuy nhiên, vì đây là tình huống giá giảm nên thước đo chuẩn của lợi ích là biến đổi đền bù. Bởi vậy, mức $US 220 triệu có lẽ được coi là cao hơn so với giá trị thực. Trong trường hợp giá tăng, mức thay đổi được tính toán trong thặng dư của người tiêu dùng là $US 200/đơn vị nhân với 0.9 triệu đơn vị, tức là $US 180 triệu. Tuy nhiên, vì đây là tình huống giá tăng nên thước đo chuẩn của lợi ích là biến đổi tương đương. Bởi vậy, giá trị của $US 220 triệu có lẽ được coi là thấp hơn so với giá trị thực.