thứ nhất này, chắc độc giả đã nhận thấy rằng họ ít bàn đến vũ trụ, càng ít bàn
hơn nữa tới tri thức, mà chú trọng đến nhân sinh và chính trị.
Vì vậy trong những phần sau, khi phân tích từng vấn đề một, chúng
tôi cũng cho hai phần nhân sinh và chính trị lấn hẳn hai phần vũ trụ và tri thức.
Hơn nữa về vũ trụ, tuy thời nào cũng có triết gia nghiên cứu, nhưng
cứu cánh vẫn chỉ là để tìm ra một lối sinh hoạt phù hợp với thiên nhiên. Vậy
thì vũ trụ luận cơ hồ chỉ như tiền đề của nhân sinh luận.
Còn về tri thức, quan niệm của Nho, Mặc khác với quan niệm của
Lão, Trang. Phái dưới đặt nhẹ vấn đề tri thức, và coi cái tri thức hiểu theo
nghĩa thông thường là có hại; hai phái trên thì trọng tri thức; nhưng trừ nhóm
Biệt Mặc ra, rất ít nhà bàn đến tri thức vì tri thức, mà cũng chỉ coi tri thức là một điều kiện để tu thân thôi. Người Trung Hoa coi sự lập đức quý hơn sự
lập công, sự lập công lại quý hơn sự lập ngôn. Họ tôn sùng những ông thánh gây được nhiều công đức cho dân, chứ không khen những hạng biết nhiều,
học rộng mà không làm được việc gì.
Về luân lý, trái lại họ bàn đi, bàn lại hoài. Khổng, Lão, Mặc đều đề
cao những đức riêng; Khổng thì đề cao nhân, lễ, nghĩa, trí, dũng, Mặc thì đề
cao kiêm ái, cần, kiệm, phục tòng người trên, Lão thì đề cao khiêm tốn, tri
túc. Ngay trong thời Huyền học thịnh hành (Lục triều) nền luân lý của
Khổng bị chê bai, thì nền luân lý của Lão lại đạt tới mức rất cao, khuyên
người ta quả dục, coi vạn vật cũng như mình. Nói chi tới Đạo học, đời Tống,
Minh mà mục đích là tìm cách tu dưỡng ra sao để mọi người đều có thể trở
thành một ông thánh.
Sau cùng, chính trị cũng giữ một địa vị quan trọng trong triết học;
chẳng những bất kỳ một triết gia nào ở Trung Hoa cũng cho sự trị quốc, bình thiên hạ là trách nhiệm của mình. Cho nên dù chủ trương vô vi như Lão, cũng có ý cứu đời chứ không phải chỉ để “độc thiện kỳ thân”. Thời Tiên Tần
và thời cuối Thanh, vì hoàn cảnh, triết gia nào cũng có tư tưởng chính trị, mà giữa hai thời đó, trong non hai ngàn năm, vấn đề tôn quân hay phế quân, vấn đề tự do hay áp chế, vấn đề phú dân hay giáo dân, triều đại nào cũng đem ra
bàn. Ở Trung Hoa, ý niệm “người” và ý niệm “dân” (công dân) cơ hồ như
hoà với nhau làm một, mục đích giáo dục không phải, như Cô Hồng Minh đã nói, là để có những người tốt mà là để có những người dân tốt, cho nên có
những câu: “Trời sinh dân đó”, “Trời yêu dân lắm”, “Cái đạo của Đại học ở
chỗ… thêm yêu dân”.
Vì vậy họ trọng thức tế, trọng luân lý, chính trị, cho rằng mọi suy nghĩ
tìm tòi phải đưa tới cứu cánh nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân, đó là đặc điểm thứ nhất của triết học Trung Quốc.
2. Đặc điểm thứ nhì là trừ một số ít nhà như Tuân Tử, Vương Sung, cho đạo Trời và đạo người không quan hệ gì với nhau, còn hầu hết những