Nông nghiệp Quan Lạn chiếm vị trị nhỏ bé trong tỷ trọng kinh tế của cư dân, do vậy các quan hệ kinh tế phát sinh từ nông nghiệp nhìn chung là mờ nhạt. Do địa hình đảo, nên đất có thể canh tác được rất ít (khoảng 43 mẫu) chủ yếu là đất cát thiếu nước. Vì thế kinh tế nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, lương thực tự sản xuất không đủ cung cấp cho nhu cầu của người dân. Kinh tế nông nghiệp cũng không phải là nguồn thu chủ yếu của người dân Quan Lạn.
Ngay từ cuối thời đá mới, trong các di chỉ văn hoá Hạ Long, Quan Lạn cũng như một số đảo khác trong vịnh Hạ Long- Bái Tử Long đã mở rộng việc khai phá ruộng đất, đời sống con người nhờ dựa vào nông nghiệp nên đã ổn định, đã có những khu tụ cư đông đúc. Từ khi công cụ bắng sắt ra đời, công cuộc khai hoang lấn biển bắt đầu. Song từ xa xưa, dân ở đây đã quen với nghề đánh cá và vận tải biển, vì vậy ruộng đất được khai phá muộn với tiến độ chậm và lẻ tẻ. Là khu vực cửa ngõ thông thương, Quan Lạn có nhiều điều kiện để tiếp xúc với người Trung Quốc và nhiều nước khác. Qua đó tiếp thu được một số giống cây trồng mới như đậu, kê, ngô... và kỹ thuật canh tác như bón phân, sản xuất theo thời vụ, theo tiết âm lịch.. cùng một số nghề thủ công khác.
Trong kinh tế nông nghiệp, trồng trọt vẫn đóng vai trò chủ yếu. Cây trồng chính là lúa với phương thức gieo trồng theo mùa vụ căn bản giống trong nội đồng. Bên cạnh đó, còn trồng các loại hoa màu như ngô, khoai, đậu và các loại rau theo mùa. Nông nghiệp kém phát triển, sản phẩm tận thu trong trrồng trọt không có do đó chăn nuôi rất hạn chế.
Trước đây Quan Lạn có 50 mẫu ruộng được khai phá chưa lâu. Toàn bộ số ruộng đó là sở hữu tư nhân, trong đó có 20 mẫu thuộc sở hữu của 6 người. Con đường làm giàu của họ vẫn là phát canh thu tô và cho vay nặng lãi. Nét khác biệt của các địa chủ phát canh thu tô ở Quan Lạn là họ cho tá điền vay
không lấy lãi và giao trâu cho tá điền cày. Ruộng được giao cho tá điền trồng cấy trong một năm với số sản phẩm là 40 kg thóc trên một sào. Như vậy mức thu tô của địa chủ Quan Lạn là 40-50%. Chỉ có điều người tá điền phải dùng toàn bộ số thóc để nộp tô, còn bản thân họ chỉ được hưởng số khoai. Đây cũng là nét đặc trưng của làng đảo, ít ruộng và nguồn thóc gạo hiếm hoi. Nhìn chung việc các chủ ruộng ở Quan Lạn cho tá điền lĩnh canh trong thời hạn ít nhất là một năm và có phần nhân nhượng họ (như việc cho vay giống không lãi, cấp sức kéo cho họ) là do ở đây ruộng đất không phải là nguồn sống duy nhất của dân cư. Làm ruộng chỉ là thứ nghề phụ bên cạnh nhiều nghề chính như vận tải biển, khai thác lâm hải sản. Do vậy sự nới rộng của các chủ ruộng là biện pháp để cột người dân vào ruộng đất. Nhìn chung quan hệ địa chủ tá điền không mâu thuẫn gay gắt như ở nội đồng và cũng chưa phát triển đến mức trở thành không thể điều hoà được trong cộng đồng làng xã mà phải nhường chỗ cho mối quan hệ giữa chủ thuyền và bạn thuyền trong nghề vận tải và nghề đánh bắt cá; giữa người đào sá sùng và người buôn sá sùng; giữa chủ khai thác gỗ và người làm thuê trong nghề này.