Một số lễ tết và lễ hội trong năm

Một phần của tài liệu Văn hoá đảo quan lạn huyện vân đồn tỉnh quảng ninh trong lịch sử (Trang 51 - 57)

Nếu như hoạt động nông nghiệp lúa nước mang tính thời vụ cao, thời gian nông nhàn kéo dài và liên tục nên cư dân nông nghiệp có nhiều lễ tết hội hè. Ngược lại, do khí hậu nhiệt đới cho phép khai thác vùng biển quanh năm và đặc trưng của nghề đánh bắt phụ thuộc vào con nước, nên thời gian rỗi trong ngư dân không nhiều và ít cố định vì vậy số lượng lễ tiết của ngư dân cũng ít hơn và đơn giản hơn.

- Tết Nguyên Đán là tết to nhất trong năm, vì nó kết thúc một năm âm lịch theo sự biến chuyển của thời tiết, “bốn mùa xuân lại đông qua”. Ở nhiều nơi Tết được bắt đầu bằng tết ông Táo, còn ở Quan Lạn ngư dân không ăn tết ông Táo. Chiều 30 Tết, các gia đình làm lễ đón gia tiên về ăn tết cùng con cháu. Mỗi gia đình làm từ 2 - 4 chiếc thuyền không mui bằng bẹ chuối. Trên mỗi thuyền cắm 6 lá cờ đuôi nheo bằng giấy xanh đỏ. Trên mặt thuyền trải một tờ giấy đỏ, đặt một dúm gạo, cắm ba nén hương, tổ chức cúng gia tiên tiễn biệt năm cũ, đón năm mới. Đến mùng 4 hoặc mùng 6, tuỳ từng gia đình làm lễ hoá vàng đưa tổ tiên về thế giới bên kia.

Sáng mồng 1 Tết, các gia đình làm lễ gia tiên. Sau bữa cơm đầu năm, mọi người đi chúc tết anh em họ tộc, xóm làng, bạn bè thân quen và đi lễ bái cầu lộc ở cửa đình, chùa, miếu, đền.

Trong ba ngày Tết, ngư dân có một số kiêng kị bắt buộc: Người có tang từ một năm trở lên cũng phải đi thăm hỏi chúc Tết những người cần thiết trong ngày 30 Tết, hầu hết ngư dân kiêng tiếp người có tang trong 3 ngày Tết. Không đánh mắng trẻ con, không nói tục, không to tiếng với nhau. Đặc biệt người dân chài tuân thủ nghiêm túc việc kiêng xin lửa, dầu, nước mắm, muối, không vay gạo vay tiền của nhau. Tục kiêng này cũng được thực hiện vào ngày đầu con nước.

- Ngư dân Quan Lạn không có tục ăn Tết mồng 3 tháng 3. Thay vào đó, tổ chức tảo mộ, giỗ tổ được tiến hành vào đầu tháng Chạp.

- Rằm tháng 7, rằm tháng 8, 10 - 10 ngư dân ít tổ chức ăn uống. Chỉ có

Tết 5 - 5 là được chú ý. Ngư dân đi hái các loại lá đun nấu uống nước để trừ “viêm nhiệt”, ăn các loại quả (mận, đào, lê) gọi là “giết sâu bọ”. Trẻ con nhuộm móng tay móng chân bằng lá đỏ từ đêm mồng 4. Sáng ngày mồng 5, trẻ con phải đeo phù - một vòng cổ gồm các hạt long não, hạt cườm luồn vào một sợi chỉ ngũ sắc, khoảng 9h sáng ra biển tắm trong khoảng một tiếng đồng hồ rồi thả phù cũ xuống biển về nhà đeo phù mới. Làm như vậy trẻ con sẽ không bị quỷ thần quấy rầy. [42, 8]

- Lễ hội cầu gió hay được gọi là lễ đăng quang, lễ thành tâm diễn ra vào ngày 14, 15 tháng 3 âm lịch, là một trong những lễ hội đặc trưng của ngư dân Quan Lạn.

Theo truyền thuyết trong ngư dân kể lại vào năm 1225 nhà Lý mất ngôi, chuyển sang nhà Trần. Trần Thủ Độ đã tìm mọi cách dùng thủ đoạn để tiêu diệt nhà Lý phòng hậu hoạ về sau. Để tránh nạn diệt thân, mong tìm đường khôi phục vương triều cũ, Lý Long Tường - một trong ba tam công của nhà Lý đã đem đồ tế cúng của tổ tiên và tuỳ tùng đến thương cảng Vân Đồn để ra nước ngoài.[423, 2]

Lúc này nhà Trần mới nắm quyền, một số vùng biên đảo xa xôi chưa thể quản lý hết trong đó có Vân Đồn. Hơn nữa, Vân Đồn lại la mảnh đất mang ân công của nhà Lý- triều đại đã lập ra thương cảng đẩu tiên của đất Việt ở nơi đây, đem lại cho mảnh đất này sự sầm uất. Do đó, Vân Đồn được coi là mảnh đất hết sức an toàn cho nhà Lý. Lý Long Tường đã cho người đóng thuyền theo kiều Nam Tống, treo cờ Nam Tống giăng buồm ra nước ngoài lánh nạn.

Lúc bấy giờ là tháng 3 âm lịch, theo quan niệm của ngư dân là tháng gió ma gió quỷ không thuận lợi cho việc ra khơi, vượt biển về phía Bắc. Để

đền đáp công ơn nhà Lý, ngư dân đã cùng nhau họp bàn, lập đền thờ để cầu gió Tây Nam, cầu đủ gió để căng buồm cho Lý Long Tường đi phương Bắc an toàn.

Cứ mỗi năm, đến ngày tổ chức lễ hội, ngư dân Quan Lạn lại đắp những ngôi sao to bằng đất như Thần Vũ, Nhật Định- những ngôi sao mang dấu hiệu của gió Tây Nam như mong muốn của ngư dân. Công việc này được làm vào ngày 14 tháng 3 âm lịch. Đảm đương công việc này là những trai tráng vạm vỡ, khỏe mạnh đại diện cho xóm, thôn trong vùng đất thương cảng Vân Đồn xưa. Tất cả mọi người cùng chung sức làm chung ngôi sao không có bất cứ sự phân chia nào. điều đó thể hiện sự biết ơn của cả cộng đồng ngư dân ở đây đối với nhà Lý.

Sáng ngày 15 tháng 3 âm lịch thì làm lễ tế. Người chủ trì lễ tế trước đây thường do các trưởng giáp tiến hành. Đàn tế lập quay về hướng Nam - nơi ngọn nguồn của cơn gió. Đặc biệt trong nghi lễ tế, có hình ảnh một người con gái vừa khóc, vừa đốt gạo đốt muối cầu xin trời đất sự bình an. Theo quan niệm của ngư dân, thì hình ảnh người con gái đó là mối tình của Lý Long Tường, khóc tiễn biệt lúc ông ra đi. Mối tình đấy gắn liền với giếng Hệu - giếng ngọc và nước mắt, nơi diễn ra sự chia li, cũng là nơi chứng kiến nỗi sầu khổ của cô gái.[42; 2]

Sau lễ tế và nghi thức xuất thuyền, là phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi diễn tả lại quá trình Lý Long Tường chuẩn bị cho sự ra đi phương Bắc của mình như thi ghép ván thuyền, thi giăng buồm nhanh...giữa các xóm, và các hoạt động văn nghệ khác cũng được tổ chức.

- Lễ hội Vân Đồn

Lễ hội truyền thống Vân Đồn có nguồn gốc từ hội làng của người dân đảo Quan Lạn. Lễ hội vừa để cầu mùa cho ngư dân vùng biển, vừa để kỉ niệm chiến thắng lừng lẫy trên sông Mang lịch sử năm 1288 đánh thắng giặc

Nguyên- Mông của danh tướng Trần Khánh Dư. Chiến thắng lừng lẫy đó diễn ra vào tháng 2 năm 1288 song lễ hội được tổ chức vào ngày 16 đến 18/6 âm lịch hàng năm. Vì ngư dân nơi đây lấy ngày vua ban thưởng sau khi trận Bạch Đằng kết thúc, là ngày kỉ niệm chiến thắng.

Xã đảo Quan Lạn có quần thể di tích, đình, chùa, miếu, nghè tồn tại rất lâu đời. Các di tích này gắn liền với lễ hội Vân Đồn, riêng ngôi đình là nơi trung tâm để tổ chức lễ hội và đua thuyền ở vùng biển trước cửa đình.

Theo các cụ già kể lại, hội làng trước kia bắt đầu từ ngày 10/6 âm lịch là ngày lễ khoá làng. Từ ngày hôm đó dân trong làng nội bất xuất ngoại bất nhập, không được đi hải sản và làm ăn ở xa. Còn người con đi xa quê hương và khách thập phương được vào làng dự lễ hội.

Tư ngày 11/6 âm lịch các giáp tổ chức cai đám cho các bé trai sinh ra từ hội năm ngoái đến hội năm nay. Mỗi bé trai phải có một lễ xôi gà trình ở miếu Đức ông. Sau đó về làng hưởng lộc.

Ngày 13/6 các giáp Đông Nam Văn, Đoài Bắc Võ tổ chức họp bàn đám trình làng, thống kê lại các xuất đinh của từng giáp. Mỗi xuất đinh phải chuẩn bị một ván xôi gà. Ông giáp chính trong năm phải chuẩn bị lễ vật: một con lợn nặng 80 kg, một mâm xôi gà có chiếc thủ lợn dâng lên cúng tại miếu Đức Ông. Sau khi nghi thức xong từng giáp, mời chức sắc trong làng đến thụ lộc.

Ngày 16/6 nhân dân, quân tướng của 2 giáp tập trung tại đình rước kiệu Long Đình về làng, rước bài vị của Trần Khánh Dư - được nhân dân tôn làm Thành Hoàng làng từ nghè về đình dự hội. Chủ tế dâng lên bàn thờ mẫu gồm: rượu, xôi, gà, hoa quả, vàng hương làm lễ cầu an cầu phúc cho dân làng. Khi làm lễ xong xin đài âm dương.

Ngày 17/6, tổ chức lễ hội và tế lễ truyền thống tại miếu họ Phạm.

Ngày 18/6 là ngày lễ hội chính. Từ 8h sáng hai bên giáp văn, giáp võ cả tướng sĩ xếp hàng chỉnh tề tiến về phía miếu Đức Ông. Tướng 2 giáp vào làm

lễ xin chân nhang, nhận thuyền rồng, binh khí, quần áo, lọng che và mái chèo. Sau đó đưa quân về trại bản doanh, làm lễ tân binh, sắp xếp vị trí trên chiến thuyền đua và nghệ thuật chiến lược đua để thắng, cho nghỉ ngơi bồi dưỡng quân tướng đủ sức chuẩn bị cho cuộc đua của 2 giáp vào buổi chiều.

Đến 15-16 giờ chiều khi nước thuỷ triều lên tới cửa đình, hai bên văn võ với trang phục quân tướng nghiêm trang chạy 3 vòng từ đại bản doanh ra miếu, từ miếu về đại bản doanh tượng trưng cho 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông. Tướng có lọng che, đầu độ mũ cánh chuồn, cầm kiếm trận. Quân lính bên võ mặc áo trắng quần xanh, chân quấn xà cạp xanh. Lính bên võ mặc quần áo xám hoặc đen, đầu chít khăn. Hai bên vác mái chèo chạy trong cờ giong, trống giục, gặp nhau tại miếu, sau đó xếp thành 4 hàng trước cửa miếu chuẩn bị nghi thức lễ hội.

Tuỳ theo con nước sớm hay muộn để nghi thức lễ hội sớm khai mạc. Sau nghi thức lễ hội chèo bơi truyền thống sẽ bắt đầu. Ông Công, hương trưởng cùng 2 tướng bên văn, bên võ vào miếu Đức Ông làm lễ xuất quân. Khi hiệu lệnh trống nổi lên, tướng quân 2 bên tiến về thuyền của mình, bơi diễu 3 lần tại vùng biển trước cửa đình, sau đó về chầu tại cửa đình làm nghi thức rao hịch trước khi vào cuộc đua.

Nghi thức rao hịch là nghi thức uy linh nhất trong hội chèo bơi của lễ hội Vân Đồn. Lời rao hịch của tướng bên văn bên võ khác nhau, do ban tổ chức phân công. Ví dụ bên văn nói: “ Bớ trai Vân Đồn ta kia, ở đây là non sông đất Việt nhé, sương nắng ngàn năm oai hùng nhé, ta đứng đây đất đảo anh hùng ôn lại chiến công oai hùng nhé.”

Bên võ nói: “ Núi Liễu Mai trống thúc quân reo nhé, sông Mang xưa nổi sóng cuồn cuộn...”[42, 1]

Lời rao và ngữ điệu của 2 bên văn võ thường khác nhau. Bên văn thường thể hiện chiều sâu lịch sử, ngữ điệu mềm mại. Ngược lại lời rao hịch của bên võ thường rắn chắc, rõ ràng và khoẻ khoắn.

Cũng có lúc lời rao hịch còn là tiếng nói tri ân tôn vinh công lao của những người đi trước: “bờ giáp Đông Nam Văn ta kia, năm nay có 12 tháng (năm nhuận thì có 13 tháng). Trên thì đông đám thờ thần ngũ vị đại vương nhé. Người đã cho dân làng ta sức khoẻ để trẻ già bình an, dân làng cường thịnh”. [32, tr107]

Dứt lời rao hịch, hai chiếc thuyền đua của 2 bên văn võ về điểm xuất phát. Thuyền đua là thuyền đi biển trọng tải 5 - 6 tấn rộng và sâu lòng, hạ buồm trang trí đầu vồng ở mũi thuyền chạy đua vòng 1,5 km, tại đích có 2 cây cờ hội và một dây vải đỏ căng ngang. Khi phát lệnh đua, thuyền của 2 giáp thi nhau phất cờ, đánh chiêng trống, tiếng còi, tiếng hò hét của tướng quân, tiếng mái chèo khua làm vang động cả vùng biển đảo Cái Làng.

Ngày 19/6 là ngày nghỉ ngơi của các tướng Giáp Văn, Giáp Võ, chuẩn bị lễ vật cho hôm sau và khao quân.

Ngày 20/6 là ngày làm lễ cầu bình yên cho tướng quân 2 bên. Họ chuẩn bị mâm cỗ, đưa thuyền rồng bằng giấy ra đình làm nghi thức tâm linh, rồi mang về cuối làng hoá vàng với mục đích dâng thuyền rồng cho quân tướng nhà Trần năm xưa.

Cuối cùng ngư dân làm lễ rước bài vị thành hoàng làng trở về nghè, kết thúc lễ hội.

Thông qua tiến trình lễ hội truyền thống Vân Đồn, ta thấy: đây là một lễ hội truyền thống diễn lại hình tượng một trận đánh vẻ vang trong lịch sử, có tình tiết, diễn biến, có tướng quân, có sự sắp xếp chiến lược giống như chiến trận năm xưa. Tất cả đều đậm chất lịch sử. Nó hoà quyện trong quan điểm tâm linh của ngư dân nơi đây, đó là truyền thống uống nước nhớ nguồn, đồng thời thể hiện sự cường tráng, tính cách phóng khoáng của những con người sống giữa biển đảo. Lễ hội không chỉ là sản phẩm tinh thần của riêng ngư dân Quan Lạn mà thu hút rất nhiều du khách thập phương đến tham dự.

Lễ hội Vân Đồn là lễ hội mang đậm hào khí Đông A, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, mang đặc trưng của ngư dân vùng biển, là dịp để tôn vinh văn hoá gắn liền với lịch sử, đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán và ý thức tâm linh dân Quan Lạn.

Do sự thăng trầm biến thiên của lịch sử, các lễ hội truyền thống của ngư dân Quan Lạn cũng có lúc bị gián đoạn mai một. Song hiện nay với sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp việc phục hồi và phát huy giá trị trong lễ hội của Quan Lạn được thực hiện với kết quả cao. Các lễ hội đặc biệt là lễ hội chèo bơi Quan Lạn được khôi phục với quy mô ngày càng lớn. Nó không chỉ là một hoạt động văn hoá cộng đồng của ngư dân, mà còn là nguồn lực to lớn góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Một phần của tài liệu Văn hoá đảo quan lạn huyện vân đồn tỉnh quảng ninh trong lịch sử (Trang 51 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)