y tế nông thôn:
3.2.4 Tăng cường hơn nữa việc thực hiện quản lý chi NSNN cho y tế
Mức đầu tư cho y tế, nâng cao tỷ trọng các nguồn tài chính công trong tổng chi tiêu y tế quốc gia, trong đó nguồn ngân sách từ ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Ðổi mới phân bổ ngân sách cho các mục tiêu ưu tiên và bảo đảm công bằng hơn giữa các vùng và các nhóm thu nhập; phát triển bảo hiểm y tế; thu hút các nguồn lực ngoài Nhà nước... Tăng tỷ trọng nguồn tài chính công (bao gồm ngân sách Nhà nước, nguồn vay nước ngoài, bảo hiểm xã hội) trong tổng chi tiêu y tế quốc gia để vượt mức 50% (theo WHO, tỷ trọng nguồn tài chính tư nếu chiếm quá 50% tổng chi tiêu y tế quốc gia thì được coi là tình trạng mất cân bằng của hệ thống y tế).
Đòi hỏi phải tăng cường quản lý chi NSNN cho sự nghiệp y tế trong cả ba khâu là lập dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN. Phải phát huy và củng cố những mặt đã làm được và những mặt chưa làm được trong việc quản lý chi trong ba khâu.
Trong khâu lập dự toán : Đòi hỏi Sở Y tế phải xây dựng được các định mức về chi tiêu sát với thực tế và được các đơn vị thống nhất áp dụng. Các đơn vị dự toán phải lập dự toán dựa vào những căn cứ theo quy định và Sở Y tế phải tổng hợp được chính xác kế hoạch thu chi của các đơn vị, kết hợp chặt chẽ với Sở Tài chính vật giá trong việc phân bổ dự toán để dự toán được xây dựng vừa khoa học, vừa mang tính thực tiễn cao. Dự toán phải được xây dựng rõ ràng, chi tiết theo chương, loại, khoản mục, tiểu mục và được lập đúng trình tự, phương pháp quy định.
Trong khâu cấp phát và kiểm tra, giám sát : Cần phải cấp phát đầy đủ, nhanh gọn, kịp thời nhưng phải tuân theo đúng nguyên tắc cấp phát. Với mô hình cấp phát hiện nay, bên cạnh những ưu điểm là đã góp phần tạo điều kiện đầu tư ngân sách cho hoạt động khám chữa bệnh một cách linh động và có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho Sở Y tế nắm được ngân sách của ngành mình, do đó, có kế hoạch kinh phí cho các hoạt động của ngành cũng như sắp xếp kinh phí cho các chương trình mục tiêu, thì vẫn tồn tại những nhược điểm : Trên thực tế, kinh phí của các bệnh viện vẫn chưa được đầy đủ, kinh phí cấp qua sở chủ quản còn có nhiều sự điều chuyển giữa các bệnh viện một cách chưa hợp lý. Việc kiểm tra, giám sát của Sở Tài chính chưa sát sao. Việc cấp phát kinh phí cơ quan ở cấp quận huyện phải tự cân đối ngân sách cấp mình đảm bảo nguồn kinh phí cho tất cả các ngành, đơn vị trên địa bàn. Cho nên trong những thời điểm ngân sách căng thẳng thì dẫn đến tình trạng cắt bớt ngân sách ngành này bù đắp cho ngành khác, kinh phí không được
đáp ứng kịp thời, dẫn đến sự hạn chế chất lượng của ngành. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý ngân sách theo ngành từ TW đến địa phương chưa đồng bộ, còn chắp vá, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tài chính đối với việc sử dụng kinh phí ở các đơn vị còn thiếu chặt chẽ, tiến hành chưa được thường xuyên, liên tục, chủ yếu tập trung vào lúc quyết toán nên chưa đánh giá chính xác hiệu quả quản lý sử dụng kinh phí ở các cơ sở y tế.
Để khắc phục những hạn chế này, có thể thay đổi mô quản lý cấp phát: Sở Tài chính vật giá trực tiếp cấp phát kinh phí cho các bệnh viện, trung tâm y tế (các đơn vị dự toán cấp II); Sở Y tế giữ vai trò chỉ đạo chuyên môn đối với các đơn vị này; Sở Y tế vẫn phối hợp cùng Sở Tài chính để kiểm tra tình hình sử dụng kinh phí của các đơn vị cơ sở bởi Sở Y tế là đơn vị nắm rõ nhất những hoạt động của ngành y tế trên từng địa bàn, từ đó giúp cơ quan tài chính có thể xác định được các dự toán chi của các đơn vị dự toán cấp II có đúng với định hướng phát triển của ngành y tế hay không. Đồng thời, trong quá trình sử dụng kinh phí, các đơn vị này có thực hiện đúng dự toán được giao hay không, chi có đảm bảo phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, phục vụ cho nghiệp vụ chuyên môn hay không.
Trong khâu quyết toán: Đòi hỏi các cơ quan đơn vị phải quyết toán theo số thực chi chứ không quyết toán theo số cấp phát. Việc quyết toán phải dựa vào dự toán và phải chi tiết tới mục và tiểu mục. Khi quyết toán đòi hỏi Sở tài chính khi xét duyệt quyết toán phải kiên quyết xuất toán những khoản chi không hợp lý, chưa có mục đích rõ ràng và có thể trừ vào hạng mức kinh phí của năm sau những khoản chi hợp lý, hợp lệ nhưng không được bố trí trong hạn mức kinh phí năm quyết toán. Trong khâu quyết toán đòi hỏi phải nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính hợp pháp của công tác thanh tra, kiểm toán, quyết toán. Số liệu kiểm toán, thanh tra phải được pháp luật và cơ quan nhà nước công nhận.