Y tế nông thôn
1.2.3. Đánh giá kết quả thu hút và sử dụng ODA trong NN&PTNT
1.2.3.1. Kết quả đạt được trong NN&PTNT
Việc thu hút và sử dụng ODA trong nông nghiệp và phát triển nông thôn thời gian qua về cơ bản phù hợp với định hướng và ưu tiên của Đảng và Nhà nước, tập trung cho hỗ trợ tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá.
Năm 1993, chúng ta đã nối lại quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế, đây là thắng lợi của chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong hoàn cảnh Việt Nam còn bị bao vây, cấm vận. Trong khi hơn 70% dân số nước ta sống ở nông thôn và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp việc thu hút hơn gần 3 tỷ USD cho lĩnh vực này trong giai đoạn 1993-2005 là đã góp phần cải thiện hạ tầng cơ sở nông thôn, phát triển nông nghiệp và nông thôn. Đây cũng là minh chứng về sự đồng tình của các nhà tài trợ với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế -xã hội của Đảng và Nhà nước. Các nhà tài trợ song phương và đa phương đã cung cấp một lượng ODA cam kết 3.316 tỷ USD trong đó có
2.467 tỷ USD là vốn vay, 0.849 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại. nguồn vốn này đã được sử dụng để phát triển nông nghiệp (39%), phát triển lâm nghiệp (33%), xây dựng thuỷ lợi (18%) và phát triển nông thôn tổng hợp (10%). Các dự án ODA đã có những tác động to lớn tới đời sống của người dân ở các vùng nông thôn:
Thứ nhất, nhờ có ODA, cơ sở hạ tầng nông thôn đã được cải thiện
đáng kể. Các dự án ODA đã trực tiếp hỗ trợ nhiều tỉnh xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt, phát triển lưới điện nông thôn, giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, trường học, trạm xá, bệnh viện.
Các dự án ODA đã giúp giao thông nông thôn trở nên tốt hơn. Những làng xã trước đây chưa có đường ô tô vào nay đã có đường rải nhựa với chất lượng tốt (có 85% số xã thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực duyên hải miền Trung, miền núi phía Bắc… đã có đường tới trung tâm xã). Các dự án giao thông nông thôn đã giúp cải tạo và nâng cấp 4771.5 km đường bộ trong đó có 4422.6 km đường cấp huyện và 348.9 km đường cấp xã, xây dựng 281 cây cầu với tổng chiều dài 9694m (hầu hết những cầu này đều xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép). Trong đó, WB đã giúp nâng cấp khoảng 300 km đường liên tỉnh và đường nông thôn, 50km đường thuỷ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các tuyến đường giao thông nông thôn tới từng đơn vị nhỏ (cấp xã) đã giúp giaolưu thương mại, văn hoá nội vùng và với các vùng khác thuận tiện hơn; người dân có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ thương mại, y tế, …
Về điện có số hộ nông dân được dùng điện là 85.3% và khoảng 90% tổng số xã thuộc các khu vực như đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Tại 32 tỉnh nghèo nhất nước, thông qua dự án ODA do WB tài trợ đã có 2 triệu người đã được sử dụng điện.
Thông qua các dự án ODA người dân đã được cung cấp nước sạch, nhất là những người dân ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Các dự án này đã góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, việc tiếp cận nước sạch cũng là một yếu tố làm giảm những dịch bệnh trong dân cư. Bên cạnh đó, các dự án thoát nước và xử lý nước thải cũng góp phần cải thiện môi trường nông thôn.
Thứ hai, sức khoẻ cộng đồng của người dân ở nông thôn được chú
trọng, tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận với các dịch vụ y tế được nâng cao. Các dự án y tế cũng đã cung cấp những loại thuốc chủ chốt cho các trung tâm y tế; đào tạo cho 22000 lượt cán bộ y tế đặc biệt là nhân viên y tế của hơn 2800 xã và 180 huyện ở 18 tỉnh nghèo nhất của Việt Nam; xây dựng và nâng cấp 15 trung tâm chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình, 137 phòng khám sản và phẫu thuật của các bệnh viện tuyến huyện, 2606 trung tâm y tế xã ở các vùng núi. Các chương trình y tế như phòng chống sốt rét, suy dinh dưỡng ở trẻ em, bệnh bướu cổ, tiêm chủng mở rộng, tăng cường trang thiết bị cho các trạm y tế tuyến huyện, xã đã đem lại những kết quả tốt.
Chương trình phòng chống sốt rét được triển khai tại các vùng trọng điểm về căn bệnh này với hơn 10 triệu người cần được bảo vệ và tập trung ưu
tiên 70% nguồn lực cho các vùng có nhiều người bị sốt rét nặng như miền Trung, Tây Nguyên, Bình Phước, Cà Mau,…
Chương trình phòng chống lao tiếp tục được triển khai trên phạm vi cả nước với 99.3% số xã, phường được bảo vệ; số người mắc bệnh đã giảm nhiều so với trước đây. Công tác tuyên truyền về phòng và chống bệnh lao đã được tiến hành trên toàn quốc và là chương trình hành động lớn của quốc gia nhằm xoá bỏ dịch bệnh này.
Vấn đề y tế quan trọng nữa là tiêm chủng và phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đã được triển khai trên 100% số xã, đặc biệt ưu tiên cho 1000 xã khó khăn, tiếp theo là 1993 xã nghèo do các tỉnh lựa chọn và cuối cùng là các xã còn lại. Bên cạnh đó, chương trình tiêm chủng đã được thực hiện cho hơn 90% trẻ em dưới 1 tuổi như tiêm vắc xin phòng lao, ho gà, bạch hầu, uốn ván, sởi, bại liệt; 98% trẻ em dưới 5 tuổi được uống vắc xin phòng bại liệt.
Ngoài ra còn có các chương trình chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, trợ giúp một phần viện phí với những bệnh nhân nghèo,…
Thứ ba, ODA đã tăng khả năng được tiếp cận với giáo dục ở nông thôn
đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và trẻ em dân tộc thiểu số. Hệ thống giáo dục đã có nhiều cải thiện, các lớp học kiên cố đã được xây dựng thay cho những lớp học tạm, một số vùng được cung cấp trang thiết bị giáo dục. Một số dự án của WB đã hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy tiểu học, dự án này đã cung cấp 70 triệu sách tiếng Việt và sách Toán cho các trường tiểu học ở khu vực nông
thôn và tạo điều kiện cho khoảng 350 nghìn học sinh ở những cộng đồng nghèo nhất được mượn sách giáo khoa miễn phí.
Tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các dự án đã cung cấp sách giáo khoa và dụng cụ giảng dạy cho 320 lớp học của trẻ em dân tộc thiểu số, giúp những trẻ em này có điều kiện được học bằng ngôn ngữ của mình.
Thứ tư, thông qua các dự án hỗ trợ tín dụng ODA người dân đã được
hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, góp phần xoá đói giảm nghèo. Cụ thể:
Hàng năm Chính Phủ Đức thông qua ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đã hỗ trợ cho 55000 lượt hộ gia đình ở các tỉnh miền núi phía Bắc khó khăn vay vốn để tổ chức, mở rộng sản xuất. Phần lớn trong số họ thoát được đói nghèo, nhiều gia đình trở thành hộ gia đình khá giả. Dự án hợp tác tài chính “ Quỹ tín dụng quay vòng xoá đói giảm nghèo” của Chính Phủ Đức tài trợ với mục tiêu cho các hộ gia đình đói nghèo ở 16 tỉnh trên địa bàn khu 4 cũ, miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng vay vốn tổ chức và mở rộng sản xuất theo hướng “ tự vượt, tự cứu”. Dự án được triển khai từ năm 1995 với tổng số vốn tài trợ 22 triệu DM và 110 tỷ VND. Kết quả dự án đã cho 156487 lượt hộ gia đình vay vốn sản xuất, kinh doanh với tổng doanh số cho vay 389480.52 triệu đồng. Dự án tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo tại vùng dự án đã triển khai. Dự án đã góp phần giảm bình quân 5%/năm hộ nghèo vay vốn dự án, 9.94% hộ vay vốn dự án có tiết kiệm. Như vậy, tỷ lệ nghèo đói nói chung đã giảm từ 50% năm 1993 xuống dưới 7% năm 2005 (theo tiêu chuẩn Việt Nam). Như vậy so
với mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ là giảm 50% tỷ lệ nghèo trong giai đoạn 1990-2015 thì Việt Nam đã hoàn thành sớm so với kế hoạch.
Dự án “Tài chính nông thôn” với tổng vốn vay 122 triệu USD của WB đã mang lại lợi ích cho gần một phần tư triệu hộ gia đình. Tỷ lệ người dân hoàn trả lại các khoản vay là 98% và với số tín dụng hoàn trả này được quay vòng cho các hộ gia đình khác thì tổng tiền vay của dự án đã lên tới gần 200 triệu USD. Một cuộc điều tra nhằm đánh giá kết quả của dự án đã cho thấy 99% số hộ gia đình vay vốn đã tăng được nguồn thu nhập của mình một cách đáng kể và 15% tổng số tiền của dự án dùng để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã mang lại 2950 công ăn việc làm mới cho người dân.
Thứ năm, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA đã trực tiếp tạo ra cơ sở
vật chất kỹ thuật cho công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ. Thông qua nhiều dự án ODA các công nghệ mới, kĩ năng, kinh nghiệm quản lý tiên tiến đã được chuyển giao như công nghệ làm cầu hiện đại, bảo vệ môi trường, chọn giống cây trồng vật nuôi, công nghệ chế biến nông sản…. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, sản xuất lương thực tăng dần theo các năm. Việc nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp ngoài việc cung cấp cho tiêu dùng trong nước còn xuất khẩu với khối lượng lớn như cà phê, gạo, hạt tiêu, cao su,…
Thứ sáu, các dự án ODA cũng đã góp phần nâng cao năng lực quản lý
của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trình độ chuyên môn và ngoại ngữ của các cán bộ quản lý đã có bước tiến bộ đáng kể. Nhiều cán bộ đã được
cử sang nước tài trợ để nâng cao trình độ, tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến của nước bạn.
1.2.3.2. Những tồn tại và nguyên nhân
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, việc thu hút và sử dụng ODA cho nông nghiệp và phát triển nông thôn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục:
1.2.3.2.1. Tốc độ giải ngân chậm
Mức vốn ODA mà các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam khá lớn nhưng trên thực tế số vốn được giải ngân rất nhỏ và tốc độ giải ngân chậm. Tốc độ giải ngân là điều kiện quyết định đến tiến độ thực hiện các chương trình, dự án. Ngược lại việc thực hiện dự án tốt cũng góp phần làm tăng tốc độ giải ngân. Có nhiều dự án đạt tỷ lệ giải ngân cao như dự án tăng cường xoá đói giảm nghèo thông qua đào tạo cán bộ xã hội do CIDA Canada tài trợ (100%), dự án hỗ trợ hoàn thiện và thực hiện chương trình quốc gia xoá đói giảm nghèo của UNDP (97%)… Tuy nhiên, nhìn chung tốc độ giải ngân các dự án trong nông nghiệp và phát triển nông thôn còn thấp, lượng ODA cam kết là 3316.35 triệu USD nhưng chỉ giải ngân được 1492.2 triệu USD.
Bảng 1.22: Một số dự án giải ngân chậm
Đơn vị: triệu USD
Năm
chính Mục tiêu
Khối lượng ban đầu
IDA Bị huỷ
Không giải ngân
Chênh lệch giữa giải ngân
thực tế và dự kiến (%)
1997 Cấp nước 98.61 31.28 16.31 51.9
1998 Bảo vệ rừng 21.5 17.77 75.9
2000 Giao thông nông thôn II 103.9 44.63 27 2000 Năng lượng nông thôn 150 78.48 46.7 2001 Cơ sở hạ tầng nông thôn
dựa vào cộng đồng
102.8 111.87 70.7
Nguồn: WB
Theo nghiên cứu của WB, ADB thì 80% mức giải ngân là do đóng góp của các dự án thuỷ lợi, trồng rừng và hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân về cơ bản mới chỉ đáp ứng được 70-80% yêu cầu giải ngân bình quân một năm của kì kế hoạch. Việc giải ngân chậm sẽ gây nhiều tổn thất lớn: chậm đưa công trình vào sử dụng gây lãng phí, thất thoát nguồn lực, công trình kém hiệu quả, làm giảm tính ưu đãi của nguồn vốn vay cũng như làm giảm lòng tin của các nhà tài trợ.
Nguyên nhân chính gây nên tình trạng giải ngân chậm là:
- Quy trình và thủ tục của Việt Nam và nhà tài trợ chưa hoà hợp, đặc biệt là từ hía Việt Nam, gây khó khăn cho quá trình thực hiện dự án và tạo tâm lý e ngại cho các nhà tài trợ. Bên cạnh đó, quy trình và thủ tục ODA của
một số nhà tài trợ cũng khá phức tạp, việc phê duyệt phải trải qua nhiều bước, nhà tài trợ cũng đưa ra nhiều điều kiện ràng buộc về kinh tế, chính trị. Mặc dù Chính Phủ Việt Nam đã có nhiều cố gắng để cải thiện môi trường pháp lý nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt về thủ tục từ khâu chuẩn bị dự án đến khâu thẩm định, phê duyệt dự án, các quy chế về đấu thầu, mua sắm, di dân… dẫn đến những vướng mắc làm chậm quá trình giải ngân.
- Hệ thống các văn bản pháp quy có liên quan tới quản lý việc sử dụng ODA chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ và có nhiều khác biệt so với các quy định của bên tài trợ. Việc thực hiện các văn bản pháp luật chưa nghiêm túc.
- Vốn đối ứng có nơi, có lúc thiếu hoặc bố trí không kịp thời, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Ví dụ, tỉnh Quảng Trị phải trực tiếp bố trí vốn đối ứng cho 16 dự án ODA với tổng số vốn đối ứng 248.193 tỷ đồng, nhưng đến 2005 mới bố trí được 72.3 tỷ đồng. Như vậy, nhu cầu vốn đối ứng tỉnh phải bố trí từ 2005-2009 là 175.893 tỷ đồng, bình quân mỗi năm vốn đối ứng khoảng 35 tỷ đồng. Với khả năng ngân sách, tỉnh không có điều kiện cân đối đủ vốn đối ứng nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án ODA.
- Chậm trễ trong công tác đấu thầu, tuyển chọn tư vấn do thủ tục tài chính đối với các dự án ODA còn nhiều bất cập, cơ chế tài chính trong nước đối với các dự án ODA trong cùng một lĩnh vực còn có sự khác nhau.
- Chưa có cơ chế để chuyển giao kinh nghiệm từ các cán bộ chuẩn bị dự án sang các cán bộ thực hiện dự án, chưa có những phương tiện mang tính
hệ thống để chia sẻ các bài học kinh nghiệm giữa các cơ quan thực hiện dự án và Ban quản lý dự án.
- Năng lực quản lý và triển khai của các Ban quản lý dự án và cơ quan thực hiện dự án còn thiếu tính chuyên nghiệp. Các hệ thống quản lý hiệu quả hoạt động dự án còn yếu, việc theo dõi và đánh giá thường chỉ tập trung vào kết quả đầu ra và được sử dụng như công cụ đánh giá sau khi dự án kết thúc chứ không phải là công cụ để quản lý và giám sát dự án nên vốn ODA từ các nhà tài trợ đến với người nông dân hoặc đến khi hoàn thành dự án thường bị thất thoát.
1.2.3.2.2. Chính sách, thể chế và tổ chức bộ máy quản lý
Việc thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA cần có quy hoạch tổng thể để làm căn cứ cụ thể hoá các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc huy động nguồn lực này hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên các văn bản pháp quy về thu hút và sử dụng ODA còn thiếu tính đồng bộ, nhất quán và minh bạch và chưa được thực hiện nghiêm chỉnh ở các cấp. Nghị định 17/2001/NĐ-CP ra đời thay thế cho Nghị định 87/1997/NĐ-CP rất được hoan nghênh, sau 5 năm triển khai