Y tế nông thôn
2.2.1.4. Tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án ODA
Kiểm tra, giám sát là khâu quan trọng không thể thiếu trong quá trình quản lý, sử dụng ODA. Việc kiểm tra, giám sát được thực hiện đầy đủ có tác dụng làm giảm thất thoát vốn và tình trạng tham nhũng, thực hiện tiết kiệm và tăng cường năng lực thực hiện dự án. Thông thường, đối với các dự án đầu tư bằng vốn vay, các nhà tài trợ thường yêu cầu Chính Phủ thuê chuyên gia, tư vấn phối hợp với đối tác và người hưởng lợi, tiến hành đánh giá, giám sát dự án. Nhưng công việc này chỉ được thực hiện trong giai đoạn thực hiện dự án chứ chưa được triển khai sau khi dự án hoàn thành. Trong thời gian tới, Chính Phủ cần quan tâm hơn tới công tác này ở giai đoạn sau của dự án để tăng tính
bền vững của dự án, tạo khả năng giải ngân nhanh và củng cố niềm tin của nhà tài trợ đối với Việt Nam.
Nhằm khắc phục các mặt hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát các dự án ODA cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Xây dựng căn cứ pháp lý để thiết lập hệ thống theo dõi thực hiện các dự án ODA từ Trung ương tới Ban quản lý dự án cho phù hợp với tình hình thực tế để kịp thời phát hiện các vấn đề vướng mắc phát sinh gây chậm trễ trong quá trình thực hiện dự án và đề xuất xử lý nhằm thúc đẩy việc giải ngân, tăng hiệu quả của các dự án ODA.
- Thiết lập hệ thống chỉ tiêu báo cáo ở các cấp tuỳ theo mức độ tổng hợp khác nhau từ Ban quản lý án lên đến Chính Phủ, thuận tiện cho người thực hiện nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu của báo cáo. Các báo cáo cần phải được tiến hành thường xuyên, phản ánh đúng tình hình thực hiện dự án. Riêng báo cáo quyết toán cần phải được kiểm toán cả nội bộ và độc lập để đảm bảo tính chính xác trước khi gửi đến các cơ quan chức năng thẩm tra và phê duyệt.
- Tạo môi trường để hình thành các trung tâm tư vấn, các viện nghiên cứu có tính chuyên môn cao về công tác đánh giá dự án.
- Để đảm bảo tính chính xác trong công tác kiểm tra, cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa công tác kiểm toán của Việt Nam bằng cách đào tạo cán bộ, học hỏi kinh nghiệm của chuyên gia nước ngoài, hoàn thiện cơ chế, quy trình trong công tác kiểm toán.
- Tăng cường công tác đào tạo và chuyên môn hoá các cán bộ quản lý ODA tại các ngành, các cấp, các Ban quản lý dự án. Những cán bộ này phải là người có kiến thức đầy đủ về ODA như: các loại hình viện trợ có thể vận động, chính sách và lợi ích của nhà tài trợ, kiến thức cơ bản về luật pháp quốc tế, trình độ ngoại ngữ, tin học. Bên cạnh đó cần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo bằng cách cử cán bộ đi đào tạo, tập huấn ở nước ngoài; mời các chuyên gia giảng dạy, hướng dẫn chuyển giao kĩ thuật công nghệ, tổ chức hội thảo, báo cáo chuyên đề; mở rộng lớp quản lý dự án ODA; khuyến khích hình thức đào tạo tự túc, đào tạo ngắn hạn, dài hạn tạo điều kiện cho các cá nhân và tập thể có nguyện vọng, khả năng đi học.
- Chính Phủ cần có những quy định để nâng cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng được hưởng lợi từ dự án, từ đó tăng cường giám sát tài chính thông qua giám sát cộng đồng, đảm bảo việc đầu tư vào dự án có hiệu quả, thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực tế của người được hưởng lợi.