II. Lý luận về Quản lý Nhà nước đối với công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
3. Các nhân tố Quản lý Nhà nước ảnh hưởng tới công tác đào tạo nguồn nhân lực.
3.2. Các chính sách về đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực là một trong những chính sách GD-ĐT nằm trong hệ thống các chính sách KT – XH của Nhà nước. Chính sách ĐTPTNNL là công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng NNL nhằm thực hiện các mục tiêu của Nhà nước về lĩnh vực này.
Có thể hiểu chính sách ĐTPTNNL là toàn thể các quan điểm, tư tưởng, mục tiêu, và giải pháp nhằm đào tạo một cách có hiệu quả NNL của đất nước.
* Vai trò của chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Đối tượng của GD – ĐT là con người – vốn quý nhất, nguồn nội lực cốt lõi đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước. Có thể nói GD-ĐT là quốc sách hàng đầu của mỗi quốc gia nhằm tạo ra một NNL có trí tuệ cao, có tay nghề thành thạo, có phẩm chất tốt đẹp, đáp ứng ở mức cao nhất những yêu cầu phát triển KT- XH của đất nươc.
Trong những thập kỷ qua, Đảng ta luôn coi trọng sự nghiệp GD – ĐT, chăm lo đến việc “trồng người” vì lợi ích “trăm năm” của đất nước. GD – ĐT là chiếc chìa khóa “thần kỳ” mở cửa cho đất nước đi vào thời kỳ CNH – HĐH, việc hoạch định và thực hiện chính sách GD-ĐT đúng đắn, cùng với các chính sách xã hội khác là tiền đề quyết định cho CNH – HĐH đất nước. Chính sách GD – ĐT NNL trực tiếp góp phần vào việc nâng cao dân trí, xây dựng và phát triển con người có văn hóa (Đức và tài), qua đó thực hiện mục tiêu trước mắt “xóa đói giảm nghèo” cũng như góp phần thực hiện mục tiêu cơ bản là sự tiến bộ, công bằng, văn minh cho con người trong xã hội.
* Định hướng ĐTPTNNL của Đảng ta
Văn kiện Đại hội lần thứ VIII đã xác định: cùng với khoa học và công nghệ, GD – ĐT phát triển NNL là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân
lực, bồi dưỡng nhân tài. Coi trọng cả ba mặt: mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Đổi mới hệ thống GD – ĐT chuyên nghiệp và đại học, kết hợp đào tạo với nghiên cứu, tạo NNL đủ khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến. Phát triển các hình thức đào tạo từ xa. Khuyến khích dạy nghề tại doanh nghiệp, phát triển đào tạo sau đại học, tăng số lượng đào tạo đại học và sau đại học ở nước ngoài và tại các trung tâm đào tạo quốc tế ở trong nước. Khuyến khích du học tự túc, giải quyết tốt mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng. Xây dựng đội ngũ trí thức đồng bộ về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hóa, văn nghệ, quản lý kinh tế, quản lý xã hội…Nhanh chóng đào tạo đội ngũ các nhà quản trị doanh nghiệp giỏi. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 10% hiện nay lên khoảng 22-25%.
Xác định rõ hơn mục tiêu, thiết kế, nội dung, chương trình, đổi mới phương pháp đào tạo. Từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương tiện hiện đại vào quá trình đào tạo, phát triển mạnh quá trình tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp. Ngăn chặn và xử lý nghiêm những tiêu cực trong giảng dạy, học tập, thi cử và cấp văn bằng chứng chỉ.
Tăng cường Quản lý Nhà nước đối với các loại hình đào tạo, nâng dần tỷ trọng chi ngân sách cho đào tạo; đồng thời thu hút nguồn đầu tư từ các cộng đồng, các giới trong và ngoài nước, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
* Hệ thống các quan điểm chỉ đạo về đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Đào tạo là sự nghiệp lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, có ý nghĩa quyết định đến tương lai của dân tộc và vị thế của đất nước. Tư tưởng chỉ đạo chính sách ĐTPTNNL hiện nay của Nhà nước ta là:
- Đào tạo NNL nhằm cung cấp, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động giúp người lao động có thể thực hiện có hiệu quả hơn các chức năng, nhiệm vụ của mình.
- Thực sự coi đào tạo là quốc sách hàng đầu, cùng với KH – CN, đào tạo NNL là yếu tố quyết định góp phần vào tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội. Tăng cường ngân sách cho đào tạo, nâng cao chất lượng công tác đào tạo.
- Bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp về đào tạo, tăng cường Quản lý Nhà nước đối với hoạt động đào tạo, cần mở rộng quy mô hình thức và động viên mọi người tham gia quá trình đào tạo và tự đào tạo. Thực hiện xã hội hóa hoạt động GD – ĐT, trong đó các trường công lập giữ vai trò nòng cốt.
- Trong nền KTTT, đặc biệt quan trọng là xử lý tốt mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng. Đào tạo theo nhu cầu xã hội để đáp ứng các đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới đất nước và những người đã qua đào tạo phải được sử dụng, tạo điều kiện để phát huy tất cả những gì mà họ có thể có được trong quá trình đào tạo.
* Mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực:
Là trang bị kiến thức về lý luận chính trị, kiến thức, kỹ năng QLNN, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức ngoại ngữ, tin học và các kiến thức bổ trợ khác nhằm xây dựng đội ngũ người lao động thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp, bộ máy Nhà nước.
* Một số giải pháp cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực:
- Biện pháp Quản lý đào tạo NNL thông qua ban hành và thực thi một hệ thống văn bản pháp luật.
- Biện pháp về xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình phát triển đào tạo NNL.
Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân lao động ở trong nước và tổ chức thực hiện theo kế hoạch hàng năm.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc cử NLĐ đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn tài trợ khác.
Quy định các chương trình, kiểm tra, việc cấp chứng chỉ trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng NNL.
Tổ chức các hoạt động thi đua và khen thưởng, kỷ luật. - Tăng cường đầu tư cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Ngân sách Quốc gia là nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho ĐTPTNNL. Nhà nước tìm cách tăng tỷ trọng chi cho ĐTNNL trong ngân sách.
Đồng thời, Nhà nước huy động các nguồn đầu tư khác: trong dân, viện trợ quốc tế, vay vốn nước ngoài để phát triển đào tạo.
- Xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Xây dựng hệ thống tiêu chí kiểm tra, đánh giá về chất lượng công tác đào tạo làm cơ sở thống nhất xem xét, đánh giá về hiệu quả của các cơ sở đào tạo.
Nghiên cứu, xây dựng chuẩn hóa các loại văn bằng, chứng chỉ về đào tạo, bồi dưỡng NNL để thống nhất quản lý.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến hệ thống giám sát, đánh giá.
Tiến hành thí điểm giám sát đánh giá, trên cơ sở đó hoàn thiện hệ thống kiểm tra đánh giá và tổ chức ban hành thực hiện.
- Tổ chức bộ máy Quản lý Nhà nước và hoàn thiện cơ chế quản lý của Nhà nước về đào tạo.
Các chính sách về ĐTPTNNL như là: chính sách đào tạo đối với người được đào tạo, chính sách đào tạo đối với cơ sở đào tạo; và các chính sách liên quan như chính sách tài chính tiền tệ, chính sách học phí, chính sách học bổng, chính sách về mặt bằng, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài…