Các cấu hình đa kênh tỏ ra rất hiệu quả trong các môi trường có mật độ các nút vô tuyến cao hoạt động trong cùng một vùng. Nếu một vùng phủ sóng nào đó của mạng WLAN có nhiều nút hơn và cần băng thông bổ sung thì một điểm truy nhập thứ hai hoạt động ở một kênh tần số khác sẽ được thêm vào nhờ vậy sẽ gấp đôi được băng thông khả dụng. Hoạt động đa kênh cũng cho phép các điểm truy nhập phục vụ các nút yêu cầu tốc độ cao và chỉ có thể áp dụng cho các LAN vô tuyến. Nhờ cấu hình các điểm truy nhập khác nhau với các kênh tần số khác nhau mà truyền dẫn trong một vùng phủ sóng vô tuyến được cách ly với các truyền dẫn khác. Như vậy sẽ giảm được nhiễu qua lại và tần suất trì hoãn thông tin của các nút. Đối với một hệ thống đơn kênh, các nút trong vùng bóng mờ (shaded region- Hình 3.6) chia sẻ môi trường chung. Có nghĩa là nếu một nút trong vùng này phát tín hiệu thì tất cả các nút khác phải hoãn quá trình truyền dẫn của chúng. Bằng việc ấn định mỗi điểm truy nhập cho một kênh khác nhau, tắc nghẽn trong vùng được giảm xuống bởi vì tải lưu lượng được trải rộng ra giữa 2 điểm truy nhập. Các mạng độc lập không hỗ trợ hoạt động đa kênh.
Hoạt động đa kênh cũng có thể được áp dụng cho cầu nối vô tuyến. Khi một kênh tần số khác được dùng cho cầu vô tuyến thì nó sẽ không gây nhiễu lên hoạt động của điểm truy nhập thông thường. Nhờ vậy cho phép mở rộng phạm vi hoạt động của mạng WLAN mà không cần một mạng đường trục hữu tuyến. Một số mạng WLAN cần 1 điểm truy nhập riêng biệt để làm cầu nối vô tuyến trong khi các mạng khác cần các anten định hướng ngoài trời.
Hình 3.6 - Hoạt động đa kênh