Dự án xây dựng hệ thống cấp nước được thực thi trên một địa bàn rộng lớn. Khu vực xây dựng trạm bơm nước thô và nhà máy xử lý nước là khu vực ngoại thành của tỉnh. Tại đây đất đai hầu hết là đất gò đồi, một số nơi là đất nông nghiệp, mật độ dân cư thấp, các công trình xây dựng ít. Các tuyến giao thông còn là đường đất đỏ, cầu cống hầu hết là cầu sắt hoặc cầu gỗ dựng tạm. Tuyến ống chuyển tải nước sạch vừa đi qua khu vực ngoại thành và nội thành có mật độ dân cư cao, mạng lưới giao thông nhiều, các công trình xây dựng cũng dày đặc vì thế việc thi công xây lắp cần có kế hoạch rất chi tiết và phải có sự phối hợp đồng bộ giữa rất nhiều cơ quan như giao thông, điện, cấp thoát nước.
Đối với hệ sinh thái vùng hồ nơi được chọn làm nguồn nước, thành phần thuỷ sinh hạ lưu sông và sự phân bố của chúng phù hợp với đặc tính sinh thái cảnh quan của vùng sông có rừng ngập mặn điển hình. Các loại thuỷ sinh luôn di chuyển dọc sông không theo mùa để phù hợp với đặc điểm sinh thái, liên quan chặt chẽ với đặc tính cảnh quan, thảm thực vật, chế độ thuỷ học, nền đáy và sự thích ứng loài. Sự có mặt của nhà máy nước không làm xáo trộn tập quán này và không làm thay đổi nhiều đến việc phát triển của hệ sinh thái vùng do không làm thay đổi điều kiện môi trường.
Đối với hệ sinh thái cạn, vùng đất xây dựng trạm bơm nước thô, nhà máy nước và hệ thống đường ống của dự án cấp nước hiện là khu đất đang trồng cây nông nghiệp và cây công nghiệp. Trong vùng dự án không có loài chim thú quý hiếm nào sinh sống nên hệ sinh thái tự nhiên thực sự không bị ảnh hưởng lớn khi thực hiện dự án.
Về tiếng ồn và khói bụi: các trạm bơm cung cấp nước sạch cho hệ thống đều sử dụng động cơ điện nên không xả các chất thải như bụi khói, gây ô nhiễm môi trường
không khí. Về tiếng ồn, các loại máy bơm đều được sản xuất theo công nghệ mới, khi thiết kế đều có hệ thống chống rung để hạn chế tiếng ồn. Hơn nữa, các trạm bơm này đều ở cách xa khu dân cư hoặc các công trình khác nên không gây ô nhiễm về tiếng ồn.
Xử lý chất thải: trong dây truyền công nghệ có hai hạng mục sẽ xảy ra chất thải trong quá trình xử lý là bể lắng trong và bể lọc nhanh. Các bể khác lượng xả không đáng kể. Lượng cặn bùn xả ra từ bể lắng và bể lọc chủ yếu là lượng cặn không tan có trong nguồn nước thô của con sông tạo nguồn, bị giữ lại trong quá trình xử lý làm trong và khử màu nước. Tất cả các loại cặn này đều không phải là chất độc hại nguy hiểm. Tuy nhiên để tránh gây ô nhiễm, hỗn hợp bùn này cũng sẽ được xử lý.
Hoá chất dùng để xử lý nước là vôi, phèn, clo. Clo là chất dộc hại với sức khoẻ con người nếu hàm lượng vượt qua mức cho phép. Vì vậy khi công nhân vận hành hệ thống phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về an toàn lao động.
Tác động của việc thi công xây dựng đối với môi trường: việc thi công xây dựng nhà máy với khối lượng vật liệu rất lớn phải chuyên chở đến công trường sẽ gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề giao thông và môi trường trong khu vực. Vì đây là vùng có nhiều con đường đất đỏ nên chắc chắn sẽ làm nồng độ bụi tăng lên. Tuy nhiên do là vùng nông thôn dân cư thưa thớt và có thảm cây xanh che phủ nên tác hại của chúng không lớn. Trong quá trình thi công cũng sẽ phải đào rãnh đặt ống, phải giải toả một số công trình xây dựng, nhà cửa của nhân dân và đào bới mặt đường, ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt chung của xã hội tại khu vực thi công, đồng thời gây tiếng ồn và làm cho nồng độ bụi trong không khí tăng lên. Để hạn chế tác động xấu, dự án đã có kế hoạch thi công hợp lý, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giao thông, thi công dứt điểm từng đoạn, không tràn lan kéo dài, sau đó phục hồi ngay mặt đường và lề đường theo nguyên dạng ban đầu. Tóm lại việc thi công xây dựng hệ thống cấp nước sẽ ảnh hưởng đến môi trường như mọi công trình xây dựng. Tuy nhiên sự ảnh hưởng này chủ yếu là tạm thời trong quá trình thi công mà không phải là vĩnh viễn.
Như vậy, trong quá trình thực hiện dự án sẽ có một số tác động đến môi trường.
Tuy nhiên sau khi thi công thì các tác động đó hầu như không còn nữa. Đơn vị chủ đầu tư sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp hạn chế những tác động gây hại và xử lý ô nhiễm, đồng thời đào tạo cán bộ quản lý vận hành, giám sát hiệu quả xử lý và điều
chỉnh các chỉ tiêu môi trường đầu ra đạt tiêu chuẩn quy định. Tóm lại khi dự án thực thi sẽ có tác động tích cực và hiệu quả đối với môi trường sống của con người và toàn xã hội.
2.2.6.Thẩm định về kỹ thuật, vận hành bảo dưỡng:
Phạm vi của các công trình xây dựng gồm có Trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô, nhà máy nước, đường dây cao thế và trạm biến thế điện, tuyến ống nước lọc, các tuyến ống phân phối. Công trường được chia thành 3 khu vực thi công chính. Các vấn đề an toàn của công trường được thảo luận với các nhà thầu phụ và hướng dẫn về các quy trình an toàn sẽ được đưa ra trước khi công trình khởi công. Công trình được thi công theo trình tự: đóng cọc và đào đất, kết cấu công trình, lắp đặt thiết bị , hoàn thiện công trình, kiểm tra và vận hành thử, hoàn tất xây dựng và bàn giao. Nhìn chung tất cả các thông số kỹ thuật, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị sử dụng đã được tính toán và dự tính kỹ thông qua các chỉ tiêu kỹ thuật, các bản vẽ kỹ thuật chuyên ngành.
Công ty BOT có nghĩa vụ về công tác điều hành và bảo trì các công trình xây dựng nhằm:
+ Đảm bảo cho nước lọc đạt tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu theo quy định trong hợp đồng BOT và hợp đồng bán sỉ, cũng là tiêu chuẩn của WHO dành cho nước uống.
+ Đảm bảo khối lượng nước lọc đã ký hợp đồng
+ Đảm bảo việc cung cấp khối lượng nước lọc đã ký hợp đồng không bị gián đoạn do các hỏng hóc về máy móc hay quy trình
+ Duy trì tiêu chuẩn cao cho kết quả thực hiện bằng cách sử dụng các kỹ thuật quản lý chất lượng thích hợp.
Chương trình bảo trì bao gồm các hạng mục chính về máy móc thiết bị như các bơm, biến thế, các công tắc và thiết bị cách điện, thiết bị điều khiển…Các máy móc khác được giữ gìn trên cùng một cơ sở theo yêu cầu cần thiết được chứng minh qua sự phân tích thiết yếu, độ tin cậy và qua kinh nghiệm điều hành. Những hạng mục nhỏ và ít quan trọng hơn sẽ được giải quyết trên cơ sở sửa chữa thay thế. Một kế
hoạch bảo trì sẽ được soạn thảo, điều chỉnh trên cơ sở kết quả thực hiện của việc theo dõi điều kiện thực tế.
2.2.7.Thẩm định về tính hợp lý của hợp đồng BOT
Hợp đồng BOT là nội dung được thẩm định rất kỹ lưỡng trong các dự án BOT. Xem xét tính đúng đắn, hợp lý của từng điều khoản trong hợp đồng là việc hết sức quan trọng đảm bảo cho lợi ích chính đáng của phía Việt Nam và tránh được các sai sót dẫn đến thiệt hại trong quá trình tiếp nhận và thực hiện dự án. (Đối với các hình thức dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài khác, tài liệu thẩm định sẽ là các hợp đồng tương ứng. Ví dụ: đối với hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh là hợp đồng hợp tác kinh doanh; đối với hình thức doanh nghiệp liên doanh là điều lệ doanh nghiệp liên doanh; đối với hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là điều lệ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. )
Các điều khoản trong hợp đồng được xem xét cân nhắc cả về nội dung và câu chữ. Nội dung cần đảm bảo phù hợp về mặt pháp lý và các lợi ích của phía Việt Nam. Các cân nhắc về câu chữ nhằm đảm bảo tính rõ ràng minh bạch của từng điều khoản, tránh trường hợp được hiểu theo nhiều nghĩa tạo cho bên nước ngoài những lý lẽ chèn ép gây thiệt hại đến lợi ích của phía Việt Nam. Các điều khoản cụ thể được thẩm định trong dự án bao gồm:
Phạm vi dự án BOT: các phương tiện và công trình, các tuyến ống nước sạch, các điều kiện bảo đảm.
Tài trợ dự án: vốn đầu tư (vốn pháp định, vốn vay).
Thời hạn hợp đồng: gồm các quy định về tổng thời gian của dự án, ngày hiệu lực của hợp đồng, ngày hiệu lực để hoạt động, thời hạn BOT.
Thành lập công ty BOT: tên, địa chỉ, quyền, nghĩa vụ của công ty BOT
Giải toả và đền bù đất đai: nghĩa vụ của nhà nước Việt Nam và bên nước ngoài, mốc thanh toán, giải toả đất đai và bảo đảm của ngân hàng.
Quyền sử dụng đất và thông hành địa dịch.
Thời hạn xây dựng: các cam kết và gia hạn thời hạn xây dựng.
Các chức năng trong thời hạn xây dựng của công ty BOT.
Vận hành và thử nghiệm: về xác định mức công suất, người chứng nhận thử nghiệm, việc đạt công suất hợp đồng.
Các chức năng trong thời kỳ hoạt động của công ty BOT: chức năng tổng quát, kế hoạch hàng năm, huấn luyện và chuyển giao công nghệ.
Các chức năng trong thời hạn hoạt động của UBND.
Các quy định về giá biểu và hoá đơn.
Điều khoản thanh toán.
Các quy định về biến đổi chủ yếu.
Hoàn cảnh thay đổi ngoài kiểm soát.
Chế độ thuế.
Trường hợp bất khả kháng và can thiệp của nhà nước.
Các quy định về bảo hiểm.
Các trách nhiệm của các bên.
Quy định về chấm dứt và bồi thường: chấm dứt bởi UBND trong thời hạn xây dựng/ trong thời hạn hoạt động, chấm dứt bởi công ty BOT trong thời hạn xây dựng/ trong thời hạn hoạt động, chấm dứt do trường hợp bất khả kháng; thủ tục chấm dứt, các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên khi chấm dứt.
Quyền sở hữu và quyền chuyển giao.
Luật áp dụng, giải quyết tranh chấp và trọng tài.
Quy định về bảo mật.
Quy định về chuyển nhượng.
Ngôn ngữ trong hợp đồng.
Ký kết hợp đồng.
Đánh giá thẩm định của dự án
Dự án cấp nước BOT đã được Chính phủ chấp thuận và thông qua. Tuy nhiên sau một quá trình thẩm định kỹ lưỡng dựa trên nghiên cứu khả thi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một số vấn đề còn tồn tại của dự án như sau:
1. Về vốn đầu tư: dự án có tổng vốn cố định 149325 triệu USD bao gồm nhà máy xử lý nước và đường ống truyền tải nước sạch. Con số này theo nhiều
chuyên gia là rất cao. Lãi suất vay dự kiến làm cơ sở cho việc tính toán vốn đầu tư và giá nước là 9,5%/năm cũng khá cao so với lãi suất thương mại phổ biến trên thị trường thế giới.
2. Về giá nước: trong nghiên cứu tiền khả thi được Thủ tướng Chính phủ thông qua, giá nước bình quân đưa vào mạng phân phối là 0,17USD/m3, giá nước này có thể nhà đầu tư chưa tính kỹ. Tuy nhiên với giá nước đề xuất trong hợp đồng BOT trung bình là 0,4122 USD/m3 là quá cao và quá xa so với đề xuất ban đầu.
Quá trình thẩm định toàn bộ hợp đồng BOT cho thấy, trong bất cứ trường hợp nào kể cả trường hợp bất khả kháng xảy ra, UBND tỉnh vẫn phải đảm bảo cho bên nước ngoài lợi ích cao như tỷ lệ nội hoàn IRR=17,5%, giá nước trung bình 0,4122 USD/m3. Ngoài ra, với lãi suất tín dụng danh nghĩa phổ biến trên thị trường thế giới ở mức 6-8%/năm, IRR của các dự án công nghiệp khác khoảng 12% (các dự án công nghiệp này thường có nhiều rủi ro do phải cạnh tranh cao, thị trường biến động) thì với dự án BOT này đã được đảm bảo bao tiêu sản phẩm, điều kiện đảm bảo IRR=17,5% để làm cơ sở tính giá nước là rất cao và bất hợp lý.
3. Bảo lưu tỷ giá ngoại tệ: theo hợp đồng BOT, quy định về thanh toán cho công ty BOT tiền nước bằng VND (gốc quy đổi từ USD) theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán và gửi vào ngân hàng Việt Nam. Khi đổi từ VND ra USD tại thời điểm rút tiền từ ngân hàng để sử dụng cho sản xuất hoặc chuyển ngoại tệ về nước, nếu có sự sai biệt về tỷ giá so với thời điểm gửi tiền vào, bên Việt Nam phải thanh toán cho công ty BOT khoản tiền thiếu hụt bằng USD đó. Trong mọi trường hợp phải đảm bảo cho công ty BOT có doanh thu bằng giá trị gốc USD do bên Việt Nam thanh toán không bị ảnh hưởng do tỷ giá thay đổi. Việc này không bình đẳng với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài khác đầu tư vào Việt Nam và không phù hợp với các quy định của Việt Nam. 4. Hoàn cảnh thay đổi ngoài kiểm soát: Nhà đầu tư yêu cầu được hoàn toàn bảo
vệ khỏi các ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của Hoàn cảnh thay đổi ngoài kiểm soát. Nếu có sự gia tăng về chi phí vốn đầu tư và chi phí điều hành, UBND phải thanh toán toàn bộ chi phí phát sinh gia tăng, hoặc điều chỉnh đầy đủ vào các giá biểu thanh toán cho công ty BOT bằng việc tăng giá nước,
cho dù nhà đầu tư quản lý điều hành không tốt. Chấp nhận điều này tức là chấp nhận không điều kiện và việc xét hiệu quả dự án không còn ý nghĩa. 5. Các trách nhiệm: Trong hợp đồng, quy định các trách nhiệm của bên Việt
Nam là không có giới hạn liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến dự án này, bao gồm cả trách nhiệm về các hợp đồng mà nhà đầu tư ký với khách hàng. Còn bên nước ngoài chỉ có thể chịu trách nhiệm với giá trị không vượt quá 1 triệu USD cho một biến cố và không vượt quá 5 triệu USD/năm.
6. Nội dung chấm dứt và bồi thường:
+ Trong trường hợp chấm dứt do lỗi nghiêm trọng của công ty BOT trong thời gian xây dựng và thời gian hoạt động: UBND phải thanh toán chi phí cho phần đã đầu tư , phần lãi tích luỹ, chi phí phá vỡ hợp đồng, vốn pháp định thực góp…
+ Chấm dứt trong trường hợp bất khả kháng trong thời gian xây dựng và thời gian hoạt động: ngoài khoản tiền phải trả như nêu trên, UBND còn phải thanh toán mọi chi phí chấm dứt của công ty BOT. Các chi phí này có thể rất lớn.
+ Chấm dứt do lỗi của bên Việt Nam trong thời gian xây dựng và thời gian hoạt động: bên Việt Nam phải bồi hoàn các chi phí mà nhà đầu tư đã bỏ ra, ngoài ra còn phải chịu thêm khoản tiền phạt.
Những điều kiện chấm dứt và bồi thường trên dẫn tới bên Việt Nam phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhà đầu tư với tất cả các bất lợi. Nhà đầu tư có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, cũng có thể thu được khoản lợi lớn, còn nhà nước chịu mọi rủi ro.
7. Chuyển nhượng: công ty BOT yêu cầu được phép chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp Giấy phép đầu tư, Hợp đồng dự án và các đảm bảo của Chính phủ… là không phù hợp.
Như vậy quá trình thẩm định cho thấy dự án còn rất nhiều vấn đề phải có kết luận về nguyên tắc và cần được sửa đổi trước khi có thể đưa ra quyết định đầu tư