II. Từ khi có Luật Khuyến khích đầu tư trong nước đến nay
2. Những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Luật KKĐTTN giai đoạn thực hiện Nghị định số 29/CP
2.2. Về nội dung ưu đãi đầu tư của Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Nghị định 29/CP
nước và Nghị định 29/CP
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nội dung ưu đãi của Luật KKĐTTN và Nghị định 29/CP thấp hơn nhiều so với các nội dung tương ứng của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Do đó những doanh nghiệp trong nước cùng ngành hàng bị thua thiệt hơn so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ đơn cử chính sách về thế sẽ thấy rõ sự chênh lệch này.
Đối với thuế lợi tức (thuế thu nhập doanh nghiệp), thuế suất cho đầu tư trong nước có 3 mức: 25%, 35%, 45%, trong khi đó cả thuế lợi tức và thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho đầu tư nước ngoài đều có 4 mức: 10%, 15%, 20% và 25%, tức là mức thuế tối đa cho hoạt động đầu tư nước ngoài chỉ bằng mức thuế tối thiểu đối với hoạt động đầu tư trong nước. Không chỉ có vậy, chế độ miễn giảm thuế cũng có sự khác biệt lớn. Hoạt động đầu tư trong nước được miễn tối đa là 4 năm và giảm 50% trong thời gian tối đa là 9 năm tiếp theo còn hoạt động đầu tư nước ngoài được miễn thuế tối đa là 8 năm kể từ khi kinh doanh có lãi. Ngoài ra hoạt động đầu tư trong nước còn phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung 25% trên phần thu nhập do lợi thế khách quan mang lại (Luật thuế thu nhập doanh nghiệp Điều 10 khoản 1).
Đối với thuế nhập khẩu, Luật đầu tư nước ngoài quy định chế độ miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất trong 5 năm cho các dự án đầu tư ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa (Nghị định 10 điều 10 khoản 3).
Cơ chế ưu đãi đối với các dự án của khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn có sự phân biệt đáng kể. Đối với đầu tư trong nước, khu vực này chưa được khuyến khích, động viên đúng lúc, chưa được hỗ trợ một cách thiết thực và hiệu quả. Đặc biệt trong triển khai thực hiện, do thói quen của các cơ quan quản lý, khoảng cách đó càng bị dãn ra. Điều này thể hiện qua thực tế cấp ưu đãi đầu tư vừa qua ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc như đã phân tích ở phần trên.
Luật KKĐTTN đã ban hành gần 3 năm, bên cạnh những nỗ lực bước đầu, thực tế cho thấy còn nhiều việc triển khai quá chậm và nguyên nhân chính là do các ách tắc trong khâu hướng dẫn thi hành. Do vậy còn tiếp tục thể chế hoá 7 biện pháp hỗ trợ đầu tư nêu ở Điều 7 chương II của Luật và phân công trách nhiệm từng cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các biện pháp chưa có hướng dẫn như: giao đất hoặc cho thuê đất, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp để cho thuê làm mặt bằng xây dựng phổ biến và chuyển giao công nghệ.
Trong nội dung ưu đãi về thuế, hiện đang áp dụng 5 loại (quy định tại các điều từ Điều 12 đến Điều 23 của Nghị định 29/CP): thuế doanh thu, thuế lợi tức, thuế nhập khẩu, thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, thuế thu nhập, nên xem xét bổ sung thêm các loại thuế: thuế tài nguyên, thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế trước bạ... để tăng thêm tính hấp dẫn và phù hợp với thực tế từng dự án cần khuyến khích.
Về mức độ khuyến khích sử dụng các nguồn lực. Luật KKĐTTN đã nói rất rõ mục đích của Luật là nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn, tài nguyên, lao động và các tiềm năng khác vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Mức độ khuyến khích đối với từng loại nguồn lực có thể khác nhau. Song đối với nguồn lực lao động cần dược khuyến khích hơn. Quy định hiện tại đang có bất hợp lý, cùng thu hút một nguồn lực lao động như nhau, nhưng dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi hơn là dự án đầu tư mở rộng; mức lao động thu hút tối thiểu quy định tại khoản 3 điều 15 của Nghị định 29/CP còn quá cao, ít dự án đầu tư có thể đạt được. Do đó cần giảm mức lao động tối thiểu quy định trong Nghị định 29/CP và quy định mức ưu đãi như nhau đối với mọi dự án được hưởng ưu đãi có thu hút số lao động như nhau.