4. Đặc điểm các cảnh quan đa dạng sinh học nông nghiệp chính
4.2.3 Thực tiễn quản lý
Các cánh đồng vùng cao thường được quản lý để giữ cho đa dạng sinh học thấp nhất có thể. Trọng tâm quản lý ở khu vực này là đảm bảo năng suất của một loại cây, hay đôi khi là năng suất của một số ít loại cây (nếu trồng xen canh) với việc phải loại bỏ hết những loại cây khác có thể cạnh tranh với cây trồng chính. Tuỳ theo khả năng của nguồn nước, các cánh đồng được trồng nhiều vụ liên tục, vụ sau nối tiếp ngay sau khi thu hoạch vụ trước.
Nhiều nông dân trồng lúa cũng trồng cả đỗ tương, rau và các loại cây hoa màu khác trên ruộng sau khi thu hoạch lúa, và tại các vùng khô hạn của vùng Bắc Bộ và Trung Bộ, người ta thường trồng kê như vụ thứ hai sau khi trồng ngô. Những vụ thứ hai này thường cần đến
lượng thuốc trừ sâu nhiều hơn so với lúa và ngô và tại những khu vực này thường có ít chim chóc hơn trừ một số ít loài thông thường có sức chịu đựng tốt. Thường thì nông dân sử dụng rất phổ biến các loại thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và phân hoá học trên các cánh đồng.
Làm đất trồng, gieo hạt và cấy có thể bằng tay hay bằng máy tuỳ theo loại cây. Tương tự, việc thu hoạch cũng có thể bằng tay hay bằng máy. Người ta hay đốt các phế thải hoa màu ngay sau khi thu hoạch, do khó khăn trong việc trộn lẫn chúng vào đất và do việc tin rằng đốt có thể làm giảm sâu hại cho vụ sau. Ngoài ra, nhiều nông dân còn chưa hiểu được đầy đủ những tác động có lợi của việc quản lý tốt các chất phế thải (phần bỏ đi của hoa màu) sau thu hoạch đối với chất lượng đất trồng trọt. Nếu không bị đốt, các chất phế thải sẽ nằm lại trên các cánh đồng cho tới khi làm đất vụ tiếp theo [Cho & Zoebisch, 2003].