Pháp luật của mỗi quốc gia được chia thành nhiều ngành luật khác nhau phụ thuộc vào quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh. Các ngành luật đó hình thành nên hai hệ thống là luật công (droit public) và luật tư (droit prive). Luật công bao gồm các ngành luật có đối tượng điều chỉnh là các quan hệ có một bên tham gia là nhà nước như luật hành chính, luật hình sự, luật thuế… Luật tư bao gồm các ngành luật mà ở đó không xuất hiện yếu tố quyền lực nhà nước thể hiện tính bình đẳng, thỏa thuận giữa các bên tham gia như luật dân sự, luật hôn nhân và gia đình, luật thương mại, luật lao động, luật bảo hiểm xã hội[28]…
Trong mỗi ngành luật lại được phân chia thành luật nội dung và luật hình thức. Luật nội dung điều chỉnh các quan hệ xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên dựa trên những sự kiện pháp lý nhất định được nhà nước quy định hoặc thừa nhận. Còn luật hình thức là ngành luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh, thay đổi, chấm dứt trong quá trình giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột giữa các bên thông qua một thủ tục tố tụng. Việc nhận thức luật tố tụng dân sự thuộc ngành luật công hay luật tư là hết sức khó khăn. Bởi lẽ, nếu đứng trên phương diện về mục đích của hoạt động này là cáo buộc những hành vi xâm phạm quyền lợi của các cá thể và bảo vệ quyền lợi của các cá thể mang quyền khác, bảo vệ quyền tư hữu thì luật tố tụng dân sự thuộc lĩnh vực luật tư và đây cũng là quan điểm của Bộ dân sự tố tụng năm 1807 của Pháp. Ngoài ra, nếu xét ở góc độ khác ở vị trí, vai trò của tòa án trong việc thụ lý, cách thức tiến hành tố tụng, thời gian, địa điểm, quá trình xét xử… thì Luật TTDS lại được xếp vào ngành luật công vì nó liên quan đến việc điều hành pháp luật của nhà nước, khi có tranh chấp xảy ra đòi hỏi phải có bàn tay quyền lực của nhà nước giải quyết. Nói tóm lại là không thể xếp luật tố tụng dân sự vào lĩnh vực công luật hay tư luật tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như quan điểm nghiên cứu tại Việt Nam hiện nay. Nhưng chỉ có một nhận định đúng là giữa luật nội dung và luật hình
thức luôn tồn tại sự thống nhất về bản chất bởi vai trò của các chủ thể tham gia trong quan hệ pháp luật đó.
Hiện nay, Việt Nam tồn tại ba thủ tục tố tụng là tố tụng hình sự (luật tố tụng hình sự), tố tụng hành chính (pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính) và tố tụng dân sự (bộ luật tố tụng dân sự). Luật tố tụng dân sự “bao gồm những quy phạm pháp luật điều chỉnh
các quan hệ phát sinh trong tố tụng dân sự để bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự nhanh chóng, đúng đắn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và lợi ích của nhà nước”[29]. Có một đặc điểm khác biệt giữa luật tố
tụng dân sự với các ngành luật tố tụng khác là luật tố tụng dân sự là một ngành luật hình thức của nhiều ngành luật nội dung khác nhau như luật dân sự, luật hôn nhân và gia đình, luật thương mại, luật lao động mà không như các ngành luật tố tụng khác khi mà đối tượng điều chỉnh chỉ là một ngành luật thống nhất. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, mặc dù là một ngành luật mang tính chất tổng hợp của nhiều luật nội dung khác nhau nhưng các luật nội dung này đều mang bản chất của luật tư – hệ thống tồn tại sự bình đẳng, thỏa thuận giữa các đương sự, không có sự tham gia của quyền lực nhà nước trong một bên tham gia tranh chấp, hoặc có một bên sử dụng quyền lực nhà nước (như hợp đồng mua bán tài sản có một bên là cơ quan nhà nước) nhưng quyền lực này không mang tính chi phối và ảnh hưởng đến bên chủ thể còn lại.
Bản chất của luật tư có thể có sự thỏa thuận giữa các bên tham gia (như hợp đồng) hoặc không có sự thỏa thuận giữa các bên tham gia (như bồi thường thiệt hại) nhưng có một điểm chung là nó luôn phát sinh từ chủ thể tham gia và hướng đến việc phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quan hệ nhất định giữa các bên tham gia. Khi sảy ra tranh chấp, xung đột và được giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự thì đối tượng đầu tiên được hướng đến là các đương sự bởi những đương sự trong tố tụng dân sự cũng chính là chủ thể của quan hệ pháp luật nội dung đang tranh chấp.
Chính vì là các chủ thể được hướng tới nên vai trò của đương sự trong hoạt động tố tụng dân sự là vấn đề quan trọng nhất và các chủ thể này không có gì khác khi thể hiện vai trò quan trọng của mình thông qua hoạt động chứng minh – hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích của chính bản thân họ. Đây là tiền đề lý luận quan trọng trong việc nhận định về vai trò quan trọng hàng đầu của đương sự trong hoạt động chứng minh nói riêng và trong tố tụng dân sự nói chung.