Cháu cố gắng đối xử công bằng với mọi người. Như thế chưa đủ sao?
Sống một cách chu đáo là việc của trái tim. Từ ân cần trong tiếng Nhật được ghép từ các chữ tượng hình: “người” và “quan tâm”. Vì thế, chu đáo là quan tâm đến người khác, là thông cảm với họ đặc biệt là khi họ đang phải vật lộn với buồn phiền, đau đớn và cô đơn. Những chữ tượng hình này cũng có nghĩa là “xuất sắc”. Một người chu đáo một cách chân thành, người hiểu được trái tim người khác, là một con người đặc biệt, một học viên danh giá của cuộc sống. Có được sự quan tâm như thế dành cho người khác là sống có nhân văn nhất. Đó là dấu hiệu của một nhân cách vượt trội.
Tuy nhiên, sống tử tế không giống như chu đáo. Chu đáo nghĩa là hành động dựa trên những cảm xúc tốt đẹp của bạn. Điều này đặc biệt đúng khi có sự bất công xuất hiện. Trên thực tế, chúng ta thể hiện sự yếu đuối bằng cách không hành động vào thời điểm quyết định.
Sống ân cần nghĩa là khi người khác càng khổ đau, hành vi của họ càng khó chịu, bạn càng thể hiện nhiều tình yêu dành cho họ hơn. Làm như vậy mang lại cho bạn can đảm để giúp đỡ người khác. Ân cần còn có nghĩa là nhận ra bản chất trong sự bất hạnh của người khác, cố gắng hiểu và chia sẻ sự khổ đau cùng họ. Điều này sẽ giúp bạn trưởng thành và đồng thời giúp người khác trở nên mạnh mẽ. Sự ân cần là rất thiết thực, nó rèn luyện chính chúng ta trong nghệ thuật an ủi người khác.
Điều quan trọng không chỉ là thông cảm hay thương hại người khác mà là hiểu được họ đang trải qua điều gì. Thấu cảm đóng vai trò quyết định. Đôi khi, có người hiểu được mình ở bên họ có thể mang lại cho họ sức mạnh để tiếp tục.
Nhiều người trân trọng sự ân cần ở người khác và cũng muốn tỏ ra chu đáo, nhưng đồng thời, lại không muốn liên quan quá sâu. Những người này hiểu nhầm ý nghĩa của việc sống ân cần, họ nghĩ rằng nó có nghĩa là giữ một khoảng cách an toàn với người khác để không làm tổn thương họ hoặc chính mình. Nhưng, ngược lại, ân cần có nghĩa là cho phép bản thân gần gũi với người khác, quý trọng phẩm giá của mỗi người.
Tôi nghĩ đến một vị thầy giáo tốt bụng, được các học trò của ông kính yêu vô cùng. Khi được hỏi về bước ngoặt quyết định trong đời mình, ông đã nói về một chuyện tình cờ từ thời thơ ấu. Một ngày mùa đông lạnh giá, một người mẹ và cô con gái, những người biểu diễn trên phố để xin ăn, tới nhà ông. Người mẹ chơi một nhạc cụ có dây và hát trong khi đứa con gái nhảy múa. Ngoài trời tuyết rơi nhẹ, và ông vừa từ cửa hàng trở về với một túi
bánh bao to. Ông ngồi ăn bánh trong khi xem họ biểu diễn. Khi bài hát kết thúc, ông vụng về đưa cho cô bé một nửa chiếc bánh bao ăn dở.
Nhìn thấy thế, cha ông chạy tới đầy tức giận và mắng ông. Người cha quay lại những người biểu diễn, cúi chào thật thấp và xin lỗi vì sự thiếu lịch sự của cậu con trai. Ông cũng nhất định bắt con trai mình cúi đầu xin lỗi. Sau khi đưa cho người mẹ và cô con gái một túi gạo nhỏ, ông lấy chỗ bánh còn lại của con trai mình và đưa cho cô bé.
Người cha muốn thể hiện với con trai ông rằng tất cả mọi người đều bình đẳng và xứng đáng được tôn trọng. Khi cậu bé lớn lên, cậu không bao giờ quên được bài học này và trở nên nổi tiếng vì lòng tốt của cậu dành cho người khác.
Đồng thời, tôi cũng nhớ tới người sáng lập ra tổ chức của chúng tôi, Tsunesaburo Makiguchi, người đã trở thành một vị hiệu trưởng đáng kính ở Tokyo. Khi ông còn là giáo viên dạy cấp 1 ở Hokkaido, trong suốt cơn bão tuyết, ông đã đi ra ngoài để đón học sinh khi chúng tới trường. Ông cũng có sẵn nước nóng trong phòng học để ngâm qua những bàn tay lạnh cóng của lũ trẻ, hỏi thăm chúng: “Con thấy thế nào? Có khá hơn không?”
Sau này, ông Makiguchi dạy ở một ngôi trường cho trẻ em nghèo. Thêm vào việc chăm lo cho 8 thành viên gia đình mình, trước khi rời nhà, ông còn chuẩn bị đồ ăn cho những học sinh đi học mà không có cơm trưa. Ông đặt những suất ăn trưa này ở một chỗ khuất nơi những đứa trẻ nghèo có thể lấy mà không thấy xấu hổ.
Khả năng từ bi của trái tim con người là vô cùng lớn. ---o0o---