QUAN TÂM ĐẾN MÔI TRƯỜNG

Một phần của tài liệu Duc-Phat-Trong-Ba-Lo-Daisaku-Ikeda (Trang 74 - 76)

Cháu rất quan tâm đến môi trường. Có phải con người đang tự hủy hoại môi trường sống của mình không ạ?

Đúng. Hủy hoại tự nhiên là hủy hoại loài người. Thiên nhiên là nhà của chúng ta. Tất cả sự sống trên hành tinh này, tất nhiên, bao gồm cả sự sống

của loài người, được sinh ra từ môi trường tự nhiên. Không phải nhờ ơn máy móc hay khoa học mà chúng ta tồn tại trên cõi đời này. Sự sống trên hành tinh này không phải từ nhân tạo mà ra. Chúng ta là những sản phẩm của tự nhiên.

Có rất nhiều thuyết về nguồn gốc loài người. Vài thuyết nói rằng những người đầu tiên xuất hiện ở châu Phi, thuyết khác lại nói rằng loài người xuất hiện ở vài nơi trên thế giới vào cùng một khoảng thời gian. Dù điều gì đúng đi nữa, không thể chối cãi rằng loài người được sinh ra từ thiên nhiên.

Vì thế, chúng ta càng tách mình ra khỏi tự nhiên, chúng ta càng trở nên mất cân bằng. Tương lai của chúng ta với tư cách là một loài sẽ rất khắc nghiệt trừ khi ta nhận ra được điều này.

Vấn đề của chúng ta không mới. Nhà triết học và cải cách xã hội người Pháp ở thế kỷ thứ 18 Jean Jacques Rousseau, tác giả cuốn Khế ước xã hội, đã kêu gọi quay về với tự nhiên. Văn minh, ngay cả vào thời của ông, đã trở nên quá cơ khí, quá phụ thuộc vào khoa học, quá tập trung vào lợi nhuận, bóp méo cuộc sống con người thành một thứ thật xấu xí. Rousseau phản đối sự phát triển bất hợp lý này.

Quả thực, tất cả chúng ta đều muốn được khỏe mạnh. Vì lý do đó, chúng ta muốn hít thở không khí trong lành, được nhìn thấy hoa và cây cỏ tươi đẹp. Chúng ta hướng về tự nhiên vì điều đó, cũng giống như một bông hoa hướng dương hướng về mặt trời. Chúng ta phải nhận ra rằng bất kỳ hành động nào phủ nhận thiên hướng này cũng là một sai lầm trầm trọng. Tất cả tiền trên thế giới không mua được bầu trời xanh. Mặt trời và ngọn gió thuộc về tất cả mọi người.

Không ai phản đối rằng khoa học đã cải thiện cuộc sống của chúng ta. Nhưng chúng ta cần khớp tiến trình khoa học với tiến trình cam kết bảo tồn và bảo vệ môi trường của chúng ta. Chúng ta cần sự cân bằng.

Ví dụ, ta phải nhớ tới rừng. Oxy ta hít thở, duy trì sự sống cho chúng ta từ đâu mà có? Từ rừng, từ thực vật biển. Phải mất hàng tỉ năm thực vật với tạo ra được lượng oxy này.

Còn nước thì sao? Phần lớn nước ta uống có từ hệ thống sông ngòi. Dù nắng hay mưa, nước vẫn chảy qua các dòng sông. Vì sao? Cây cối và đất quanh các dòng sông hấp thụ nước, tích trữ nó trong lòng đất, và từ đó, nước không ngừng rỉ ra, từng chút một, vào các dòng sông. Nếu không có rừng và núi thì cũng như nhựa đường, tất cả mưa rơi xuống trong một ngày sẽ lập tức chảy vào sông và đổ ra biển, giống y như bồn tắm cạn dần khi bạn kéo nút bịt ra vậy.

Đất là một món quà khác của rừng. Những động vật nhỏ và vi khuẩn giúp chuyển hóa những rễ và lá chết của cây thành đất màu. Không có đất ấy, chúng ta không thể trồng ngũ cốc hay rau xanh. Chúng ta sẽ không có thức ăn, và loài người sẽ diệt vong.

Nhiều sản phẩm khác đến từ rừng. Không có chúng, chúng ta sẽ không có nẹp cao su, không có giấy, không có bàn gỗ hay đồ đạc – không có nhà. Tất cả những thứ này cũng đều là quà tặng của rừng.

Rừng sản xuất ra không khí cho ta thở, nước cho ta uống, đất để ta trồng thực phẩm – quả thực, mỗi lĩnh vực của đời sống chúng ta trở nên khả dĩ đều là nhờ cây cối.

Và tôi nghĩ chúng ta hiếm khi nghĩ đến mối quan hệ rằng, trừ khi ta chăm sóc cho rừng, ta sẽ không thế bắt được cá dưới biển. Không có rừng tất cả mưa sẽ chảy theo sông ra biển. Mưa sẽ mang theo lượng lớn phù sa cùng ra đó. Phù sa sẽ làm đục nước biển, cản trở ánh sáng xuyên qua, và hạ thấp nhiệt độ nước biển, làm cho biển trở nên quá lạnh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của một số loài cá.

Rừng cũng tạo ra các chất dinh dưỡng mà cuối cùng sẽ tìm được cách ra tới biển và trở thành thức ăn cho các sinh vật của đại dương. Rừng bảo vệ sự sống cho biển.

Sự sống là một sợi xích liên kết mật thiết tất cả mọi loài. Khi bất kỳ mắt xích nào bị rối loạn, những mắt xích khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta nên nghĩ về môi trường như mẹ của mình – Mẹ Đất, Mẹ Biển, Mẹ Trái Đất. Chẳng có tội ác nào tồi tệ hơn làm hại chính mẹ mình.

---o0o---

Một phần của tài liệu Duc-Phat-Trong-Ba-Lo-Daisaku-Ikeda (Trang 74 - 76)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(77 trang)
w