Về tỷ giá và lãi suất

Một phần của tài liệu THÚC đẩy PHỤC HỒI KINH TẾ VÀ CẢI CÁCH THỂ CHẾ SAU đại DỊCH COVID 19 đề XUẤT CHO VIỆT NAM (Trang 60 - 63)

1. Bối cảnh quốc tế trước và sau đại dịch COVID-19

1.3.Về tỷ giá và lãi suất

Trong giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kiên định với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, ổn định lạm phát. Từ năm 2016 trở lại đây, NHNN đã thực hiện điều hành tỷ giá trung tâm (theo Quyết định số 2730/QĐ-NHNN ngày 31/12/2015), theo tỷ giá tính chéo của VND với một số loại ngoại tệ khác. Theo đó, thay vì công bố một mức tỷ giá cố định trong thời gian dài như trước đây, từ đầu năm 2016, hàng ngày, NHNN công bố tỷ giá trung tâm làm cơ sở để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong biên độ quy định. Tỷ giá trung tâm có thể biến động hàng ngày theo cả hai chiều lên xuống, được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Việc thay đổi cách thức điều hành tỷ giá giúp NHNN đeo đuổi mục tiêu chống đô-la hóa, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Thực tế cho thấy trong thời gian qua, tỷ giá VNĐ/USD được duy trì tương đối ổn định. Diễn biến tỷ giá trung tâm bám rất sát với tỷ giá của các ngân hàng thương mại (NHTM) và tỷ giá trên thị trường tự do, qua đó hạn chế tâm lý găm giữ ngoại tệ để đầu cơ, trục lợi. Bên cạnh đó, điều hành chính sách tỷ giá được tạo thuận lợi từ việc Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu và gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cuối cùng, năng lực

của NHNN trong việc điều hành chính sách tỷ giá hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô đã được thể hiện tích cực tại những thời điểm có nhiều biến động trên thị trường thế giới. Chính ở đây, việc NHNN thông tin thường xuyên, hợp lý cho các thành viên thị trường về định hướng điều hành tỷ giá, đặc biệt là khẳng định việc không điều hành tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố niềm tin của thị trường.

Hình 23: Diễn biến tỷ giá VNĐ/USD, 2016-2020

Nguồn: Tổng hợp của CIEM.

Năm 2020 là một năm có nhiều biến động với thị trường tài chính. Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 và diễn biến của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, giá USD, giá vàng có nhiều biến động mạnh. Công tác điều hành tỷ giá gặp phải một số khó khăn nhất định. Giữa tháng 3/2020, tỷ giá VNĐ/USD tăng mạnh, nguyên nhân do đồng USD tăng ở mức kỷ lục trong vòng 3 năm trước đó. Tuy nhiên, tỷ giá trung tâm vẫn được điều chỉnh trong biên độ cho phép. Tỷ giá trung tâm tại thời điểm 30/6 chỉ tăng 0,32% so với cuối năm 2019 và giảm 0,03% so với cuối quý I. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do và NHTM tương ứng tăng 0,13% và 0,26% so với cuối năm 2019. Từ giữa đến cuối năm 2020, diễn biến tỷ giá đã bình ổn hơn, thậm chí giảm nhẹ. Tỷ giá trung tâm tại thời điểm cuối năm giảm 0,1% so với cuối năm 2019 và giảm 0,42% so với cuối tháng 6/2020. Tỷ giá mua và bán của NHTM chênh lệch không đáng kể với tỷ giá trung tâm. Tỷ giá trung tâm cũng bám khá sát tỷ giá trên thị trường tự do (Hình 23). Như đã trình bày ở trên, Việt Nam vẫn duy trì được những kết quả tích cực về xuất nhập khẩu (thặng dư thương mại lớn) và thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19, qua đó có thêm thuận lợi trong việc điều hành tỷ giá.

Dù vậy, Việt Nam vẫn cần củng cố hơn nữa nền tảng kinh tế vĩ mô, trong đó có dự trữ ngoại hối. Đặt trong bối cảnh dòng vốn FDI vào Việt Nam và dự trữ ngoại hối còn tương đối mỏng, việc mua lại ngoại tệ làm tăng dự trữ ngoại hối là một định hướng phù hợp, nhằm bảo đảm năng lực giữ ổn định kinh tế vĩ mô và

21,500 22,000 22,500 23,000 23,500 24,000

Tỷ giá trung tâm Tỷ giá NHTM

tạo thuận lợi cho hoạt động của cộng đồng nhà đầu tư ở Việt Nam. Đây cũng là nội dung Việt Nam cần tiếp tục trao đổi, làm rõ với phía Mỹ, nhất là sau khi Bộ Tài chính Mỹ xếp Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ vào tháng 12/2020.

Dư nợ tín dụng

Tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế có xu hướng giảm dần từ 2015 trở lại đây. Năm 2015, tăng trưởng tín dụng đạt 17,29%. Con số tương ứng của các năm 2016, 2017, 2018 và 2019 là 18,71%, 18,17%, 14% và 13,5%. Tăng trưởng tín dụng tuy giảm song chất lượng tín dụng lại có cải thiện khi dòng vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh và sản xuất ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, các ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên. Trong khi đó, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như kinh doanh bất động sản và chứng khoán được kiểm soát và có tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Hình 24: Tốc độ tăng trưởng tín dụng và M2 (%)

Nguồn: NHNN.

Bên cạnh đó, kiểm soát nợ xấu cũng là một trong những ưu tiên của NHNN trong giai đoạn này. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các NHTM giảm xuống từ mức 2,46% năm 2016 xuống 1,99% năm 2017, 1,89% năm 2018 và 2019.52 Tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống dưới mức 2%, đạt mục tiêu mà NHNN đã đề ra. Từ giữa tháng 8/2017 đến hết năm 2019, ước xử lý được gần 306.000 tỷ nợ xấu theo Nghị quyết 42 (không gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt).

52https://tinnhanhchungkhoan.vn/tang-truong-tin-dung-2018-chi-14-ai-cung-thay-bat-ngo-post204061.html

Sang năm 2020, tăng trưởng tín dụng giảm rõ rệt so với giai đoạn trước đó. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng hơn 1,3% trong quý I (so với cuối quý IV/2019) và gần 1,5% trong quý II (so với cuối quý I). Dư nợ tín dụng tại thời điểm cuối tháng 6/2020 tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2019. Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý I và quý II đều thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm 2016-2019. Sang quý III, tăng trưởng tín dụng có cải thiện hơn, tăng 2,6% so với quý II/2020 và 10,1% so với cùng kì năm 2019. Ước tính mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 đạt 12,13%. Đây là mức thấp nhất kể từ 2015 trở lại đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, kết quả tăng trưởng tín dụng năm 2020 phù hợp với định hướng của chính phủ và NHNN khi định hướng hạ lãi suất cho vay, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực kinh doanh và xuất khẩu.

Một phần của tài liệu THÚC đẩy PHỤC HỒI KINH TẾ VÀ CẢI CÁCH THỂ CHẾ SAU đại DỊCH COVID 19 đề XUẤT CHO VIỆT NAM (Trang 60 - 63)