1. Bối cảnh quốc tế trước và sau đại dịch COVID-19
2.1. Bối cảnh trong nước trước đại dịch COVID-19
Cho đến năm 2019, Chính phủ đã kiên định với các yêu cầu bứt phá và ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Đặc biệt, các Bộ, ngành đã chủ động theo dõi, đánh giá và dự báo các diễn biến từ bên ngoài (chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc; xung đột địa chính trị; điều hành lãi suất của FED, v.v.) để thực hiện những giải pháp phù hợp và linh hoạt, tạo nền tảng vững chắc chống chọi với các cú sốc từ bên ngoài. Yêu cầu thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình trong và ngoài nước để chủ động, linh hoạt ứng phó được đề cập nhiều hơn. Điểm mới trong năm 2019 là việc các kịch bản điều hành tăng trưởng được xây dựng sát sao, chi tiết và cập nhật thường xuyên hơn. Đồng thời, các cơ quan chính phủ đã có một tâm thế bình tĩnh, sẵn sàng hơn để ứng phó với những khó khăn từ môi trường kinh tế bên ngoài – điều chưa được thể hiện rõ trong những năm trước đây.
Song song với nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, những cải cách kinh tế vi mô tiếp tục được thực hiện một cách sâu rộng. Nỗ lực tháo gỡ khó khăn, rào cản cho doanh nghiệp được ghi nhận qua cải thiện xếp hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Những nhiệm vụ và yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia liên tục được cập nhật trong các Nghị quyết 19/NQ-CP trong giai đoạn 2014-2018, và thay thế bằng Nghị quyết 02/NQ-CP ngay từ đầu năm 2019. Thông điệp về phát triển kinh tế tư nhân được đề cập ở nhiều diễn đàn, đối thoại chính sách quan trọng, và được cụ thể hóa qua ở không ít hành động chính sách. Việt Nam cũng hoàn thiện thể chế cho thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc sửa các Luật cho phù hợp hơn với việc thực hiện các cam kết trong các FTA, hoàn thiện và ban hành định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 20/8/2019), v.v.
Tư duy ban hành chính sách đã có những chuyển biến theo hướng tôn trọng tinh thần tự do kinh doanh, chuyển từ “chọn cho” sang “chọn bỏ” và được cụ thể
hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, những văn bản ban hành chỉ liệt kê những hoạt động mà doanh nghiệp bị cấm kinh doanh, chứ không liệt kê những hoạt động mà doanh nghiệp được kinh doanh. Tổng hợp số lượng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được ban hành cho thấy, năm 2019 là năm có số lượng văn bản QPPL được ban hành ít hơn so với những năm trước đó. Tính đến cuối năm 2019, trên 400 văn vản QPPL được ban hành, trong đó số thông tư, nghị định ban hành trong năm cũng thấp hơn nhiều so với 2 năm trước đó (Hình 7).
Hình 7: Số lượng văn bản QPPL ban hành, 2017-2019
Nguồn: CIEM.
Các hoạt động tham vấn xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 tiếp tục được thực hiện thường xuyên. Các đánh giá nhìn chung khá thẳng thắn, tập trung vào những lĩnh vực mà nền kinh tế đang và sẽ tiếp tục cần cải thiện, chẳng hạn như năng suất lao động, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng, thể chế kinh tế thị trường, v.v. Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ít nhiều được nhận diện.
Việt Nam cũng nhấn mạnh việc tìm kiếm các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Nhiều hành động, chính sách hướng tới “bắt kịp” CMCN 4.0 được ban hành như Nghị quyết 52/NQ-TW về chủ động tham gia CMCN 4.0; Quyết định 1269/QĐ-TTg về thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; hay vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia. Chiến lược Quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư cũng được xây dựng trong năm 2019.
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế có thêm nhiều chuyển biến. Việt Nam đã thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) từ tháng 1/2019. Việt Nam cũng đã ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam– EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư với EU (EVIPA), và chuẩn bị cho việc phê chuẩn hai hiệp định này. Việt Nam cũng đã tham gia tích cực vào đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) năm 2019, và có thể đóng
vai trò then chốt trong việc ký kết Hiệp định này. Vị thế quốc gia của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, thể hiện qua việc: (i) trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; (ii) tiếp tục đóng góp đáng kể vào các diễn đàn quan trọng như APEC, ASEAN và G20; và (iii) sự hấp dẫn tương đối đối với đầu tư nước ngoài trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc.
Thực tiễn cải cách và điều hành chính sách đến năm 2019 vẫn bộc lộ một số hạn chế. Thứ nhất, cải cách nền tảng kinh tế vi mô mới chỉ tập trung vào gia nhập thị trường, trong khi chưa có thêm chuyển biến đáng kể về phát triển các thị trường nhân tố. Thứ hai, động lực thực thi vẫn là một vấn đề cần cải thiện. Sự lưu tâm đối với cải cách môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 02/NQ-CP ít nhiều đã giảm sút. Năng suất và chất lượng lao động được đề cập nhiều, song tính mới và cụ thể trong các đề xuất chính sách và cơ chế thực thi còn hạn chế. Thí điểm có quản lý các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh CMCN 4.0 và kinh tế số được đề cập nhiều, song chưa được cụ thể hóa. Thứ ba, nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế chưa được truyền tải vào hệ thống chính sách, quy định trong nước. Sự hứng khởi với EVFTA và EVIPA (dù còn chờ phê chuẩn) còn được truyền thông hơi quá mức, chưa đi kèm với tâm thế chuẩn bị thích hợp cho các cải cách thể chế kinh tế liên quan. Việc chuẩn bị cho CPTPP còn chậm, dù Hiệp định này đã thực thi. Thứ tư, hệ thống thông tin, thống kê phục vụ cho công tác điều hành của một số Bộ chậm được cải thiện cả về chất lượng, tính kịp thời. Trong bối cảnh hiệu quả giải trình chính sách còn chậm được cải thiện, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cân nhắc, điều chỉnh chính sách của một số Bộ, ngành. Thứ năm, việc sửa đổi một số quy định về lao động chưa đạt được đồng thuận đáng
kể, dù đã có sự tham vấn rộng rãi hơn.