b. Phân tổ theo nhiều tiêu thức
3.5.1. Một số vấn đề chung về phương pháp chỉ số
Chỉ số trong thống kê là chỉ tiêu tương đối biểu hiện quan hệ so sánh giữa các mức độ của một hiện tượng kinh tế - xã hội. Chỉ số tính được bằng cách so sánh hai mức độ của hiện tượng ở hai thời gian hoặc không gian khác nhau, nhằm nêu lên sự biến động của hiện
tượng qua thời gian hoặc không gian.
* Ý nghĩa của chỉ số trong thống kê
- Nghiên cứu sự biến động về mức độ của hiện tượng qua thời gian (biến động của giá cả, giá thành, năng suất lao động, khối lượng sản phẩm, diện tích gieo trồng,...). Các chỉ số tính theo mục đích này thường gọi là chỉ số phát triển.
- So sánh chênh lệch về mức độ của hiện tượng qua không gian (chênh lệch giá cả, lượng hàng hoá tiêu thụ giữa hai thị trường, giữa hai địa phương, hai khu vực,...). Các chỉ số tính theo mục đích này thường gọi là chỉ số không gian.
- Xác định nhiệm vụ kế hoạch hoặc đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Các chỉ số này thường gọi là chỉ số kế hoạch.
- Phân tích mức độ ảnh hưởng và xác định vai trò đóng góp của các nhân tố khác nhau đối với sự biến động chung của hiện tượng phức tạp (ví dụ: Xác định xem sự biến động của các nhân tố năng suất lao động và số lượng công nhân đã ảnh hưởng đến mức độ nào đối với sự tăng giảm của kết quả sản xuất do công nhân tạo ra). Thực chất đây cũng là phân tích mối liên hệ của các yếu tố nguyên nhân với nhau cũng như tính toán ảnh hưởng của mỗi yếu tố nguyên nhân đến chỉ tiêu kết quả.
* Một số hình thức phân loại chủ yếu về chỉ số
- Căn cứ theo phạm vi tính toán của chỉ số: Chia thành chỉ số cá thể và chỉ số tổng hợp (xem chỉ số cá thể và chỉ số tổng hợp).
- Căn cứ tính chất của chỉ tiêu cấu thành tổng thể: Chia thành chỉ số chỉ tiêu chất lượng và chỉ số chỉ tiêu khối lượng (việc phân thành chỉ tiêu chất lượng và khối lượng chỉ có ý nghĩa tương đối).
- Căn cứ hình thức biểu hiện, chia thành chỉ số ở dạng cơ bản và chỉ số ở dạng biến đổi (xem chỉ số tổng hợp và chỉ số bình quân).
- Căn cứ thời kỳ gốc so sánh, chia thành chỉ số liên hoàn và chỉ số định gốc (xem chỉ số liên hoàn và chỉ số định gốc).
- Căn cứ số lượng nhân tố lượng biến của hiện tượng, chia thành chỉ số chung và chỉ số nhân tố (xem hệ thống các chỉ số).
* Đặc điểm của phương pháp chỉ số là biểu hiện về lượng của các phần tử trong hiện tượng phức tạp được chuyển về dạng chung có thể trực tiếp cộng được với nhau, dựa trên cơ sở mối quan hệ giữa nhân tố nghiên cứu với các nhân tố khác. Ví dụ: Khối lượng sản phẩm các loại, vốn không thể trực tiếp cộng được với nhau, khi được chuyển sang dạng giá trị, bằng cách nhân với yếu tố giá cả để có thể trực tiếp cộng với nhau. Mặt khác, khi nghiên cứu biến động của một nhân tố, bằng cách giả định các nhân tố khác của hiện tượng phức tạp không thay đổi, nhờ đó phương pháp chỉ số cho phép loại trừ ảnh hưởng biến động của các nhân tố này để khảo sát sự biến động riêng biệt của các nhân tố cần nghiên cứu.
* Trong công thức chỉ số tổng hợp, nhân tố biểu hiện sự biến động về mức độ của hiện tượng nghiên cứu gọi là lượng biến của chỉ số. Ví dụ: Trong chỉ số giá cả, lượng biến của chỉ số là giá cả các loại hàng, trong chỉ số khối lượng sản phẩm, lượng biến của chỉ số là khối lượng sản phẩm mỗi loại.
* Trong công thức chỉ số tổng hợp, nhân tố quan hệ trực tiếp với lượng biến của chỉ số, được cố định ở một thời kỳ nào đó ở cả tử số và mẫu số của chỉ số gọi là quyền số. Ví dụ: Trong chỉ số giá cả, quyền số là khối lượng hàng hoá tiêu thụ kỳ báo cáo; trong chỉ số khối lượng sản phẩm, quyền số là giá cả kỳ gốc.
Trong một chỉ số, quyền số có thể là một nhân tố (ví dụ, trong chỉ số tổng hợp về giá cả (xem chỉ số tổng hợp), quyền số là lượng hàng hoá tiêu thụ hoặc trong chỉ số tổng hợp về lượng hàng hoá tiêu thụ, quyền số là giá cả (xem chỉ số tổng hợp)); nhưng cũng có thể là tích của nhiều nhân tố khác nhau, (ví dụ, trong chỉ số bình quân điều hoà
gia quyền về giá cả, chỉ số bình quân số học về khối lượng sản phẩm, quyền số đều là tích của giá cả và lượng hàng hoá tiêu thụ (p.q) (xem các chỉ số bình quân)).
Quyền số của chỉ số có thể giải quyết hai nhiệm vụ:
- Chuyển các phần tử vốn không trực tiếp cộng được với nhau thành dạng chung để có thể cộng được với nhau;
- Nói lên tầm quan trọng của mỗi phần tử trong toàn bộ tổng thể.