Triển vọng về thị trường xuất khẩu của ngành giầy dép Việt Nam

Một phần của tài liệu Phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu của công ty TNHH một thành viên giầy Thượng Đình (Trang 90 - 92)

Hiện nay giầy dép Việt Nam đứng thứ tư trong top 10 nước xuất khẩu hàng đầu vào thị trường 25 nước. Trong đó, EU và Mỹ là hai thị trường tiêu thụ giầy dép lớn nhất thế giới. Ở khu vực Châu Á, nước ta đứng thứ ba trong số các nước xuất khẩu giầy dép lớn nhất vào Nhật Bản, chỉ sau Trung Quốc và Italia…

Thị trường EU, EU là một trong những thị trường sản xuất và tiêu thụ giầy dép và đồ da lớn nhất thế giới, chiếm gần 30% mức tiêu thụ toàn cầu. Người EU tiêu thụ khoảng 2 tỷ đôi giầy/năm, trong đó thị trường nội địa cung ứng khoảng 45 – 50%, phần còn lại là nhập khẩu, các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu có giá thấp, chất lượng từ thấp tới trung bình. Việt Nam là nước đứng thứ hai trong việc nhập khẩu giầy dép vào EU sau Trung Quốc, đạt giá trị 2,184 tỷ USD trong năm 2007, chiếm 7,2% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của EU. Nhìn chung, giầy dép Việt Nam xuất khẩu vào EU tăng trưởng nhanh về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, 33 mã hàng giầy thể thao và giầy mũ da bị áp thuế chống bán phá giá, nhưng các chủng loại khác vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan của EU và không bị hạn chế về số lượng. Giầy dép mặc dù bị áp thuế chống bán phá giá 10% nhưng vẫn tăng 11,4% so với năm 2006. Nhu cầu nhập khẩu giầy dép những năm gần đây của thị trường EU khoảng trên 29 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, năm 2008, xuất khẩu giầy dép của Việt Nam vào EU sẽ khó khăn hơn và dự báo chỉ tăng trưởng 8% (so với 11,4% của năm 2007) vì nhu cầu thị trường này yếu bởi tăng trưởng kinh tế chậm lại do kinh tế toàn cầu suy giảm bởi tác động của kinh tế Mỹ và dư âm của cuộc khủng hoảng trên thị

trường tài chính. Ngoài ra, năm 2008 cũng năm bất lợi trong xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường EU, bởi EU đã dự kiến đưa toàn bộ hàng hóa thuộc danh mục XII (chủ yếu là giầy dép) ra khỏi danh sách hưởng thuế ưu đãi GSP bên cạnh việc duy trì thuế chống bán phá giá đến hết tháng 10/2008. Do đó về công tác thị trường, năm 2008 Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam cần tiếp tục khai thác triệt để các thị trường trọng điểm có kim ngạch lớn như Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ, đồng thời kết hợp với đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các thị trường mới của khu vực EU như Cộng hòa Séc, Hungary, Balan. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp da giầy Việt Nam cũng nên tìm hướng cho thị trường xuất khẩu mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào EU. Bên cạnh việc chuyển đổi thì đa dạng hóa thị trường cũng hết sức cần thiết. Các chuyên gia về thị trường cho rằng, sở dĩ Việt Nam bị nhiều vụ kiện, trước hết bởi tốc độ tăng trưởng quá nóng của một số mặt hàng xuất khẩu chỉ tập trung vào một thị trường, gây cảm giác lo ngại cho các nhà sản xuất ở nước sở tại.

Thị trường Hoa Kỳ, Hoa Kỳ hiện là thị trường nhập khẩu giầy dép lớn nhất thế giới, bình quân mỗi năm người tiêu dùng Mỹ tiêu thụ 35 tỷ USD giầy dép khoảng 2 tỷ đôi, trong đó giầy thể thao chiếm 35%. Kim ngạch xuất khẩu giầy dép của Việt Nam vào Hoa Kỳ năm 2007 đạt 900 triệu USD, tăng 12% so với năm 2006. Tuy nhiên quy mô xuất khẩu còn khiêm tốn so với dung lượng thị trường Hoa Kỳ bởi nhập khẩu giầy dép của Hoa Kỳ vào khoảng 17 – 18 tỷ USD/ năm, chiếm 1/3 dung lượng thị trường thế giới. Mục tiêu phấn đấu của Việt Nam năm 2008 là đạt kim ngạch 1,1 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2007, chiếm khoảng trên 5% kim ngạch nhập khẩu giầy dép của Hoa Kỳ, so với 4% năm 2007. Tuy thị phần giầy dép Việt Nam tại thị trường Hoa kỳ còn rất khiêm tốn nhưng với việc Việt Nam gia nhập WTO thì các sản phẩm giầy dép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tăng mạnh hơn nữa nhờ chính sách thuế ưu đãi. Bên cạnh đó, hiện nay các nhà nhập khẩu giầy dép của Hoa Kỳ đang có kế hoạch mở rộng hướng đặt hàng từ Việt Nam, nhất là các loại hàng có yêu cầu sản xuất phức tạp và chất lượng từ trung bình khá trở lên.

Thị trường Nhật Bản, cũng giống như thị trường Mỹ nhu cầu nhập khẩu giầy dép cũng đang trong xu hướng tăng, tập trung chủ yếu vào các loại giầy có đế ngoài và mũ giầy bằng cao su hoặc plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp, dép xốp, dép quai hậu. Tuy nhiên, Nhật Bản là một thị trường cạnh tranh cao do mặt hàng giầy dép được nhập khẩu từ nhiều nước và lượng hàng nhập khẩu nhiều, bên cạnh đó người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá các sản phẩm hàng trong nước và ngoài nước theo tiêu chí họ chấp nhận trả giá cao hơn một chút những sản phẩm chất lượng tốt.

Ngoài ba thị trường trên thì giầy dép xuất khẩu xủa Việt Nam cũng còn nhiều thị trường tiềm năng khác như Canada, Hàn Quốc, Malaysia, Braxin, Australia, Mexico… vì nhu cầu nhập khẩu giầy dép của các thị trường này cũng đang tăng mạnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải tiếp tục tăng cường tìm kiếm và khai thác các thị trường tiềm năng khác như Trung Đông, Châu Phi, đồng thời tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ để sản xuất các sản phẩm cao cấp, tập trung vào những mặt hàng không bị áp thuế như giầy thể thao và giầy trẻ em.

Một phần của tài liệu Phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu của công ty TNHH một thành viên giầy Thượng Đình (Trang 90 - 92)