Với chiến lược mở rộng thị trường công ty không ngừng hoàn thiện hoạt động sản xuất kinh doanh, nghiên cứu thị trường nhằm tìm kiếm thị trường mới. Theo chiến lược sản xuất kinh doanh thì thị trường tiềm năng mà công ty hướng đến trước hết là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.
a)Thị trường Nhật Bản: tuy chỉ chiếm khoảng 3% tổng giá trị xuất khẩu của Công ty nhưng được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng và nằm trong kế hoạch phát triển thị trường của Công ty. Nhu cầu nhập khẩu lương thực – thực phẩm của Nhật Bản là khá cao do tỷ trọng lao động trong nông nghiệp thấp và dân số đông song yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe về sản phẩm này cũng là một yếu tố cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến hành thâm nhập thị trường này. Thị trường Nhật Bản là một thị trường khó tính bậc nhất, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm được siết chặt và với trình độ dân trí cao, người dân Nhật Bản luôn đặt ra yêu cầu cao đối với hàng hóa phục vụ đời sống có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Trong thời gian tháng 7/2007 vừa qua, Nhật Bản đã cảnh cáo chất lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản không đạt tiêu chuẩn do dư lượng chất acetaminprid vượt quá 2 lần mức cho phép. Điều đó thể hiện sự khắt khe, khó tính của thị trường Nhật Bản và cũng là lời cảnh báo đối với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo vào thị trường Nhật Bản nói chung và VIHAFOODCO nói chung phải tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm nếu muốn gia nhập thị trường này.
b) Thị trường Trung Quốc: là một thị trường có quy mô vô cùng lớn với trên 1 tỷ dân do đó nó có sức hút mãnh liệt với các doanh nghiệp. Trước đây Trung Quốc cũng là một nước xuất khẩu gạo bình quân 2-3 triệu tấn/năm song giờ đây cũng phải nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan. Năm tài khóa 2007-2008 Trung Quốc nhập khẩu 300.000 tấn gạo. Thị trường Trung
Quốc giờ đây không phải chỉ có các doanh nghiệp của ta hướng đến mà Nhật Bản, Thái Lan cũng hướng đến thị trường này. Trước quy mô thị trường rộng lớn, sức tiêu thụ mạnh mẽ như vậy VIHAFOODCO đánh giá đây là thị trường rất giàu tiềm năng. Do đó công ty đang từng bước đẩy mạnh các biện pháp đầu tư, xúc tiến thương mại nhằm thâm nhập thị trường này như tham gia hội chợ quốc tế, triển lãm quốc tế tại Trung Quốc.
c) Thị trường Hàn Quốc: là một thị trường có nhiều nét tương đồng về văn hóa với Nhật Bản và Trung Quốc. Mức tiêu thụ gạo của người dân Hàn Quốc trong những năm gần đây giảm sút do người dân chuộng mỳ gói và các loại thực phẩm đơn giản hơn. Tuy vậy sức tiêu thụ gạo của Hàn Quốc vẫn ở mức cao so với các nước Châu Á (theo cục thống kê quốc gia Hàn Quốc – NSO). Với dân số xấp xỉ 50 triệu dân và mặt hàng thực phẩm lại là một trong những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Hàn Quốc, vì vậy có thể thấy thị trường gạo của Hàn Quốc rất có tiềm năng. Hàn Quốc từng là một quốc gia nông nghiệp nghèo nhất thế giới nhưng giờ đây đã trở thành một nước công nghiệp có tốc độ phát triển cao và phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế - tài chính của khu vực Đông Bắc Á vì vậy tỷ trọng lao động trong nông nghiệp của Hàn Quốc cũng giảm dần. Hiện nay giá gạo của Hàn Quốc rất cao, gấp 5 lần gọ Thái Lan và Mỹ do đó gạo Hàn Quốc xuất khẩu chủ yếu ở mảng gạo chất lượng cao. Bên cạnh đó Hàn Quốc buộc phải mở cửa thị trường gạo, đây là một vấn đề nhạy cảm với Hàn Quốc nên Hàn Quốc cũng dần đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn để hạn chế nhập khẩu gạo vào điều này đòi hỏi các doanh nghiệp của ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng khi thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc.