Quan niệm về học tập

Một phần của tài liệu Lao động trẻ em ở Việt Nam và thực tế lao động trẻ em tại xã Quảng Châu (Trang 36 - 38)

Việt Nam là một nước rất coi trọng vấn đề giáo dục. Luật Phổ cập giáo dục tiểu học miễn phí đối với tất cả trẻ em đã đem đến những thành quả nhất định. Mặc dù vậy, với thực trạng nghèo đói thì việc các em có thể tiếp tục theo học hết cấp tiểu học và học cao hơn nữa là rất khó khăn đối với nhiều gia đình ở khu vực nông thôn. Nhiều em buộc phải bỏ học để lao động kiếm sống, phải đương đầu với những thử thách mà đáng ra ở tuổi các em phải được đến trường. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến những mặc cảm tự ti và những mặc cảm này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, sự hình thành nhân cách của các em. Đặc biệt là các trẻ em gái.

Trước nguy cơ phải bỏ học do gia đình không thể chi trả những khoản chi phí học tập, một số em muốn tiếp tục đi học phải tìm cách lao động kiếm

tiền. Do vậy, nhiều em gái đã tranh thủ những ngày nghỉ học để đi lao động giúp việc tại các thành phố lớn. Đây là loại công việc không vất vả như lao động ở quê nhưng đòi hỏi một sự khéo léo nhất định. Tiền công 10 ngày tết năm 2005 là 400 nghìn cũng bằng với số tiền lương 1 tháng đi giúp việc vào những ngày hè. Với số tiền này, các em có thể có đủ tiền chi trả cho 1 học kỳ hoặc có thể 1 năm học của mình. Những trên thực tế, trong tổng số tiền mà các em kiếm được thì các em chỉ được cầm một nửa để chi trả cho việc học tập (200 nghìn đồng), số còn lại được bố mẹ sử dụng. Nhưng dù sao thì với số tiền này các em vẫn sẽ có thể tiếp tục đi học .

“Hè này em định đi làm giúp việc tiếp để kiếm tiền học năm sau nhưng em mà đi thì nhà lại neo người quá! Đứa em trai em hè năm nay cũng thi lên cấp 3 nên lại càng cần tiền. Em muốn đi học cao lên nữa! Em thấy ở Hà Nội người ta học nhiều nên kiếm được nhiều tiền. Em không muốn phải làm ruộng nữa! Nhà em không phải là nghèo lắm nhưng để có thể nuôi được cả 3 chị em em đi học thì không được. Mẹ em năm nay cũng yếu rồi. Năm ngoái mẹ cũng bắt em nghỉ học nhưng em không chịu!” (Hoa). Vì ước mơ được học cao lên,

được thoát khỏi cảnh giầm mưa giãi nằng ngoài đồng ruộng Hoa đã xác định con đường đi cho mình vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Khi có dịp ra Hà Nội, tiếp súc với nhịp sống đô thị Hoa đã hiểu rằng, muốn có cuộc sống tốt hơn thì không gì bằng con đường học tập! Đó chính là một cách tiếp nhận tích cực mà em thu được sau quá trình lao động giúp việc ở Hà Nội.

“Em thích đi học vì đi học sẽ không vất vả như làm ruộng. Em muốn kiếm tiền để đi học trên thành phố chứ ở nhà là lại phải lấy chồng sớm! Mà em không thích lấy chồng ở quê đâu! Lấy chồng ở quê rồi lại ở nhà làm ruộng thôi!” (Hồng).

Hồng có những suy nghĩ hơi khác Hoa một chút. Tôi cảm thấy rằng Hồng nghĩ học tập là nền tảng cho em thoát khỏi làm nông nghiệp, học tập sẽ giúp em có thể có điều kiện tới thành phố làm việc rồi từ đó lấy chồng thành phố. Còn Hoa, học tập, tri thức là nền tảng giúp em thoát khỏi nghèo đói. Như vậy, cuộc sống đô thị đã đem đến cho các em một mục đích mới trong cuộc sống. Đấy chính là những suy nghĩ về việc hướng nghiệp trong tương lai.

Một phần của tài liệu Lao động trẻ em ở Việt Nam và thực tế lao động trẻ em tại xã Quảng Châu (Trang 36 - 38)