Quy định của Hoa Kỳ về nhãn mác

Một phần của tài liệu Rào cản trong cạnh tranh của ngành thủy sản VN trên thị trường Mỹ (Trang 30 - 33)

Luật pháp Hoa Kỳ quy định các nhãn hiệu hàng hoá phải được đăng ký tại Cục Hải quan Hoa Kỳ. Đạo luật về nhãn hiệu năm 1946 cấm nhập khẩu những sản phẩm làm nhái theo những thương hiệu đã được đăng ký tại Hoa Kỳ, hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn. Hàng hoá mang nhãn hiệu giả hoặc sao chép, bắt chước một nhãn hiệu đã đăng ký bản quyền đều bị cấm nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Hàng nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về ghi mác sẽ bị giữ ở khu vực Hải quan Hoa Kỳ cho tới khi người nhập khẩu thu xếp tái xuất trở lại hoặc phá huỷ.

Nếu nhãn hàng có ghi bằng tiếng nước ngoài, thì trên nhãn đó vẫn phải ghi cả bằng tiếng Anh tất cả các thông tin theo quy định. Tất cả thực phẩm nhập khẩu phải ghi bằng tiếng Anh tên nước xuất xứ. Điều luật 21 CFR-101 quy định chi tiết về kích cỡ, thể loại, vị trí… của các thông tin ghi trên nhãn hàng như:

+ Tên và địa chỉ đầy đủ của người sản xuất, người đóng gói hoặc người phân phối. Có thể không cần ghi địa chỉ nếu công ty đó có tên niêm yết trong thành phố đó, hoặc có tên trong danh bạ điện thoại. Nếu thực phẩm không phải do người, công ty có tên trên nhãn hàng sản xuất, thì tên công ty phải ghi thêm “manufactured for” sản xuất cho, “distributed by” phân phối bởi, hoặc các chữ tương tự.

+ Ghi chính xác số lượng thực phẩm bên trong. Khối lượng phải theo đơn vị đo lường Anh- Hoa Kỳ là pound (1 pound =0,454kg), và ga lông Hoa Kỳ (1 ga lông = 3,79 lít). Hệ đo lường Mét có thể được ghi thêm cùng với hệ đo lường Anh- Hoa Kỳ. Luật có các quy định cụ thể, chi tiết về vị trí, kích cỡ… và cách ghi trọng lượng tịnh.

+ Tên thông thường của sản phẩm phải được ghi trên mặt chính, cùng với hình dạng của sản phẩm ví dụ như: thái miếng, nguyên con, thái lát…

+ Các thành phần ghi trên nhãn của một thực phẩm là các chất được dùng làm nguyên liệu trộn vào khi chế biến sản phẩm đó. Nếu một thành phần nào đó được coi là đặc tính của thực phẩm đó, thì có thể phải ghi tên thành phần đó cùng với tên thực phẩm đó. Phụ gia thực phẩm và phẩm mầu được coi là các thành phần của thực phẩm trừ đối với bơ, phomát và kem.

Ngoài ra, nhãn hàng thực phẩm phải có thông tin về dinh dưỡng nhằm giúp cho người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm phù hợp và tốt cho sức khoẻ của mình. Điều luật 21 CFR -101 quy định rất cụ thể và đầy đủ các thông tin cần có trên

nhãn hàng.Các quy định về ghi thành phần dinh dưỡng đã được sửa đổi bổ sung đầy đủ hơn từ năm 1993. Những điều khoản và yêu cầu mới có hiệu lực từ 8/5/1994. Yêu cầu tối thiểu được quy định trong điều luật 21 CFR - 101.9 bao gồm các nội dung như sau:

+ Liều lượng dùng và số lần dùng của mỗi đơn vị bao gói. + Tổng lượng calo và lượng calo từ chất béo mỗi lần dùng.

+ Tổng lượng chất béo và chất béo no( saturated) tính theo gam, tổng lượng cholesterol và natri( miligram), tổng lượng carbohydrate, dietary fiber, đường và protein tính bằng gam mỗi lần dùng.

+ Phần trăm của tất cả các thành phần liệt kê tính theo tỷ lệ cần cho cơ thể trong một ngày trên cơ sở lượng calo cần thiết hàng ngày là 2.000 calo.

+ Tỷ lệ % trong mức khuyến cáo tiêu thụ hàng ngày của Hoa Kỳ của một số loại vitamin và chất khoáng của một lần dùng.

+ Ghi các trị giá cần hàng ngày, các trị giá kiến nghị tính bằng gam hoặc miligam tuỳ theo từng thành phần như đối với chất béo, chất béo no, cholesterol, natri … cùng với lượng calo trên gam đối với chất béo, carbohydrate và protein. + Các chất dinh dưỡng khác được coi là thành phần cơ bản trong thức ăn của người có thể được liệt kê nếu những chất này chiếm ít nhất 2% tỷ lệ khuyến cáo tiêu thụ hàng ngày của Hoa Kỳ.

Quy định mới của Hoa Kỳ về nhãn hàng sản phẩm

Kể từ ngày 1/1/2006, bất kỳ loại thực phẩm nào có chứa các thành phần trong đó có prôtêin trong cá và thủy sản có vỏ sẽ phải được ghi nhãn rõ ràng theo quy định mới của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Quy định này yêu cầu sản phẩm thực phẩm phải ghi nhãn cảnh báo nếu sản phẩm đó có bất kỳ thành phần nào có prôtêin xuất xứ từ 8 loại thực phẩm

gây dị ứng chính. Theo quy định của Luật Ghi nhãn dị ứng thực phẩm và Bảo vệ người tiêu dùng 2004 (FALCPA), các nhà sản xuất buộc phải ghi rõ bằng tiếng Anh tất cả các thành phần có chứa prôtêin xuất xứ từ sữa, trứng, cá, thủy sản giáp xác, quả hạch, lạc/đậu phộng, lúa mì và đậu nành trên nhãn sản phẩm. Tên của các nguồn gây dị ứng được ghi đằng sau dòng chữ “contains” (có chứa) và đặt sau hoặc liền kề danh mục các thành phần thực phẩm. Ví dụ như, nếu sản phẩm đó có sử dụng prôtêin xuất xứ từ cá, thì nguồn prôtêin như cá vược, cá bơn, cá tuyết hoặc cá minh thái phải được ghi trên nhãn. Đối với thủy sản có vỏ như tôm hùm, cua, tôm cũng phải được ghi rõ nguồn prôtêin.

Một phần của tài liệu Rào cản trong cạnh tranh của ngành thủy sản VN trên thị trường Mỹ (Trang 30 - 33)