THỰC TRẠNG SỨC CẠNH TRANH HÀNG DỆT MAY XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM TRÊN THỊ TRƯỜNG EU
2.1.2.1. Tập quán tiêu dùng
EU gồm 27 thị trường quốc gia, mỗi thị trường lại có những đặc điểm tiêu dùng riêng. Do vậy có thể thấy rằng thị trường EU có nhu cầu rất đa dạng và phong phú về hàng hoá. Có những loại hàng hoá rất được ưa chuộng ở thị trường Pháp, Italy, Bỉ nhưng lại không được người tiêu dùng Anh, Ailen, Đan Mạch và Đức đón chào. Tuy có những khác biệt nhất định về tập quán và thị trường tiêu dùng giữa các thị trường quốc gia trong khối EU, nhưng 27 nước thành viên đều là những quốc gia chủ yếu nằm ở khu vực Tây và Bắc Âu nên có những điểm tương đồng về kinh tế và văn hoá. Trình độ phát triển kinh tế xã hội của các nước thành viên khá đồng đều, cho nên người dân thuộc khối EU có những điểm chung về sở thích và thói quen tiêu dùng. Đối với hàng dệt may, người tiêu dùng EU thích sử dụng hàng may mặc không có chất nhuộm có nguồn gốc hữu cơ (Azo-dyes). Khách hàng EU đặc biệt chỉ quan tâm tới chất lượng và thời trang của hai loại sản phẩm này. Nhiều khi yếu tố thời trang lại mang tính quyết định cao hơn nhiều so với giá cả. Đối với hai mặt hàng này, nhu cầu
thay đổi nhanh chóng, đặc biệt về mẫu mã
Người tiêu dùng châu Âu có sở thích và thói quen sử dụng các sản phẩm có nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới. Họ cho rằng những nhãn hiệu này gắn liền với chất lượng sản phẩm và có uy tín lâu đời, cho nên dùng những sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng sẽ rất an tâm về chất lượng và an toàn cho người sử dụng. Nhiều trường hợp những sản phẩm này giá đắt, nhưng họ vẫn mua và không thích đổi sang các sản phẩm không nổi tiếng khác cho dù giá rẻ hơn nhiều.
Ở thị trường EU, nhu cầu cho các sản phẩm mang tính môi trường ngày càng tăng, đặc biệt trong lãnh vực hàng tiêu dùng; người tiêu dùng đòi hỏi những sản phẩm dễ dàng được nhận diện và được gắn nhãn theo sự khuyến khích của luật pháp. Các nhãn sinh thái mang tính chất tự nguyện tuy nhiên có thể cho rằng đây là một công cụ cạnh tranh mạnh. Bốn nhãn hiệu quan trọng tại EU được áp dụng cho các sản phẩm may mặc thông thường là EU Ecolabel, nhãn OKO-Tex, SKAL EKO và nhãn SG
Thị trường châu Âu về cơ bản cũng như một thị trường quốc gia, có ba nhóm người tiêu dùng khác nhau: (1) Nhóm có khả năng thanh toán ở mức cao, chiếm gần 20% dân số ở EU, dùng những hàng có chất lượng tốt nhất và giá cả đắt nhất hoặc những mặt hàng hiếm và độc đáo; (2) Nhóm có khả năng thanh toán ở mức trung bình, chiếm 68% dân số, sử dụng loại hàng có chất lượng kém hơn so với nhóm 1 và giá cả cũng rẻ hơn; (3) Nhóm có khả năng thanh toán ở mức thấp, chiếm hơn 10% dân số, tiêu dùng những loại hàng hoá có chất lượng và giá cả thấp hơn so với hàng của nhóm 2. Hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên thị trường này gồm cả hàng hoá cao cấp lẫn hàng bình dân phục vụ cho mọi đối tượng. Đối tượng tiêu dùng hàng Việt Nam là nhóm 2 và 3. Các đối thủ cạnh tranh chính của hàng Việt Nam là hàng Trung Quốc và hàng của các nước ASEAN khác.
Xu hướng tiêu dùng trên thị trường EU đang có những thay đổi. Người tiêu dùng có những nhu cầu về mẫu mốt và kiểu dáng hàng hoá phải được thay đổi nhanh, đặc biệt đối với những mặt hàng thời trang. Sở thích và thói quen tiêu dùng trên thị trường này đang thay đổi rất nhanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Ngày nay người châu Âu cần nhiều chủng loại hàng hoá với số lượng lớn và những hàng hoá có vòng đời ngắn, giá rẻ hơn và phương thức dịch vụ tốt hơn.
Tóm lại, bằng việc quan sát những đặc điểm tiêu dùng của thị trường EU, chúng ta nhận thấy, sức cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam khi xuất khẩu sang thị
trường này chưa đạt được hiệu quả cao nhất bởi những vấn đề về chất lượng, kiểu dáng… Rõ ràng đây là một trong những hạn chế của hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam cần phải khắc phục nhanh chóng trong thời gian tới.