Thực trạng thực hiện các biện pháp bảo hộ thương mại ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Bảo hộ thương mại trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của WTO-thực trạng và giải pháp (Trang 67 - 74)

III. THỰC TIỄN ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO HỘ THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM

1. Thực trạng thực hiện các biện pháp bảo hộ thương mại ở Việt Nam

Chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế với tư cách là thành viên của WTO của Việt Nam đã được hơn 2 năm. Đây là khoảng thời gian đối với sự phát triển của quốc gia chưa phải là nhiều, tuy nhiên những tác động mà sự kiện này mang lại cho Việt Nam không phải là nhỏ. Hội nhập kinh tế quốc tế đem đến nhiều cơ hội nhưng đồng thời có cả thách thức cho Việt Nam. Bên cạnh việc nhận được nguồn FDI nhiều hơn, môi trường đầu tư, thủ tục hành chính thông thoáng hơn, thuế giảm, hàng hoá phong phú với nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng, xuất khẩu tăng, cơ hội việc làm ở trình độ cao sẽ tăng...Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hoá nhập khẩu, phải cải thiện môi trường luật pháp, xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp đặc quyền đặc lợi...Do vậy, Việt Nam vẫn cần có một chính sách bảo hộ thích hợp nhằm vừa đảm bảo được quyền lợi quốc gia vừa tuân thủ các cam kết với WTO. Trong những phần trên, người viết đã đề cập đến những cam kết về việc áp dụng các biện pháp bảo hộ trong thương mại quốc tế của Việt Nam với WTO và những quy định mà Việt Nam đưa ra nhằm thực hiện theo các cam kết đó. Vậy quy định là như thế, thực tế áp dụng các biện pháp bảo

hộ thương mại của Việt Nam trong 2 năm qua ra sao? Vấn đề này xin được làm rõ như sau:

Có thể nhận thấy những điểm chính trong quá trình áp dụng các biện pháp bảo hộ ở Việt Nam như sau:

Một là, trong chính sách bảo hộ sản xuất nội địa, Việt Nam đã áp dụng chủ yếu là các biện pháp thuế quan - công cụ bảo hộ hợp lý được WTO thừa nhận, thực hiện cắt giảm thuế theo lộ trình đã cam kết và tuân thủ các ràng buộc thuế quan.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã không ngừng thông qua các chính sách thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu quan trọng như ôtô, linh kiện, phụ kiện, thép...hay các sản phẩm công nghệ được cắt giảm đúng theo lộ trình đã cam kết với các mức ràng buộc thuế và mức giảm thuế.

Thuế nhập khẩu biến động theo từng giai đoạn nhất định phụ thuộc vào từng mặt hàng được nhập khẩu cũng như chính sách của Nhà nước ta. Ví dụ như đối với mặt hàng ôtô mới 100%, thuế suất nhập khẩu liên tục biến động trong suốt hai năm 2007, 2008. Nếu như năm 2007, thuế suất từ 90% giảm xuống 80% ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, và tiếp tục giảm xuống 70%, và cuối cùng là 60% vào cuối năm 2007 (11/2007) thì đầu năm 2008, các nhà nhập khẩu ôtô lại tiếp tục thích ứng với mức thuế suất mới 70%. Mức thuế nhập khẩu ôtô tiếp tục tăng lên ở mức 83% nhằm hạn chế việc nhập khẩu ôtô ồ ạt trong thời gian đã gây ra tình trạng ách tắc giao thông tại các thành phố lớn. Hay đối với mặt hàng thép, có thể nói là mặt hàng có nhiều biến động nhất trong thời gian qua khi mà tình hình sản xuất thép trong nước gặp nhiều khó khăn đòi hỏi sự hỗ trợ từ phía nhà nước, chính sách thuế cũng thay đổi theo sự biến động này. Tuy nhiên việc điều chỉnh thuế không hợp lý, kịp thời cũng đã gây ra một số những bất cập nhất định. Khi thép đang tăng giá trên thị trường thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam đã tiến hành nhập khẩu rất nhiều phôi thép làm nguyên liệu để sản xuất thép xuất khẩu. Tuy nhiên,

giá phôi thép tăng lên khiến các doanh nghiệp lại xuất khẩu ngược trở lại. Lúc này nhà nước đã đưa ra chính sách tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép khiến các doanh nghiệp thép phải đối mặt với tình thế hết sức khó khăn. Trong giai đoạn cuối năm 2008 đến nay giá thép đã không ngừng sụt giảm, trong khi đó lượng thép nhập khẩu từ khu vực ASEAN với giá rẻ không ngừng được nhập khẩu vào Việt Nam đe doạ ngành sản xuất thép trong nước. Đứng trước tình hình này, Bộ tài chính đã quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thép nhập khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và thép trong nước. Tuy nhiên đây là hành động bảo hộ không được khuyến khích đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Tinh hình khủng hoảng kinh tế đã khiến Việt Nam không thể tránh khỏi việc nâng thuế nhập khẩu nhằm hướng người tiêu dùng vào sử dụng các hàng hoá được sản xuất trong nước đang trở nên rẻ một cách tương đối so với hàng ngoại nhập. Về lý thuyết, điều này dường như đi ngược lại những cam kết về tự do hoá thương mại và cắt giảm bảo hộ của Việt Nam với tổ chức thương mại thế giới WTO, tuy nhiên trong thời điểm hiện nay thì chính sách này hầu như vẫn được các quốc gia khác chấp nhận bởi đây cũng là tình trạng chung mà họ đã và đang phải đối mặt.

Nhận thức được những hậu quả mà bảo hộ đem lại, chính phủ Việt Nam cũng rất e dè trong việc áp dụng các chính sách bảo hộ. Có thể nói, từ khi vấn đề kích cầu tiêu dùng hàng trong nước được đưa ra, Bộ tài chính mới chỉ điều chỉnh tăng thuế đối với hai mặt hàng giấy và sữa theo các văn bản số 28/2009/ QĐ-BTC và số 39/2009/TT-BTC. Điều này phần nào cho thấy Việt Nam áp dụng các biện pháp suy giảm kinh tế nhưng rất thận trọng trên cơ sở tôn trọng các cam kết quốc tế và phù hợp với động thái của các nền kinh tế lớn. Khi “cơn bĩ cực” đã đi qua thì một chính sách thương mại tự do theo đúng tinh

thần trong các thoả thuận thương mại luôn là một chính sách mà Việt Nam cần thực hiện.

Một điểm đáng chú ý trong lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam là Việt Nam đã áp dụng lộ trình cắt giảm thuế từ từ. Tuy nhiên trong lúc kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam đã hào hứng “chịu chơi” bằng việc cắt giảm trước lộ trình. Do vậy trong thời điểm hiện nay, chúng ta có thể tiến hành nâng thuế nhập khẩu mà không lo bị “xé rào” và coi đó là một trong những biện pháp nhằm chống suy giảm kinh tế trong tình hình hiện nay tuy rằng phạm vi của chính sách này không lớn lắm.

Hai là, Việt Nam ít hoặc còn hạn chế khả năng áp dụng các biện pháp phi thuế quan. Thứ nhất là do các biện pháp phi thuế quan không được WTO khuyến khích sử dụng do tính thiếu minh bạch và khó dự đoán của chúng và là thành viên của WTO nên Việt Nam cam kết sẽ thực hiện theo quy định của WTO về thương mại quốc tế. Hai là sự hạn chế của Việt Nam trong việc ban hành các văn bản pháp luật quy định về các biện pháp phi thuế quan cũng như việc áp dụng các biện pháp này do sự yếu kém về nhận thức của nguồn nhân lực hay do vấn đề hành chính như thủ tục xác định trị giá hải quan còn rườm rà, chậm đổi mới...

Về việc áp dụng các biện pháp hạn chế định lượng như cấm nhập khẩu hay hạn ngạch đều được Việt Nam cam kết sẽ không áp dụng khi gia nhập WTO và thực tế thì Việt Nam đã thực hiện đúng theo cam kết khi đã bãi bỏ việc nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà, ôtô cũ vào thị trường nội địa.

Đối với việc áp dụng giấy phép nhập khẩu, ngày 1/8/2008 bộ trưởng bộ công thương đã ký thông qua quyết định số 24/QĐ-BCT về chế độ áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng, và đến nay thì quyết định trên đã hết hiệu lực, tuy nhiên bộ công thương dự định sẽ tiếp tục duy trì trong năm tới. Một thực tế là trong thời gian qua, việc quản lý bằng giấy phép

nhập khẩu tự động tỏ ra kém hiệu quả, một số mặt hàng thuộc diện kiểm soát của quyết định là mặt hàng rau quả, thực phẩm...là hàng tươi sống, mau hỏng không sớm được giải quyết, gây ách tắc dẫn đến thiệt hại và khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cùng với quyết định, bộ công thương đã phải ban hành thêm rất nhiều văn bản bổ sung như văn bản số 8237/BCT-XNK quy định về việc giảm bớt một số mặt hàng phải kiểm soát và cũng có rất nhiều mặt hàng không cần thiết phải nằm trong diện kiểm soát chặt chẽ như việc nhập khẩu các thiết bị điện sử dụng năng lượng mặt trời,thiết bị làm sạch...Nhiều thủ tục phát sinh không cần thiết như bộ công thương còn yêu cầu gửi cả bản sao giấy phép kinh doanh...Có thể thấy việc áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động còn khá nhiều bất cập, do vậy bộ công thương cần cân nhắc xem liệu có nên tiếp tục áp dụng chính sách này hay không.

Về thực hiện Hiệp định xác định trị giá tính hải quan,có thể thấy Việt Nam đã cố gắng thực hiện đúng theo cam kết với WTO trong việc áp dụng các phương pháp tính thuế cũng như đơn giản hoá thủ tục hải quan như áp dụng hải quan điện tử tuy nhiên thực tế là do mới đưa vào hoạt động nên vẫn chưa nhiều doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này (thống kê từ 2006-2008 có 537 doanh nghiệp tham gia), phần mềm ứng dụng điện tử hải quan chưa đạt tiến độ, vẫn còn phải hiệu chỉnh nhiều trong quá trình triển khai, mới chỉ tiến hành thí điểm ở một số địa bàn nhất định, quy mô thông quan vẫn còn chỉ giới hạn ở 3 loại hình hàng hoá xuất nhập khẩu (xuất nhập khẩu kinh doanh, hàng nguyên liệu sản xuất, xuất nhập khẩu gia công, chưa có sự đồng bộ giữa quy trình thủ tục hải quan và quy trình thủ tục hải quan điện tử....

Trong khi đó, việc áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại như chống bán phá giá,chống trợ cấp và tự vệ của nước ta vẫn còn khá mới mẻ khi mà đây được coi là những công cụ hiệu quả để bảo vệ ngành sản xuất nội địa của các quốc gia trên thế giới. Theo cục quản lý cạnh tranh thì Việt Nam đã hứng

chịu ít nhất 37 vụ kiện chống bán phá giá, gần đây các vụ kiện ngày càng tăng, tuy nhiên lại chưa từng sử dụng các biện pháp đó để tự bảo vệ hàng hoá của chính mình. Hiện nay các văn bản pháp lý của Việt Nam về chống bán phá giá, chống trợ cấp, và tự vệ thương mại đã khá đầy đủ. Nhưng thực tế là doanh nghiệp Việt Nam chưa khởi kiện được phía đối tác nước ngoài nào. Một vấn đề nữa chính là các doanh nghiệp đã không chủ động, tích cực trong các vụ kiện, thay vì tiến hành tìm hiểu về thị trường xuất khẩu, về động thái của các doanh nghiệp tại thị trường đó ra sao nhằm kịp thời điều chỉnh đơn giá, lượng hàng xuất khẩu để giảm nguy cơ bị kiện thì các doanh nghiệp Việt Nam thường trốn tránh mỗi khi bị đâm đơn kiện. Điều này dẫn đến khả năng các bên kiện có quyền chủ động áp dụng các điều khoản phạt, gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước. Thêm vào đó, những số liệu để có thể làm căn cứ đi kiện các nước phải là số liệu chính thức từ các cơ quan Hải quan. Nhưng tập hợp số liệu của các cơ quan vốn rất kém, thiếu và không đầy đủ. Chưa kể doanh nghiệp rất khó để có thể tiếp cận các nguồn thông tin liên quan đến xuất nhập khẩu từ phía hải quan, thuế... Như vậy, để có thể giúp doanh nghiệp kiện được thì không chỉ cần nỗ lực của doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý cũng phải tích cực và chủ động hơn trong việc phối hợp với doanh nghiệp, nhất là trong việc cung cấp các số liệu chính thức, tư vấn pháp lý...

Đáng chú ý thời gian này, dưới ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như trước tình hình tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất giấy đã đến mức báo động ngày 25/02/2009, Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng ngay biện pháp tự vệ khẩn cấp đối với một số mặt hàng giấy.

Việt Nam cũng đã tiến hành hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, việc này có thể gây ra những tổn thất cho ngân sách nhà nước mà buộc phải bù đắp bằng việc đi vay hoặc in tiền, là mầm mống nguy hại đối với nền kinh tế ngay cả trong ngắn hạn. Trong khi đó, tổn thất ngân

sách chưa chắc đã được bù đắp bởi nguồn lợi thu được từ việc tăng trưởng

xuất khẩu nhờ trợ cấp như thế này. Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam chưa đạt

đến tư cách là một nền kinh tế thị trường. Mọi bảo hộ đối với thị trường trong nước nhìn chung chủ yếu có lợi cho những doanh nghiệp độc quyền, mà điều đáng tiếc là do hạn chế trong quản lý, lợi nhuận độc quyền không đến được ngân sách nhà nước, và tức là đại chúng không được hưởng lợi gì từ sự bảo hộ này. Sự độc quyền còn bóp méo và làm suy giảm hiệu quả kinh tế trong việc sử dụng các nguồn lực khan hiếm của các doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế.

Các biện pháp về rào cản kỹ thuật cũng bước đầu được Việt Nam áp dụng tuy nhiên còn nhiều hạn chế do khả năng cạnh tranh của Việt Nam đối với các sản phẩm nhập khẩu còn yếu. Do vậy, nếu muốn áp dụng có hiệu quả các biện pháp này, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầy mạnh và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá nội địa, không để hàng ngoại lấn át hàng nội.Việc kiểm soát động thực vật ở Việt Nam cũng còn khá yếu. Tại thành phố Hồ Chí Minh nơi tập trung khá đông dân cư và được coi là một trong những thành phố phát triển nhất của Việt Nam thì tính trong năm 2008 đã có đến 22 vụ ngộ độc thực phẩm mà một trong những nguyên nhân chính là các sản phẩm này được nhập khẩu từ nhiều nơi, rất khó xác định nguồn gốc xuất xứ. Có thể thấy công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam còn rất yếu.

Đối với hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mặc dù đã tham gia vào WTO hơn hai năm nhưng tình hình vi phạm bản quyền ở Việt Nam vẫn diễn ra khá nhiều. Tình trạng đĩa lậu, ăn cắp bản quyền vẫn diễn ra gây khó khăn trong quản lý đối với các bộ ngành quản lý. Tuy đã ký cam kết về hiệp định TRIPS và các hiệp định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam vẫn cần có thời gian để từng bước giải quyết khó khăn về tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay.

Như vậy, có thể thấy hai năm gia nhập WTO, Việt Nam đã cố gắng thực thi các cam kết liên quan đến các hiệp định về bảo hộ thương mại, tuy nhiên vừa mới gia nhập không lâu lại phải đối mặt với tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay khiến cho việc áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn và còn nhiều tồn tại. Sau đây, người viết xin được lý giải một số những nguyên nhân dẫn đến những tình trạng trên đây ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Bảo hộ thương mại trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của WTO-thực trạng và giải pháp (Trang 67 - 74)