Tích cực tham gia vào tổ chức các hiệp hộ

Một phần của tài liệu Bảo hộ thương mại trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của WTO-thực trạng và giải pháp (Trang 88 - 89)

II. KIẾN NGHỊ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG

2. Giải pháp về phía doanh nghiệp

2.2 Tích cực tham gia vào tổ chức các hiệp hộ

Hiệp hội doanh nghiệp được coi là cơ quan đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp và thực hiện các hoạt động hỗ trợ cụ thể cho hội viên của mình, trong đó hoạt động của hiệp hội được chia làm ba nhóm chính là: đại diện quyền lợi, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và các hoạt động khác.

Tham gia vào tổ chức các hiệp hội sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng, nhanh chóng nắm bắt những thông tin về thị trường, về tình hình nhập khẩu của ngành mình qua các giai đoạn, về đối tác và đặc biệt là nhận được sự hỗ trợ từ chính hiệp hội của mình. Điều này giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động ngày càng có hiệu quả và cùng nhau đề ra các chính sách đối phó với tình trạng hàng nhập khẩu gây thiệt hại cho sản xuất trong nước cũng như cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp thương mại. Ngoài ra, hiệp hội ngành nghề là nơi phản ánh nguyện vọng của doanh nghiệp lên chính phủ, đóng góp ý kiến cho các nhà làm luật và các cơ quan chức năng thực thi chính sách bởi chính các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh là người hiểu rõ nhất môi trường hoạt động kinh doanh của mình. Nói lên những bức xúc, vướng mắc, băn khoăn của mình một cách kịp thời, cung cấp cho các cơ quan chức năng những thông tin cần thiết là một cách thức hiệu quả giúp Nhà nước nhanh chóng tìm ra hướng đi đúng để hoàn thiện hơn nữa các chính sách về bảo hộ thương mại.

Hiện nay khi Việt Nam đã là thành viên của WTO, tham gia sâu rộng hơn vào nền kinh tế của khu vực và thế giới thì việc nâng cao và phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng là một điều hết sức cần thiết. Bản thân các hiệp hội cũng cần tăng cường giúp các doanh nghiệp hiểu đúng và tuân thủ luật pháp của nhà nước cùng với các cam kết WTO. Đồng thời, Hiệp hội cũng phải là đầu mối tổ chức liên kết giữa các thành viên trên cơ sở tự nguyện,

cùng có lợi để làm tăng thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hiệp hội cần tích cực hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của các hội viên trên thương trường , thay mặt các hội viên để bảo vệ quyền lợi của ngành sản xuất của mình, đồng thời hợp tác với các Hiệp hội tương ứng nước ngoài trên các lĩnh vực liên quan nhằm mở rộng thị trường, đối tác, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng cần hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức, tuyên truyền cho các doanh nghiệp thành viên nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật và các chính sách bảo hộ thương mại tuân thủ cam kết WTO, cũng như quyền lợi của họ trong quá trình áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại. Có như vậy mới đảm bảo các hội viên có thể tự giác cùng tiếng nói chung, chung hành động, đoàn kết nhất trí vì lợi ích chung của toàn ngành sản xuất và của chính doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tham gia các hiệp hội nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình, tận dụng những điều kiện và cơ hội khi trở thành thành viên của hiệp hội, không nên trông chờ ỷ lại vào Hiệp hội mà chính doanh nghiệp cũng cần trang bị cho mình những kiến thức về pháp luật và các chính sách bảo hộ thương mại. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả cạnh tranh và nhanh chóng giải quyết khi có phát sinh các tranh chấp thương mại.

Một phần của tài liệu Bảo hộ thương mại trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của WTO-thực trạng và giải pháp (Trang 88 - 89)