PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG TRONG VIỆC SỬ DỤNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO HỘ THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Bảo hộ thương mại trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của WTO-thực trạng và giải pháp (Trang 78 - 80)

BIỆN PHÁP BẢO HỘ THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP

1. Bảo hộ có chọn lọc một số ngành sản xuất trong nước

Có thể nhận thấy bảo hộ thương mại là cần thiết nhằm bảo vệ sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hoá nhập khẩu,tuy nhiên một vấn đề đặt ra là bảo hộ những ngành nào, bảo hộ như thế nào sao cho có hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến thương mại quốc tế luôn là một bài toán khó bởi nếu bảo hộ không có chọn lọc, bảo hộ tràn lan sẽ gây ra rất nhiều những tác động ngược như làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá trong nước hoặc dẫn đến các biện pháp trả đũa từ các quốc gia chịu ảnh hưởng của các biện pháp bảo hộ này.

Có một số nguyên nhân khiến cho các quốc gia áp dụng bảo hộ có chọn lọc:

* Bảo hộ thực chất là sự phân bổ nguồn lực: Đây là một vấn đề rất quan

trọng của bảo hộ bởi việc bảo hộ một số ngành sẽ khiến các nguồn lực được phân bổ và tập trung vào những ngành này và hạn chế đầu tư vào những ngành còn lại. Do đó cần phải cân nhắc để có thể chọn ra những ngành đáng được bảo hộ nhất và đem lại hiệu quả trong tương lai.

Bên cạnh đó thì bảo hộ ngành này sẽ làm thiệt hại đến ngành khác, ví dụ như bảo hộ ngành mía đường sẽ làm cho giá đường trong nước cao hơn và làm giảm sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều đường như bánh kẹo, sản xuất nước giải khát. Xét trên tổng lợi ích xã hội trong ngắn hạn thì bảo hộ là kém hiệu quả (lợi ích của ngành được bảo hộ không đủ bù đắp lợi ích mà Chính phủ, các ngành khác và người tiêu dùng mất đi), tuy nhiên về lâu dài thì quyết định bảo hộ ngành đó được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích cho xã hội khi ngành đó phát triển mạnh hoặc đơn giản là giúp giải quyết

được mục tiêu chính trị, xã hội.

* Bảo hộ đòi hỏi chi phí từ ngân sách nhà nước

Nhiều biện pháp bảo hộ thương mại đòi hỏi phải sử dụng ngân sách nhà nước (các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu, miễn thuế...) vốn đã eo hẹp hoặc được sử dụng cho các mục tiêu khác. Do đó cần cố gắng giảm thiểu các lĩnh vực bảo hộ đòi hỏi chi phí từ ngân sách nhà nước hoặc làm giảm nguồn thu ngân sách.

* Bảo hộ nhưng không được làm giảm tính cạnh tranh

Một yêu cầu đặt ra trong lựa chọn bảo hộ một số ngành đó chính là khi dỡ bỏ các biện pháp bảo hộ thương mại thì ngành đó có khả năng cạnh tranh được các sản phẩm nhập khẩu. Bảo hộ cũng phải hợp lý nếu không sẽ tạo cho các ngành sức ỳ cho những ngành được bảo hộ, dẫn đến giảm sức cạnh tranh của những ngành này.

* Bảo hộ hỗ trợ định hướng xuất khẩu

Bảo hộ có thể dẫn đến tình trạng nguồn lực từ khu vực sản xuất xuất khẩu sang khu vực thay thế nhập khẩu. Do vậy, chính phủ chỉ trong những tình thế hết sức cấp bách mới nên tiến hành các biện pháp bảo hộ các lĩnh vực có thể gây ra hiệu ứng như vậy và cần lựa chọn bảo hộ hợp lý, ưu tiên những ngành, lĩnh vực có tiềm năng xuất khẩu trong tương lai.

2. Tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại mới

Các biện pháp bảo hộ đã và đang được áp dụng tuy tạo ra một rào cản vững chắc trong thương mại quốc tế nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, tuy nhiên theo cam kết với WTO về lộ trình cắt giảm và dỡ bỏ buộc các doanh nghiệp phải tìm kiếm những biện pháp bảo hộ thương mại mới tinh vi hơn, nhằm né tránh chính những cam kết mà họ đã ký kết.

Thêm nữa, các quốc gia ngày càng tăng cường sử dụng các biện pháp tinh vi hơn như quy định về kiểm dịch động thực vật, quy định kỹ thuật, yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường...Việc chứng minh các biện

pháp này gây ra cản trở thương mại quốc tế là không hề đơn giản. Do vậy, Việt Nam cần tiếp cận và sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại mới này trên cơ sở tuân thủ các cam kết với WTO, không phân biệt đối xử, rõ ràng và khách quan.

3. Các biện pháp bảo hộ thương mại cần được áp dụng nhất quán, minh bạch. minh bạch.

Việc áp dụng minh bạch, nhất quán các biện pháp bảo hộ thương mại sẽ đảm bảo môi trường pháp lý rõ ràng, ổn định, không phân biệt giữa các quốc gia, làm tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài có tín hiệu rõ ràng về môi trường đầu tư dài hạn. Ví dụ như khi xác định được những lĩnh vực được bảo hộ lâu dài, mức bảo hộ cao, các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào các ngành này. Với những lợi ích như vậy, nâng cao tính chất minh bạch của các biện pháp bảo hộ thương mại cũng như áp dụng nhất quán các biện pháp này, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế nên là mục tiêu trong các chính sách về bảo hộ.

4. Bảo hộ trên cơ sở tuân thủ các quy định và cam kết với WTO

Việc trở thành thành viên của WTO và tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế cũng có nghĩa là Việt Nam phải cam kết giảm bớt các biện pháp bảo hộ cũng như mức độ bảo hộ, theo đó xu hướng chủ yếu áp dụng các biện pháp thuế quan bởi tính minh bạch và dễ dự đoán của chúng. Việt Nam khi gia nhập WTO đã có những cam kết về thuế quan và các biện pháp phi thuế quan và nhanh chóng ban hành những văn bản pháp luật quy định chi tiết các biện pháp bảo hộ này đảm bảo tuân thủ những cam kết mà Việt Nam đã ký. Tuy phải hi sinh nhiều quyền lợi nhưng về lâu dài, hội nhập vào sân chơi lớn của thế giới này sẽ mở rộng cơ hội phát triển cho không chỉ các doanh nghiệp nói riêng mà cho toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Một phần của tài liệu Bảo hộ thương mại trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của WTO-thực trạng và giải pháp (Trang 78 - 80)