5.1. Những kết quả đạt được
Một điều không thể phủ nhận là hoạt động xuất khẩu tại Công ty XNK than V-Coalimex là 1 trong những hoạt động chủ lực của Công ty, mang lại cho Công ty số ngoại tệ lớn. Hoạt động thanh toán quốc tế qua những hợp đồng xuất khẩu của Công ty đang từng bước được hoàn thiện. Trong những năm vừa qua, các hợp đồng xuất khẩu mà Công ty ký kết được ngày càng tăng và việc vận dụng các phương thức thanh toán ngaỳ càng hiệu quả. Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ được Công ty sử dụng chiếm đa số trong các phương thức thanh toán của Công ty, điều này thể hiện Công ty đã dần có những thị trường lớn, có nhiều khách hàng mới nên công tác thanh toán cần phải đảm bảo hết sức an toàn và cẩn trọng, tạo được sự tin cậy cho bạn hàng mới từ đó tạo ra thêm những bạn hàng lâu dài về sau. Bên cạnh đó, những bạn hàng thân tín, tin cậy, có mối quan hệ làm ăn lâu dài, Công ty vẫn tiếp tục áp dụng phương thức thanh toán chuyển tiền và nhờ thu bởi sự nhanh chóng và hiệu quả.
Về trình độ nghiệp vụ của cán bộ thanh toán xuất khẩu của Công ty, trải qua nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nên cán bộ thanh toán xuất khẩu tại công ty ngày càng có kinh nghiệm giải quyết tình huống, nắm rõ trình tự các bước thanh toán, phối hợp với ngân hàng thanh toán một cách nhanh chóng, đúng thủ tục, cũng như hạn chế được nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó công ty ngày càng chú trọng vấn đề đào tạo nên cán bộ thanh toán quốc tế của V-Coalimex ngày càng giỏi về nghiệp vụ, kỹ năng cũng như trình độ ngoại ngữ.
Về vấn đề đàm phán, ký kết hợp đồng, từ những kinh nghiệm đúc kết trong suốt quá trình hoạt động cùng với nỗ lực không ngừng của ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên trong công ty nên các hợp đồng được ký kết ngày càng chặt chẽ, khả năng đàm phán, thương lượng để giải quyết những tranh chấp phát sinh ngày càng được cải thiện nên giảm thiểu nhiều thiệt hại cho công ty khi xảy ra rủi ro ngoài ý muốn.
Về mặt hoạt động xuất khẩu lao động – một trong những hoạt động rất được khuyến khích vì nó giải quyết công ăn việc làm cho người tao động Việt Nam tại nước ngoài, góp phần cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam. Hoạt động này đã đạt được những thành tích đáng kể trong việc ký kết được nhiều hợp đồng lao động với đối tác nước ngoài cũng như đào tạo tay nghề cho người lao động Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu của Công ty qua đó ngày càng tăng: Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu đạt 196.118.603USD chiếm 84.6% tổng kim ngạch XNK của Công ty , năm 2008 kim ngạch xuất khẩu đạt 343.791.811 USD chiếm 84.5% tổng kim ngạch XNK, nhưng đến năm 2009 do có nhiều khó khăn, nên Công ty đạt kim ngạch xuất khẩu là 265.436.009USD chiếm 74.3% tổng kim ngạch XNK.
Trong thời gian sắp tới, đối mặt với tình trạng khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, ngoài việc hoàn thành những chỉ tiêu đã đề ra, đối với hoạt động thanh toán xuất khẩu, công ty vẫn cố gắng giữ vững những thành tích đã đạt được, ngày càng đa dạng phương thức thanh toán, đào tạo đội ngũ cán bộ thanh toán chuyên sâu về nghiệp vụ hơn nữa để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
5.2. Những hạn chế và nguyên nhân
Cùng những cố gắng để hoàn thiện tốt công tác thanh toán xuất khẩu - một khâu rất quan trọng trong quá trình thực hiện hợp đồng xuất khẩu, công ty cũng đã gặp nhiều khó khăn trong hoạt động này bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
5.2.1. Chất lượng hệ thống ngân hàng.
Như đã phân tích ở trên, chất lượng của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đóng một vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến hiệu quả của hoạt động thanh toán xuất khẩu tại V-Coalimex. Tuy nhiên trong những năm gần đây mặc dù hệ thống ngân hàng, tài chính tại Việt Nam đã khá phát triển với quy mô ngày càng lớn, chất lượng dịch vụ đã tốt hơn nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được hết yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt loại hình dịch vụ chưa thật sự phong phú để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động thanh toán xuất khẩu. Ví dụ, loại hình dịch vụ Bao Thanh Toán mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam và được 11 ngân hàng đưa vào sử dụng trong đó mới chỉ có 4 ngân hàng của Việt Nam, còn lại là 7 ngân hàng nước ngoài; và các ngân hàng Việt Nam cũng mới chỉ chú trọng phát triển Bao Thanh Toán nội địa mà chưa tạo điều kiện phát triển Bao Thanh Toán quốc tế. Theo ông Trịnh Thanh Hoan, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính), hiện tại bảo hiểm Xuất khẩu chiếm chưa đến 5% thị phần bảo hiểm trong nước, dưới nhiều hình thức hỗ trợ tài chính, hỗ trợ XK từ các quỹ. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay thì loại hình dịch vụ này mang lại rất nhiều lợi ích cho V-Coalimex nhưng lại chưa được các ngân hàng đưa vào áp dụng rộng rãi để tăng hiệu quả trong hoạt động thanh toán quốc tế tại doanh nghiệp.
5.2.2. Đàm phán để lựa chọn phương thức thanh toán, điều khoản đảm bảo ngoại hối. ngoại hối.
Phương thức thanh toán là một điều kiện quan trọng trong hợp đồng xuất khẩu, vì vậy việc đàm phán để lựa chọn phương thức thanh toán sao cho phù hợp với từng mặt hàng xuất khẩu cũng như phù hợp với bạn hàng của công ty là hết sức quan trọng.
Các phương thức thanh toán như ghi sổ, chuyển tiền, nhờ thu, nếu Công ty không có các biện pháp đảm bảo thì khả năng không nhận được tiền là rất lớn.
Mọi phương thức thanh toán dù có hoàn thiện đến mấy thì vẫn có những mặt hạn chế và tiềm ẩn những khả năng xảy ra rủi ro. Thanh toán bằng chuyển tiền hoàn toàn dựa trên uy tín và quan hệ tốt đẹp giữa các bên. Nếu người mua không có thiện chí, sau khi nhận hàng có thể từ chối trả tiền hoặc thậm chí từ chối việc thực hiện hợp đồng bằng cách không nhận hàng và không thanh toán tiền hàng. Lường trước được những hạn chế đó, Công ty chỉ dùng phương thức chuyển tiền với một số ít khách hàng quen thuộc.
Phương thức nhờ thu tuy có an toàn hơn chuyển tiền nhưng không thể chắc chắn được việc thanh toán có thể thực hiện đưọc. Khi gặp những khách hàng không thiện chí, họ không thể thanh toán hay không chấp nhận hối phiếu, Công ty có thể tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc trong việc thu hồi hàng hoá.
Một phương thức được coi là an toàn hơn cả đối với công ty khi tham gia xuất khẩu hàng hoá là phương thức tín dụng chứng từ. Nhưng vẫn không thể tránh khỏi những hạn chế, rủi ro mà trên thực tế Công ty đã gặp phải. Một trường hợp rủi ro điển hình đã xảy ra cho Công ty như sau: Theo
hợp đồng xuất khẩu than sang Trung Quốc số No.65/2008/2xGD705A-4/
MEI-CLM5/CAOSON, trong đó bên bán là :VINACOAL IMPORT- EXPORT JOIN STOCK COMPANY COALIMEX, bên mua là: M.E.I CONSULTANTS PTE LTD, hợp đồng đã ký kết, thoả thuận, thanh toán theo phương thức tín dụng chứng từ và Công ty đã giao hàng. Trong quá trình hàng được vận chuyển, bên nước người nhập khẩu, giá than giảm hơn rất nhiều so với giá mà Công ty xuất khẩu và họ đã không muốn mua lô hàng này với giá đó nữa. Rất không may, trong bộ chứng từ Công ty lập ra có một sai sót, dù rất nhỏ về địa chỉ giao hàng, sai sót này có thể hoàn toàn thương lượng được nhưng bên nhập khẩu không chấp nhận và ngân hàng phục vụ cho bên nhập khẩu từ chối thanh toán. Trước tình huống đó, Công ty đã phải tiến hành thương lượng với phía nhập khẩu,
chấp nhận hạ giá thành xuống so với hợp đồng để giải quyết số hàng và với hợp đồng này, Công ty đã phải chịu thiệt hại.
Như ta đã biết, nếu như bộ chứng từ không phù hợp thì việc thanh toán không thể thực hiện được. Bộ chứng từ là cơ sở để người mua giảm giá, từ chối nhận hàng, kéo dài thời gian thanh toán hay không thanh toán tiền hàng và đặc biệt khi bộ chứng từ không phù hợp với L/C thì Ngân hàng sẽ từ chối thanh toán. Do vậy, thời gian thanh toán luôn bị kéo dài do chúng phải sửa đi sửa lại. Thậm chí có những lỗi không sửa được phải đợi sự đồng ý của bên mua. Thường các đơn vị xuất khẩu nói chung và Công ty V-Coalimex nói riêng thường chọn thanh toán L/C trả ngay nhưng nhiều khi phải mất một vài tháng sau từ khi ngân hàng điện đòi tiền, Công ty mới nhận được tiền mà nguyên nhân thường do bộ chứng từ có sai sót và phải chờ nhà nhập khẩu chấp nhận. Như vậy, nhiều khi Công ty không thể đáp ứng được yêu cầu tăng vòng quay của vốn hơn nữa có khi còn bị phạt vì sai sót chứng từ.
Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ nghiệp vụ ngoại thương và thanh toán xuất nhập khẩu của các bên tham gia còn yếu nên chưa nắm bắt được các yêu cầu của L/C, điều này dẫn đến những sai sót trong quá trình lập chứng từ thanh toán hơn nữa việc thu thập, nắm bắt thông tin về thị trường, về đối tác còn khó khăn từ đó ảnh hưởng gián tiếp tới hoạt động thanh toán.
Điều khoản đảm bảo ngoại hối cũng là một yếu tố không thể thiếu trong hợp đồng trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay khi tỷ giá USD/VND biến động không ngừng nhưng điều khoản này chưa được áp dụng một cách triệt để vào các hợp đồng xuất khẩu của công ty.
CHƯƠNG III: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN XUẤT KHẨU TẠI V-COALIMEX