Định hướng phát triển ngành CNĐT Việt Nam và mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh ngành

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp điện tử thông qua phương thức liên kết sản xuất quốc tế (Trang 76 - 80)

Chương III Giải pháp tăng cường liên kết sản xuất quốc tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành CNĐT Việt Nam

3.1.2. Định hướng phát triển ngành CNĐT Việt Nam và mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh ngành

lực cạnh tranh ngành

3.1.2.1. Định hướng phát triển ngành CNĐT Việt Nam

Muốn đưa ngành CNĐT trong nước trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, Việt Nam phải xác định một con đường riêng phù hợp với tình hình cụ thể của nước mình và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, vừa hấp dẫn được đầu tư nước ngoài, vừa phát huy được những lợi thế để tạo dựng được những sản phẩm thương hiệu Việt Nam có tính cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường trong nước và có khả năng xuất khẩu.

a) Quan điểm về phát triển CNĐT giai đoạn 2010 – 2020

Theo quyết định của thủ tướng chính phủ số 75/2007/QĐ-TTg ngày 28/05/2007, dưới đây là 4 quan điểm lớn về phát triển CNĐT Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020:

- CNĐT là một trong các ngành công nghiệp chủ đạo của nền KTQD. CNĐT phải nhanh chóng trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn với định hướng xuất khẩu, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành CNĐT trong đó đặc biệt thu hút đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia là biện pháp quan trọng để phát triển CNĐT. Cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã và sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực CNĐT dưới bất kỳ quy mô, loại hình nào, từ lắp ráp thành phẩm đến sản xuất linh kiện, phụ tùng và các sản phẩm phụ trợ.

- Chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng phát triển điện tử chuyên dụng bao gồm sản xuất sản phẩm tin học, viễn thông, điện tử y tế, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, đo lường và tự động hóa, sản xuất linh kiện, phụ tùng và sản phẩm phụ trợ là định hướng phát triển của các doanh nghiệp trong nước trong thời gian tới.

- Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng của doanh nghiệp, đặc biệt của công ty đa quốc gia, là yếu tố then chốt trong kế hoạch phát triển CNĐT tại Việt Nam.

b) Định hướng chính cho phát triển CNĐT Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020: * Định hướng sản phẩm và cơ cấu sản phẩm:

- Nhóm sản phẩm định hướng phát triển bao gồm: máy tính và các thiết bị ngoại vi; thông tin – viễn thông; điện tử y tế; điện tử công nghiệp, đo lường và tự động hóa, sản xuất linh kiện, phụ tùng và sản phẩm phụ trợ.

- Tăng tỷ trọng sản phẩm điện tử chuyên dụng và phụ tùng linh kiện bằng việc tập trung sản xuất/lắp ráp các sản phẩm điện tử chuyên dụng, các sản phẩm công nghệ cao để nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp.

- Tận dụng tiềm năng sản xuất vật liệu điện tử, cơ điện tử, lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều lợi thế về tài nguyên. Ưu tiên phát triển một số lĩnh vực của công nghiệp phụ trợ như chế tạo khuôn mẫu, đúc, ép nhựa, đột dập kim loại, xử lý bề mặt…phục vụ cho quá trình sản xuất phụ tùng linh kiện cho ngành CNĐT.

* Định hướng thị trường: đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao NLCT của sản phẩm để chiếm lĩnh được thị trường trong nước, tiếp cận thị trường khu vực và thế giới theo định hướng xuất khẩu.

* Phát triển nguồn nhân lực: tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo hai hướng:

- Các chuyên gia thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường, có giá trị gia tăng cao và có tính cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

- Các kỹ sư công nghệ có trình độ cao, có khả năng tiếp thu công nghệ tiên tiến, ứng dụng có hiệu quả tại Việt Nam và có thể sáng tạo ra các công nghệ mới.

- Đội ngũ công nhân lành nghề để thực thi nhiệm vụ sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

* Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu thiết kế các sản phẩm và định hướng công nghệ

- Nghiên cứu thiết kế các sản phẩm điện tử dân dụng, chuyên dụng, phụ tùng linh kiện đơn giản, có mức độ phức tạp vừa phải, mẫu mã đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.

- Tiếp tục đào tạo và xây dựng đội ngũ nghiên cứu thiết kế và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, có hàm lượng chất xám lớn, tận dụng lợi thế về thiết kế, tích hợp hệ thống và phần mềm ứng dụng để có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

- Tập trung đi thẳng vào công nghệ hiện đại, tiếp nhận công nghệ trực tiếp từ các quốc gia sáng tạo ra công nghệ nguồn, không qua trung gian với phương châm là phải lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chuẩn hàng đầu.

* Định hướng phát triển vùng: tập trung phát triển CNĐT tại các khu công nghiệp và khu chế xuất ở ba vùng kinh tế trọng điểm theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 của Chính Phủ.

3.1.2.2. Mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh ngành CNĐT Việt Nam

Theo quyết định của thủ tướng chính phủ số 75/2007/QĐ-TTg ngày 28/05/2007

* Tầm nhìn đến 2020:

- CNĐT đóng vai trò là động lực phát triển, kim ngạch xuất khẩu chiếm 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

- Tạo việc làm cho 500.000 lao động, xây dựng đội ngũ kỹ sư và kỹ thuật viên có trình độ quốc tế.

- Thị trường trong nước không bị phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu, các nhà sản xuất trong nước chiếm một tỷ lệ tương xứng với các công ty nước ngoài.

- Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu.

- Các cơ sở sản xuất phân bố hợp lý theo định hướng phát triển vùng. * Mục tiêu cụ thể đến 2010:

Doanh số sản xuất đạt từ 4 – 6 tỷ USD Kim ngạch xuất khẩu đạt từ 3 – 5 tỷ USD Tạo việc làm cho 300.000 lao động

Tốc độ tăng trưởng từ 20% đến 30%/năm.

Giá trị gia tăng từ 5 – 10% hiện nay lên 15 – 20% Nhu cầu một số sản phẩm:

- Điện tử dân dụng: tăng cả về số lượng và chủng loại, dựa trên mục tiêu của chương trình xây dựng đời sống văn hóa trong cả nước nhằm thực hiện nghị quyết trung ương 5 khóa VIII, đến năm 2010, 100% hộ gia đình cả nước có phương tiện nghe nhìn, nhu cầu tivi khoảng 1,8 đến 2 triệu chiếc với nhịp độ tăng trung bình hàng năm 7,5%. Công nghiệp điện tử (dân dụng và công nghiệp) có tốc độ tăng trưởng bình quân 22% một năm, đến năm 2010 đạt tổng doanh thu khoảng 2 tỷ USD.

- Nhu cầu radio các loại: 500.000 – 600.000 chiếc/năm, dân cư khu vực thành phố, dân cư có thu nhập cao sẽ nhu cầu sản phẩm tiên tiến, cao cấp sẽ tăng. Trong khi đó, dân cư khu vực nông thôn, nhu cầu sản phẩm trung bình, giá thành rẻ, bền đẹp.

- Sản phẩm tin học: nhu cầu máy tính đạt khoảng 1.000.000 – 1.200.000 chiếc. Duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung thông tin ở mức bình quân 40% một năm, đến năm 2010 đạt tổng doanh thu khoảng 1,2 tỷ USD. Phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm của khu vực về lắp ráp thiết bị điện tử, máy tính và viễn thông, sản xuất một số chủng loại linh, phụ kiện và thiết kế chế tạo thiết bị mới. Công nghiệp phần cứng máy tính có tốc độ tăng trưởng bình quân 20% một năm, đến năm 2010 đạt tổng doanh thu khoảng 3 tỷ USD. Máy tính cá nhân, điện thoại di động và phần mềm mang thương hiệu Việt Nam chiếm lĩnh được tối đa thị phần trong nước và xuất khẩu không ít hơn 1 tỷ USD.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp điện tử thông qua phương thức liên kết sản xuất quốc tế (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w